Mới đây, Thống đốc bang Florida của Mỹ Ron DeSantis đã quyết định ân xá cho bốn người da đen là nạn nhân của một trong những vụ án oan nổi tiếng nhất xưa nay ở nước Mỹ. Điều đáng chú ý và cũng là bi kịch nhất ở đây là bốn người này đều đã qua đời từ lâu và vụ án xảy ra cách đây đúng 70 năm, năm 1949.
Quyết định của vị thống đốc bang kia xác nhận sự thật về vụ việc, chính thức khôi phục danh dự cho những bị cáo xưa nhưng vì quá muộn nên thật ra chẳng còn giúp được ích gì cho cuộc đời họ, nhất là khi kẻ đã gây ra thảm hoạ cho cuộc đời của họ không hề bị trừng trị gì.
Chuyện xảy ra năm 1949. Một cô gái da trắng 17 tuổi, bây giờ trở thành bà lão già 87 tuổi, cáo buộc bốn chàng thanh niên da đen cưỡng hiếp mình trong một ngôi nhà bỏ hoang. Cảnh sát truy lùng bốn người này. Một trong số ấy bỏ trốn còn ba người bị bắt ngay.
Hơn 1.000 người đã tham gia cuộc truy lùng anh chàng kia và khi phát hiện ra anh ta đang ngủ bên gốc cây, họ đã bắn cả thảy 400 viên đạn vào anh ta cho dù anh ta không hề phản kháng gì và cũng chẳng có thứ vũ khí gì bên mình.
Cho dù kết quả xét nghiệm ở cô gái cho thấy cô gái không hề bị cưỡng hiếp, một bồi thẩm đoàn gồm toàn người da trắng đã nhanh chóng khép tội ba chàng trai còn lại. Một người bị tù chung thân, hai người bị tử hình.
Về sau, nhờ một luật sư, mà sau này trở thành thẩm phán ở tòa án tối cao của nước Mỹ, bản án tử hình của hai người được xem xét lại. Nhưng khi phiên tòa phúc thẩm chưa tiến hành thì viên cảnh sát trưởng ở đó viện dẫn lý do hai người này có ý định chạy trốn đã nổ súng bắn chết một người và làm bị thương nặng người kia.
Anh chàng sống sót sau đó được xử phúc thẩm từ tử hình sang tù chung thân. Viên cảnh sát trưởng kia không bị hề hấn gì. Hai người còn lại này được trả tự do trước thời hạn vào năm 1960 và 1968. Cho tới khi được ân xá vừa rồi, họ mới rũ bỏ được bản án về tội cưỡng hiếp phụ nữ.
Tuy mọi chứng cứ đều cho thấy cô gái trẻ kia đã nói dối và tất cả bốn chàng trai đều vô tội, cảnh sát và tòa án cũng như dư luận ở Mỹ đều coi bốn người này phạm tội và khép họ vào tội chết hoặc tù chung thân. Họ đều là nạn nhân của tình trạng phân biệt chủng tộc và màu da ở Mỹ, nhưng trước hết họ là nạn nhân của hệ thống cảnh sát và tư pháp và tư pháp Mỹ.
Hệ thống này nhân danh pháp luật để thực thi pháp luật nhưng trong bản chất lại không dựa vào và tuân thủ pháp luật mà bị chi phối bởi phân biệt chủng tộc và màu da, coi rẻ sinh mạng của người da đen.
Phải mất đến 70 năm ở đất nước ấy mới có được một người có đủ nhận thức lành mạnh và bản lĩnh chính trị để thực thi công lý cho những nạn nhân xưa. Những kỳ án như thế này ở nước Mỹ vốn không hiếm trong khi những hành động như của vị thống đốc bang kia trong chuyện bốn chàng trai da đen này lại rất hiếm.