Thời điểm cuối năm thường đem lại cơ hội “vàng” cho các nhà sản xuất và nhập khẩu ô tô trong nước vì sức mua tăng vọt. Tuy nhiên, năm nay trước những áp lực từ tỷ giá, lãi suất cùng dự báo thuế xe nhập khẩu giảm, thị trường ô tô Việt Nam đang có những ngày ảm đạm. Tiêu thụ xe nhập khẩu giảm 30-40%, xe sản xuất trong nước cũng được VAMA dự báo giảm khoảng 17%.
Doanh số bán hàng tụt dốc
Theo công bố của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của gần 20 thành viên sau nhiều tháng xoanh quanh ngưỡng 9.000 xe/tháng, bước tháng 10/2010 đã có dấu hiệu hồi phục khi tăng nhẹ lên 10.421 xe, nhưng so với cùng kỳ năm 2009 vẫn giảm 4%. Ngoại trừ Mercedes-Benz Việt Nam vẫn giữ vững doanh số và Toyota Việt Nam giảm khoảng 11%, các hãng còn lại như Ford, Honda, Vidamco đều sụt mạnh. Đơn cử: Vidamco tháng 10/2010 bán 1.000 xe, giảm gần 38% so với cùng kỳ 2009. Honda bán 263 xe giảm 39% so cùng kỳ 2009. Hino giảm tới 66% và Samco cũng giảm tới 56% so với cùng kỳ năm 2009.
Mặc dù các hãng xe đang phải đối mặt với khó khăn “tồn hàng” nhưng ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng trưởng phòng Phòng bán hàng của Vidamco vẫn nhận định: doanh số bán hàng tháng 10 tăng nhẹ cho thấy dấu hiệu “ấm áp” thị trường ôtô trong nước đang trở lại. Bởi theo thông lệ, đây chính là tháng đầu tiên của chu kỳ sôi động kéo dài đến trước Tết Nguyên đán.
|
Trên thị trường xe nhập khẩu, tình hình cũng không khả quan hơn. Có mặt ở một số showroom trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) vào một ngày cuối tuần, chúng tôi chỉ ghi nhận lác đác người đến xem xe.
Thậm chí, nhiều showroom không một bóng người. Ông Nguyễn Trung Tuyến, Giám đốc công ty CT Brother nhận xét: “So với cùng thời điểm này năm ngoái, đơn đặt hàng giảm khá mạnh. Thay cho cảnh xe về không kịp, hiện tại, kho luôn sẵn hàng”.
Cùng lúc, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho hay: thị trường xe nhập khẩu đang có dấu hiệu chững. So với nửa đầu tháng trước, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc nửa đầu tháng 11 đã giảm 4% về lượng và 15,8% về giá trị. Với sự giảm tốc này, dự báo kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc trong toàn tháng 11 cũng sẽ giảm nhẹ so với tháng liền trước. Còn nếu tính cộng dồn từ đầu năm đến nửa đầu tháng 11/2010, tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt 41.570 xe, giảm 28,1% so với cùng kỳ năm 2009.
Công hưởng: Tỷ giá, lãi suất và thuế
Theo ông Nguyễn Đăng Thảo, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của Công ty BMW Euro Auto, nhà nhập khẩu và phân phối chính thức BMW tại Việt Nam, diễn biến của tỷ giá USD/VND và lãi suất thời gian qua đã gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi. Đơn cử: chỉ riêng việc ngân hàng không đủ lượng ngoại tệ khiến các nhà nhập khẩu phải mua USD “chợ đen” với mức xấp xỉ 21.000 VND/1USD đã tác động lập tức đến giá bán xe (tăng thêm từ 50 - 100 triệu đồng với một xe trị giá 100- 200 ngàn USD).
Bên cạnh, lãi suất vay tiêu dùng đã tăng mạnh lên 19-20%/năm. Nếu vay ngân hàng khoảng 50% giá trị xe, người tiêu dùng sẽ phải “đội” thêm vài chục triệu. Chính điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý mua xe. Đó là chưa kể kỳ vọng giảm thuế trong khu vực ASEAN từ 1/1/2011 sẽ tác động giá một số dòng xe giảm hơn so với hiện tại cũng khiến khách có nhu cầu mua xe phải “nghe ngóng” trước khi quyết định.
Tuy nhiên, bối cảnh này cũng có thể nói đang mở ra lợi thế cạnh tranh cho xe liên doanh. Trong khi xe nhập khẩu chịu biến động theo tỷ giá từ 5-10% thì các hãng xe trong nước khẳng định sẽ không có nhiều thay đổi về giá cả từ nay đến hết năm.
Bà Ngô Tuyết Ngân, Tổng giám đốc Công ty Toyota Hà Đông cho biết: nhà sản xuất trong nước vẫn cam kết bán hàng với mức giá bằng với tỷ giá niêm yết trên thị trường chính thức. Bà Ngân chia sẻ: “Đây cũng là cơ sở khuyến khích khách hàng lựa chọn dòng xe sản xuất trong nước thay vì mua xe nhập khẩu với mức giá cao hơn nhiều”.
Minh Trang