Oai hùng trận chiến động Phong Nha

Khoảng 3 giờ chiều một ngày tháng 7 năm 1967, một máy bay địch từ hướng Đông rà sát theo dòng sông son lao về hướng động Phong Nha, cứ tưởng như chiếc máy bay lao lọt vào động Phong Nha nhưng trước khi ngẩng đầu vọt lên đỉnh núi chiếc f4 kịp phóng 1 quả tên lửa lọt vào cửa động Phong Nha. Sau tiếng nổ om, khói bay từ trong động Phong Nha ra kéo dài theo một quãng sông mù mịt.

Đoàn nhà báo cựu chiến binh Việt Nam trở lại chiến trường xưa dự lễ tri ân Ngày giải phóng Khe Sanh - Quảng Trị.

Trong đội hình Tiểu đoàn 27 công binh thuộc công binh cầu Phà Quân khu 4 (2 lần được phong tặng danh hiệu lực lượng vũ trang) nay thuộc đoàn công binh Hải Vân, đoàn dừng lại Động Phong Nha (Phà Xuân Sơn trên đường 15) thuộc địa phận Cự Nẫm - Quảng Bình.

Hơn 40 năm chiến tranh qua nhưng trận chiến động Phong Nha còn in rõ chiến tích của một thời bom đạn. Bao nhiêu hình bóng các liệt sỹ công binh ngày nào hòa vào màu xanh cây cỏ, hòa vào đáy sông cuộn sóng.

Chúng tôi bồi hồi khi vào động thắp cho đồng đội đã hy sinh tại đây 1 nén hương, lấy khăn lau mặt của mình lau lên những phiến đá rêu phong, tìm lại những chữ ký của mình ngày ấy đã mài đá ký tên là chiến sỹ cảm tử quân.

Năm tháng đi qua những chữ ký đã mờ dần theo ký ức nhưng những khuôn mặt của 1 trung đội công binh thì vẫn hiện diện trước hàng quân cảm tử. Chúng tôi không bao giờ quên được cái buổi chiều định mệnh ấy. Đó là ngày hè cuối năm 1967 khi toàn bộ tuyến đường Trường Sơn đã thông xe cơ giới hạng nặng, các đơn vị xe tăng đã lần lượt vượt qua cửa tử quân khu 4 vào đường 20 quyết thắng - cây nhiệt đới của địch thả dày đặc trên đường 15 và đường 20.

Tín hiệu di chuyển quân, tiếng nổ xe cơ giới hạng nặng báo về Sở chỉ huy tình báo của địch là cộng sản miền Bắc đang có cuộc di chuyển quân lớn vào phía nam bằng nhiều hướng: đường 20 sang Lào - từ Lào đổ xuống khe Sanh; một hướng nữa là đi theo thượng nguồn sông Bến Hải do công binh dẫn đường vào khe Sanh.

Đã hai đêm trên bến phà Xuân Sơn bị tắc đường. Địch đang mở chiến dịch phong tỏa đường 15, đường 20, tọa độ bom là phà Xuân Sơn - Long Đại, đủ các loại bom thử nghiệm của Mỹ đã được thả xuống với tần suất 1 ngày 15 - 20 lần bao gồm bom nổ chậm, bom hẹn giờ, bom sát thương, bom từ trường, bom đào, bom khoan, mìn lá, mìn sát thương; hàng trăm tấn bom 1 ngày với hàng ngàn cây nhiệt đới.

Phà Xuân Sơn như một chảo lửa, những người lính công binh lầm lụi, rang đi rang lại như những viên đá nóng bỏng, chúng tôi vẫn bám trụ ngày thì đưa phà dấu vào động Phong Nha, rà phá bom mìn; đêm đưa phà ra phục vụ cho xe tăng cơ giới đi qua.

Động Phong Nha đã hiện rõ trên bản đồ truy sát của địch là nơi cất dấu phà và khí tài nhưng do địa hình núi cao, máy bay không xuống thấp được nên số lần oanh tạc vào động Phong Nha không thành công; địch càng điên cuồng đánh phá, thả bom tọa độ.

Khoảng 3 giờ chiều một ngày tháng 7 năm 1967, một máy bay địch từ hướng Đông rà sát theo dòng sông son lao về hướng động Phong Nha, cứ tưởng như chiếc máy bay lao lọt vào động Phong Nha nhưng trước khi ngẩng đầu vọt lên đỉnh núi chiếc f4 kịp phóng 1 quả tên lửa lọt vào cửa động Phong Nha. Sau tiếng nổ om, khói bay từ trong động Phong Nha ra kéo dài theo một quãng sông mù mịt.

Con phà đã có 15 phao nổ cùng 1 tiểu đội công binh bị đánh chìm, tiếng kêu cấp cứu, tiếng rên la của người bị thương lẫn trong mùi khói bom làm cho cả động ngạt thở. Sau cơn choáng váng, tôi tỉnh lại, 1 trong 8 người bị thương, còn 5 đồng chí hy sinh – toàn trung đội mất sức chiến đấu.

Tôi và đồng chí Khang B trưởng dùng tấm ván cầu làm thuyền bơi ra sông về phía hạ lưu liên lạc gặp đồng chí Kế - trưởng bến phà Xuân Sơn (thuộc đoàn 339 chi viện). Đồng chí Kế cho 6 đồng chí chèo thuyền đưa thương binh đi viện, sau 3 ngày tìm không thấy 5 liệt sỹ, chúng tôi phải dùng bộc phá lượng nhỏ 0,5 kg nổ ngầm kích cho xác liệt sỹ nổi lên.

Khi các liệt sỹ nổi lên da thịt đã nứt nẻ, chúng tôi phải dùng ván cầu luồn dưới bụng và cứ thế đẩy thi thể các đồng đội ra khỏi động Phong Nha sang bờ bên Bắc mai táng.

Trở lại với bến phà Xuân Sơn, nơi tuổi xuân đi qua cùng bom đạn – những cựu chiến binh nhà báo Việt Nam trở về Hà Nội qua xã Nguyên Khê, Huyện Đông Anh thăm mô hình động Phong Nha của anh Kế - trưởng bến phà xưa.

Là nhân chứng lịch sử của tuyến đường 559 đầy máu lửa, anh luôn nhớ thương đồng đội và không quên được chiến trường nên xây trong sân nhà mình một mô hình động Phong Nha thu nhỏ giống như thật để nhớ lại một thời oanh liệt của mình và đồng đội cùng những liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến động Phong Nha ngày ấy.

Châu Nho

Đọc thêm