“Nuốt nước mắt vào trong” không hẳn đã là cách hay để sống tiếp

(PLVN) -Nhiều người lâu nay có xu hướng “dán mặt cười” lên mọi thứ cảm xúc, luôn cố gắng tỏ ra tích cực dù bản thân đang gần như chạm đáy của nỗi buồn, lo lắng và bất an. Họ không hề biết rằng để tỏ ra tích cực mà phải phớt lờ đi cảm xúc thật của mình thì đó không phải là một cách hay.

Susan David là chuyên gia tâm lý y khoa của Khoa Y Đại học Harvard, nhà đồng sáng lập và đồng chủ tịch của Viện Khai vấn tại Bệnh viện McLean, CEO của tổ chức tư vấn quản lý kinh doanh Evidence Based Psychology.

Cô có bằng tiến sĩ ngành Tâm lý học lâm sàng và văn bằng sau tiến sĩ về nghiên cứu cảm xúc con người của Đại học Yale. Hiện Susan David công tác tại trường Y Harvard, các bài viết và nghiên cứu của cô đã được đăng trên The New York Times, Harvard Business Review, Washington Post, Wall Street Journal, Time.

Theo Susan David, để tỏ ra tích cực mà phải phớt lờ đi cảm xúc thật của mình thì đó không phải là một cách hay

Với nghề nghiệp của mình, từ lâu Susan David đến cảm xúc của con người và cách thức họ vượt qua những biến cố cuộc đời về mặt cảm xúc. Cô nhận thấy lâu nay, người ta có xu hướng “dán mặt cười” lên mọi thứ cảm xúc, luôn cố gắng tỏ ra tích cực dù bản thân đang gần như chạm đáy của nỗi buồn, lo lắng, và bất an.

Theo một nghiên cứu, tỷ lệ phụ nữ khi bị bạo hành, cưỡng hiếp, luôn tìm cách che đậy, ngụy trang bằng những khuôn mặt cười chiếm một tỉ lệ áp đảo. Thậm chí nhiều năm sau này họ mới dũng cảm “vượt bẫy cảm xúc” sống thật với nỗi đau và được cứu rỗi."

Theo Susan David, để tỏ ra tích cực mà phải phớt lờ đi cảm xúc thật của mình thì đó không phải là một cách hay. Thói quen “dán mặt cười” này khiến người ta dễ dàng trở nên hời hợt và đóng băng cảm xúc. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả là vấn đề và cảm xúc vẫn còn đó, không được giải quyết một cách dứt điểm, và vì thế gây ra những hệ lụy không đáng có.

Ngay cả chính bản thân Susan David cũng từng rơi vào trải nghiệm chôn vùi cảm xúc tiêu cực chỉ để tỏ ra tích cực như vậy. Đó là lúc bố cô qua đời vì ung thư ở tuổi 42, khi Susan mới 16 tuổi. Chỉ vài ngày sau khi ông mất, Susan vẫn đến trường như thường lệ cùng lời nhắn nhủ của mẹ rằng hãy xem như mọi việc vẫn diễn ra bình thường.

Thế nhưng, thực tế, cô bé Susan khi ấy lại thấy cõi lòng mình như đang vỡ vụn. Cho đến một ngày, cô giáo gợi ý các học sinh viết ra mọi thứ trong lòng vào cuốn nhật ký, như thể sẽ không có ai đọc được nó cả. Lúc này, Susan mới được sống thật với nỗi đau của mình. Và đó cũng chính là phút giây cô cảm thấy mình được cứu rỗi.

Vào tháng 11/2013, tích lũy kinh nghiệm sau 20 năm làm công việc huấn luyện lãnh đạo điều hành, Susan David đã có một bài viết tạo tiếng vang trên Tạp chí Harvard Business Review (HBR). Nội dung bài viết nói về mô hình phát triển khả năng “linh hoạt cảm xúc” để nhìn nhận lại mọi khía cạnh của cảm xúc, thoát khỏi xu hướng phản ứng cứng nhắc, thiếu hiệu quả thường thấy, đồng thời tạo ra những thay đổi bền vững và hữu ích để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài viết nằm trong danh sách những bài báo được đọc nhiều nhất của HBR suốt nhiều tháng, được tải xuống gần 250.000 lượt - bằng với tổng lượng phát hành của HBR, được tạp chí này giới thiệu như bài Ý tưởng quản lý của năm và được đăng lại trên nhiều kênh truyền thông lớn như The Wall Street Journal, Forbes và Fast Company. Ngay cả TED Talk của Susan David về “linh hoạt cảm xúc” cũng thu hút hơn 3 triệu lượt xem.

Khi chúng ta cố gắng giết chết cảm xúc của mình, nạn nhân thật sự chính là hạnh phúc và sức khỏe của chúng ta.

Tiếp nối sự hưởng ứng đông đảo dành cho chủ đề ấy, cuốn sách “Vượt bẫy cảm xúc” ra đời ngay lập tức đã tạo nên một cơn bão. Đây là cuốn sách bán chạy nhất theo thống kê của The Wall Street Journal, đồng thời cũng nằm trong tốp sách best-seller của tờ USA Today, đoạt giải cuốn sách đáng đọc nhất của năm trên Amazon, đồng thời giành giải Ý tưởng đột phá của Thinkers 50.

Trong cuốn sách của mình, Susan đã giúp người đọc nhận diện rất nhiều bẫy cảm xúc mà cô gọi đó là “những chiếc móc câu”. Theo Susan, “Khi chúng ta cố gắng “thoát khỏi móc câu” bằng cách giết chết cảm xúc của mình, nạn nhân thật sự chính là hạnh phúc và sức khỏe của chúng ta”.

Hoá ra, không phải nuốt nước mắt vào trong rồi cố tỏ ra mạnh mẽ, mà là đón nhận, giải phóng được cảm xúc và thấu hiểu những suy nghĩ ẩn sâu bên trong mình mới chính là giải pháp giúp chúng ta có cuộc sống lành mạnh hơn.

Dù “Vượt bẫy cảm xúc” là cuốn sách được viết bởi một chuyên gia tâm lý, người đọc cũng sẽ bắt gặp nhiều điều thú vị khi tác giả nhắc đến những khía cạnh thiên về tâm linh, như chánh niệm, từ bi, hiểu và thương… nhưng từ góc nhìn của khoa học.

“Mục tiêu cuối cùng của sự linh hoạt trong cảm xúc là giúp bạn có thể nhận ra và vững vàng đón nhận thử thách cũng như nắm bắt các cơ hội phát triển trong suốt hành trình cuộc đời mình”, đây là giá trị cốt lõi mà Susan David muốn gửi gắm đến độc giả thông qua tác phẩm của mình.

Đọc thêm