Ô nhiễm môi trường “kéo lùi” du lịch biển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặt trái của hoạt động du lịch sôi động chính là “vết sẹo” để lại với môi trường sinh thái tại nhiều điểm đến, đặc biệt là biển và các vùng ven biển. Ô nhiễm môi trường tại Việt Nam là một trong những lí do lớn nhất khiến du khách một đi không trở lại.
Đảo Koh Phi Phi (Thái Lan) bị đóng cửa bởi ô nhiễm nặng.
Đảo Koh Phi Phi (Thái Lan) bị đóng cửa bởi ô nhiễm nặng.

Biển bị thương tổn bởi ô nhiễm “trắng”

Việt Nam có hơn 1 triệu km2 diện tích mặt nước biển, hơn 2.770 đảo ven bờ và hàng loạt bãi tắm đẹp trải dọc cả nước, đó là những lợi thế thiên nhiên vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), trước khi dịch bệnh bùng phát, ước tính các vùng ven biển, khu du lịch biển hàng năm thu hút khoảng 70% lượng khách quốc tế tới Việt Nam, 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu ngành du lịch cả nước.

Đáng nói, trung bình mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải khoảng 1,2kg/ngày đêm; trong khi mỗi khách du lịch không lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 0,5 kg/ngày. Trong đó rác thải nhựa chiếm khoảng 60%, chủ yếu là các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi ni lông, hộp xốp, chai nhựa, ống hút nhựa, bàn chải, lược, mũ ủ tóc, tăm bông …

Du lịch biển phát triển nhanh và mạnh gây ra vấn nạn ô nhiễm môi trường biển nhức nhối nhiều năm nay. Lượng du khách gia tăng kéo theo sự phát sinh một khối lượng lớn chất thải ra môi trường, vượt qua năng lực quản lý, thu gom và xử lý chất thải của các khu du lịch biển. Rác thải chưa được thu gom, xử lý đúng quy trình, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại một số bãi tắm ven bờ, gần khu dân cư, nhà hàng, khách sạn…

Chỉ nói riêng về chất thải rắn, vào mùa du lịch cao điểm, tỷ lệ thu gom chất thải rắn ở các điểm đến hiện đạt cao nhất chỉ rơi vào khoảng 70% đến 80% khối lượng chất thải thực sự ra môi trường. Nhiều năm nay, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, các khu du lịch biển nổi tiếng như Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Vũng Tàu… đều đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải.

Bao lâu nay, khách du lịch có thói quen sử dụng tuỳ tiện các vật dụng nhựa một lần khi đi chơi vì tính tiện dụng, sau khi dùng xong thản nhiên vứt rác bừa bãi ra môi trường. Phần lớn các cơ sở kinh doanh du lịch, đặc biệt là các cơ sở ăn uống, bán hàng tạp hóa, lưu niệm, vẫn sử dụng túi ni lông, hộp xốp để gói, đựng đồ cho du khách.

Mặt khác, rác thải nhựa trên biển cũng phát sinh từ quá trình sử dụng và phục vụ khách du lịch từ các tàu, thuyền tham quan, lưu trú trên biển… Ý thức bảo vệ môi trường của người dân và du khách còn hạn chế, nên mới xảy ra tình trạng xả rác thẳng ra môi trường gây ô nhiễm và mất đi cảnh quan đẹp tại các bãi tắm, vùng ven biển.

Một thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tại Việt Nam rác thải nhựa chiếm khoảng 50 - 80% lượng rác thải biển, năm 2019 ước tính lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển, đảo lên tới hơn 230 nghìn tấn. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 4 trong các nước có lượng rác thải nhựa cao nhất thế giới, với trung bình khoảng 730 nghìn tấn rác nhựa ra biển mỗi năm.

Theo phân tích của TS. Dư Văn Toán (Viện Nghiên cứu biển và hải đảo) và tác giả Nguyễn Thùy Vân (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch), ngoài nguyên nhân du lịch tràn lan, các nguyên nhân cộng dồn khác dẫn đến ô nhiễm biển là do phát triển công nghiệp cùng với nuôi trồng thủy sản bất hợp lý; dân số tăng và nghèo khó; lối sống giản đơn và dân trí thấp cộng với thể chế, chính sách còn bất cập.

Khoảng 70% đến 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các con sông ở vùng đồng bằng ven biển hoặc xả thẳng ra biển; trong khi đó, các hoạt động du lịch có ảnh hưởng tới 20-30% đến môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của biển.

Đảo Boracay (Phillippines) đóng cửa 6 tháng để thiên nhiên phục hồi.

Đảo Boracay (Phillippines) đóng cửa 6 tháng để thiên nhiên phục hồi.

Du lịch “thụt lùi” vì ô nhiễm

Phải mất hàng trăm, hàng vạn năm, lượng rác thải này mới có thể được phân huỷ. Tuy nhiên, nếu không có những biện pháp xử lý kịp thời, lượng rác thải vẫn tiếp tục tăng lên qua các năm mỗi khi du lịch phục hồi, vượt qua sức chịu tải và khả năng phục hồi của môi trường. Ô nhiễm môi trường gây mất cảnh quan, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người là một trong những yếu tố hàng đầu khiến du khách ngần ngại trở lại điểm đến. Ngược lại, trong quá khứ đã nhiều “thiên đường” du lịch phải tự đóng cửa để bảo vệ thiên nhiên.

