Theo ghi nhận của PV báo Pháp luật Việt Nam vào chiều nay 14/11, mưa lớn kéo dài, cùng với các thủy điện đồng loạt xả lũ đã khiến một số khu vực hạ du vùng “rốn lũ” Đại Lộc (Quảng Nam), bị ngập sâu và chia cắt nặng.
Tại xã Đại Đồng, nước lũ dâng cao đã áp sát đến móng nhà, nhiều người dân đã chủ động dọn dẹp nhà cửa, kê cao đồ đạc…
Ông Nguyễn Tới (50 tuổi, trú thôn Hà Nha, xã Đại Đồng) cho biết, cơn mưa lớn kéo dài hai ngày qua khiến nước sông Vu Gia tràn vào, mấp mé phía sau nhà. Để tránh lũ, hai vợ chồng ông bê máy quạt, tivi, tủ lạnh…lên cao tránh ngập.
Sau khi kê đồ lên cao, ông Tới cùng hàng xóm đưa hai chiếc xe máy của gia đình đến trụ sở UBND xã để gửi.
“Tôi ám ảnh cái cảnh chạy lũ này lắm, năm nào cũng vậy. Nhưng biết làm sao, khu vực này thấp, mưa to vài bữa là ngập ngay. Như năm ngoái, nước vào nhà tôi xấp xỉ 1,4m. Cả gia đình 4 người phải ở trên gác mấy ngày liền”, ông Tới nói.
Người dân dựng "nhà lầu" để đưa đàn gà lên cao để tránh lũ.
Tại xã Đại Hưng, khu vực cầu Ba Khe bị ngập sâu cả mét, các tuyến đường vào thôn bị ngập sâu từ 0,5 - 1 m. Một số nhà dân cũng bị nước tấn công gây ngập cục bộ. Nhiều người dân cuống cuồng thu dọn tài sản chạy lũ.
Ông Trần Đắc Chí (54 tuổi, ở thôn Thái Chấn Sơn, xã Đại Hưng) cho biết, hiện nay nước trên sông Kôn (nhánh của Sông Vu Gia - PV) dâng cao, tràn qua cây cầu độc đạo dẫn vào thôn gây cô lập hoàn toàn hàng trăm hộ dân. Dự kiến trong đêm nay (14/11) nước lũ sẽ tràn vào nhà dân. Để ứng phó, ông cùng nhiều người dân khác trong thôn đã kê cao đồ tránh bị ngập trong nước, gây thiệt hại về tài sản.
Người dân thu dọn, vận chuyển các thiết bị điện tử như tivi, tủ lạnh lên cao tránh ngập.
Chính quyền địa phương di dời người dân trong những ngôi nhà ở vùng trũng thấp, nguy cơ ngập cao.
Ghe được chuẩn bị sẵn, phục vụ đi lại trong những ngày ngập lụt.
Lực lượng chức năng lập barie ngăn các phương tiện đi qua vùng nước lũ chảy xiết.
Tại khu vực thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, nước sông cũng đang lên nhanh gây ngập khu dân cư số 3.
Người dân di chuyển xe ô tô đến khu vực cao để “tránh lũ”.