Tại phiên họp, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm quốc gia, sản phẩm công nghệ cao thâm nhập thị trường trong nước và bảo vệ, quảng bá thương hiệu ra nước ngoài được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình khoa học và Công nghệ quốc gia, và các đại biểu thảo luận sôi nổi.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, nói đến Hàn Quốc là thế giới biết đến Samsung hay nói đến Nhật Bản là công chúng toàn cầu nghĩ đến ô tô, hàng điện tử, gần đây là robot… "Các nước đều có chương trình để tôn vinh các sản phẩm quốc gia. Hiện chúng ta đã làm được ô tô, vậy nếu xe Việt Nam đạt tiêu chuẩn sản phẩm quốc gia, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương có mua để phục vụ các lãnh đạo không?", VGP News dẫn lời Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các đại biểu cho rằng, Nhà nước phải có chính sách để doanh nghiệp thâm nhập thị trường trong nước và hỗ trợ quảng bá, bảo vệ thương hiệu cho họ vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Nhiều ý kiến đề nghị Bộ KH&CN cần định nghĩa lại, làm rõ tiêu chí sản phẩm quốc gia, trong đó phải cụ thể được tiêu chí hàm lượng tri thức của người Việt trong sản phẩm, thể hiện tiêu chí danh giá về trí tuệ Việt. Có như vậy “sản phẩm quốc gia” mới trở thành tài sản quốc gia, niềm tự hào dân tộc và Nhà nước, doanh nghiệp cũng như mỗi người dân Việt Nam đều phải chung tay tôn vinh, bảo vệ.
Dù mới triển khai được vài năm nhưng 3 chương trình: Phát triển sản phẩm quốc gia, phát triển công nghệ cao và đổi mới công nghệ quốc gia đã đạt kết quả tích cực cả về cơ chế, chính sách và sản phẩm. Cụ thể, đã thu hút được hơn 150 đơn vị tham gia thực hiện các nhiệm vụ, các doanh nghiệp đã cam kết đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng (tính đến hết tháng 12/2018). Đáng phấn khởi là, sau khi nhiệm vụ kết thúc, các doanh nghiệp này có mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 18,8%, cá biệt có một số doanh nghiệp quy mô nhỏ tăng trưởng tới 50%; thị phần của các sản phẩm trên thị trường trong nước cũng tăng đáng kể, năm 2018 là 20%, dự kiến sẽ đạt 34,7% trong 5 năm tới……