Nhiều bài học thấm thía trên thế giới có thể kể đến Thái Lan đóng cửa vịnh Maya và đảo Phi Phi từ tháng 3/2018 đến nay nhằm ngăn chặn những tổn thương cho môi trường do quá tải khách du lịch. Trước thời điểm đó, mỗi ngày có khoảng 5.000 lượt du khách tham quan vịnh Maya bằng thuyền, gây ô nhiễm môi trường, phá huỷ một phần các rạn san hô. Việc đóng cửa tạm thời nhằm mục đích để các rạn san hô bị tổn thương có thời gian phục hồi.

Đáng nói, đây không phải khu du lịch duy nhất ở Thái Lan bị buộc đóng cửa do ảnh hưởng từ du lịch ồ ạt tới môi trường. Các hòn đảo Koh Tachai, Koh Khai Nok, Koh Khai Nui và Koh Khai Nai cũng từng bị đóng cửa tạm thời do tình trạng ô nhiễm khá nghiêm trọng.

Mặt khác, hòn đảo Boracay được coi là niềm tự hào của ngành du lịch Philippines cũng từng phải đóng cửa nhiều tháng vì tình trạng ô nhiễm môi trường. Boracay từng là niềm tự hào của ngành du lịch đảo quốc này với thành tích nhiều năm liền xuất hiện trong các danh sách bãi biển đẹp nhất hành tinh do các tạp chí du lịch uy tín bình chọn.

Riêng năm 2017, đã có tới gần 4 triệu hành khách tới đây, trong đó có rất nhiều du khách Việt. Sự phát triển nhanh chóng này đã khiến quần đảo phải đóng cửa liên tục sáu tháng vào năm 2018 để phục hồi thiên nhiên và cảnh quan.

Còn tại Việt Nam, kết quả giám sát môi trường hàng năm về hiện trạng môi trường, chất lượng nước biển ở nhiều bãi tắm trên địa bàn nhiều tỉnh, thành đều đã có dấu hiệu ô nhiễm môi trường.

Ví dụ điển hình nhất là đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), kể từ năm 2019 đã có nhiều hình ảnh, thông tin chia sẻ trên mọi phương tiện truyền thông về việc đảo ngọc đang thực sự lâm nguy vì ô nhiễm môi trường cả sông lẫn biển do rác thải, nước thải từ các hoạt động sinh hoạt, kinh doanh và du lịch.

Mới đầu năm 2021, nhiều người dân trên đảo đã phản ánh tình trạng con sông Dương Đông – một trong những con sông lớn và dài nhất trên đảo – đang “chết dần” vì ô nhiễm. Theo đó, rác không chỉ do người dân địa phương thải ra, mà còn do nhiều khách du lịch đến đây vui chơi thiếu ý thức vứt bừa bãi.

Tình trạng ô nhiễm môi trường nhức nhối ở đảo ngọc nhiều năm nay đã là nguyên do khiến nhiều du khách, gia đình, công ty du lịch ngần ngại đặt vé tới nơi này. Mặc dù chưa có những số liệu chính thức cho thấy du lịch Phú Quốc bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường ra sao nhưng hậu quả trước mắt chính là cuộc sống của người dân địa phương đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Tất nhiên, sẽ không có ai mong muốn bất kỳ một “thiên đường du lịch” nào ở Việt Nam phải đóng cửa vì ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, những đợt “nghỉ” của du lịch bởi dịch bệnh tái bùng phát hiện nay cũng phần nào giúp thiên nhiên có thời gian hồi phục.

Lại nói, trong một bài báo mới đây trên tờ New York Times (Mỹ) có đặt câu hỏi đáng suy ngẫm: Đại dịch Covid-19 khiến du lịch “đóng băng” đối với Mẹ Trái Đất là lời nguyền hay phước lành? Bởi lẽ, không có du khách, rất nhiều khu bảo tồn, bảo dưỡng thiên nhiên đã phải dừng hoạt động vì thiếu chi phí, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động phi pháp để tàn phá môi trường, săn bắt bừa bãi, gây tổn thường nhiều hơn đối với môi trường.

Có thể thấy, du lịch tràn lan, du khách tăng vọt có thực sự là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường hay không? Thiết nghĩ, nếu mỗi người thực sự du lịch có trách nhiệm, tự nâng cao ý thức gìn gìn môi trường, thậm chí hành động để dọn dẹp rác thải, cộng sinh cộng hưởng cùng với quỹ đạo tự nhiên thì ngành du lịch và môi trường mới có thể cũng phát triển bền vững.

Nếu không, theo như những con số thống kê nêu trên, lượng rác thải sẽ ngày càng chất đống năm này qua năm khác, đến khi quá tải khả năng chịu đựng và hồi phục của thiên nhiên. Lúc ấy, có lẽ giải pháp đóng cửa chỉ giải quyết được phần nào hậu quả, không chỉ thiệt hại kinh tế, kéo lùi du lịch mà bản thân cuộc sống mỗi người dân địa phương cũng sẽ bị đe dọa.

Đọc thêm