Đó cũng là bài hát khởi đầu của cuộc đời quân ngũ, mà bất cứ chiến sĩ mới nào cũng thuộc và cùng đồng đội hát vang trong những buổi sinh hoạt tập thể, những phút giải lao trên bãi tập, trên những chặng đường hành quân...
Một bài hát với những ca từ hết sức mộc mạc, trong đó nhiều lần trang trọng ngân lên hai từ: dân và Bác. Đó cũng chính là máu thịt, là bản chất truyền thống của quân đội ta từ ngày đầu thành lập (22-12-1944), chỉ với 34 chiến sĩ, vũ khí là lưỡi lê, súng kíp. Một quân đội mà từ người chỉ huy cao nhất đến chiến sĩ binh nhì, đều gọi lãnh tụ kính yêu của mình là Bác, là “người Cha thân yêu”; gọi vị Đại tướng, Tổng tư lệnh của mình là “Anh Cả”. Thật gia đình, thật “một lòng phụ tử” và cũng thật Việt Nam!
Hình ảnh và tên gọi Bộ đội Cụ Hồ là một nét độc đáo, rất đáng tự hào của Quân đội nhân dân Việt Nam, của văn hóa Việt Nam. Hiếm có dân tộc nào trên thế giới mà nhân dân lại yêu mến, lấy tên lãnh tụ kính yêu của mình đặt cho quân đội. Đây vừa là tình cảm, vừa là niềm tin của nhân dân dành cho quân đội ta. Bộ đội Cụ Hồ còn được coi là một hình mẫu của con người Việt Nam trong thời đại mới, được nhân dân hết lòng tin yêu, quý trọng và động viên các thế hệ con, cháu tiếp bước, noi theo.
Bộ đội Cụ Hồ là cách gọi rất Việt Nam, thật gần gũi, không chỉ là tên gọi trìu mến nhân dân dành cho quân đội, mà còn là một danh hiệu, một vinh dự lớn đối với mọi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chặng đường hơn 7 thập kỷ xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đội ta, so với lịch sử dân tộc, đất nước là không dài, nhưng hình tượng Bộ đội Cụ Hồ đã đi vào lịch sử một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn, trở thành một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của thời đại mới. Bộ đội Cụ Hồ, với những biểu hiện, phẩm chất cao đẹp, là biểu tượng tiêu biểu, rất đáng tự hào của dân tộc Việt Nam anh hùng; là khát vọng vươn tới của tuổi trẻ. Bộ đội Cụ Hồ, từ một biểu tượng mang ý nghĩa xã hội, đã trở thành một hình ảnh rất đỗi gần gũi, thân thương.
Để phát huy những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, để hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ mãi tỏa sáng, cần thường xuyên nuôi dưỡng giá trị văn hóa trong nhân cách người chiến sĩ. Tuy nhiên, trong điều kiện cơ chế thị trường mở cửa hiện nay, điều này không đơn giản. Tôi nhớ mãi câu trả lời của một đồng chí chính ủy, khi tôi còn làm công tác tuyên huấn ở đơn vị cơ sở: Phải làm tất cả những gì để người dân mãi mến gọi Bộ đội Cụ Hồ!.
Để làm được điều đó, phải kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa giáo dục, đào tạo về chính trị với giáo dục về văn hóa-thẩm mỹ, đa dạng hóa các hoạt động tư tưởng để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục toàn diện cho bộ đội. Toàn quân đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả nội dung đào tạo, giáo dục khoa học nhân văn trong các nhà trường quân đội, lấy con người làm trung tâm. Quá trình hình thành, phát triển nhân cách người chiến sĩ ngày nay không đơn giản, thuận chiều như ngày trước mà rất nhiều phức tạp, phải tạo ra cho họ một môi trường sống trong sạch, lành mạnh, cùng khả năng đề kháng, miễn dịch cao trước những thông tin xấu độc, tệ nạn xã hội; khơi dậy khả năng tự định hướng, tự miễn dịch, tự phê phán... nhằm xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, để quân đội mãi là trường học lớn của tuổi trẻ.