Tin từ Bộ GTVT cho biết, cơ quan này đã yêu cầu các chủ đầu tư BOT khẩn trương lắp đặt hệ thống thu phí một dừng.
Sau 30/6 sẽ thu phí không dừng tại 20 trạm trên QL1 và 5 trạm trên đường Hồ Chí Minh. Hiện Bộ GTVT đã triển khai 3 trạm thu phí thí điểm tại Nghệ An, Quảng Bình và Đắk Nông.
Theo Bộ GTVT, thời gian qua một số trạm thu phía Nam đã lắp đặt hệ thống thu phí không dừng theo công nghệ cũ với chi phí khá cao nên không khuyến khích người sử dụng.
Do các trạm này bố trí ít làn không dừng nên tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra.
Các trạm thu BOT sắp tới sẽ được áp dụng công nghệ RFID có độ chính xác cao, có thể đọc được mọi tốc độ xe.
Chủ xe cũng sẽ không mất phí khi bắt đầu dán thẻ E-Tag trên kính xe.
Giai đoạn đầu, các trạm thu phí vẫn áp dụng song song một nửa số làn thu phí không dừng và một nửa là một dừng để phục vụ đa dạng nhu cầu chủ phương tiện.
Công nghệ thu phí không dừng RFID sẽ giảm ùn tắc giao thông hiệu quả bởi xe không cần dừng đỗ để lấy thẻ, vé.
Với công nghệ này, mỗi chip nhớ sẽ chứa một mã số mang thông tin về xe và chủ xe đang lưu thông.
Khi xe đi qua trạm thu phí, đầu đọc được bố trí xung quanh trạm sẽ đọc mã số này và máy tính sẽ so sánh với mã số đã có sẵn trong cơ sở dữ liệu và tự động đối chiếu thông tin về xe và kiểm tra tài khoản chủ xe.
Mỗi khách hàng sẽ được cấp miễn phí một thẻ E-Tag và một tài khoản ETC để thu phí điện tử. Thẻ E-Tag được dán lên kính trước hoặc đèn xe.
Người sử dụng xe có thể nạp tiền vào tài khoản ETC từ các phòng giao dịch, Internet Banking.
* Trước đó, giữa tháng 2, TCty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Bộ GTVT đã thống nhất đề xuất của VEC điều chỉnh tốc độ tối đa lưu thông cho phép trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từ tối đa 100km/h tăng lên 120 km/h.
Đây là tuyến cao tốc thứ 3 tại Việt Nam được khai thác hành trình vận tốc này.
Trước đó chỉ có hai tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được chạy vận tốc tối đa 120km/h.