Anh Hoàng Tuấn Anh và vợ quảng bá Việt Nam Town tại một sự kiện du lịch Malaysia. |
Đưa thương hiệu du lịch Việt “xuất ngoại”
Hơn một năm từ khi đợt bùng phát COVID-19 năm 2021 kết thúc, người người, nhà nhà đã quay về nhịp sống bình thường. Hoàng Tuấn Anh, “cha đẻ” của ATM gạo, ATM oxy cũng thế. Trong đại dịch, anh là một trong những người năng nổ chạy ngược, chạy xuôi, hết chế tạo máy móc cho đến vận động mạnh thường quân chung tay góp gạo, kết nối với Thành đoàn làm ATM oxy, rồi chuyển giao quy trình đến các tỉnh, thành, đến cả nước bạn.
Giờ đây, anh trở lại chuyên tâm với công việc kinh doanh. Nhu cầu tiêu thụ trên thị trường đã trở lại, doanh số của PHG Lock, thương hiệu khóa điện tử do Hoàng Tuấn Anh gầy dựng đã tăng trưởng mạnh mẽ, cùng với những bước đi vươn ra thị trường các nước lân cận như Malaysia, Campuchia... Cạnh đó, Hoàng Tuấn Anh còn nhiều dự án đầu tư lớn nhỏ trải dài khắp cả nước.
Tưởng chừng như bị công việc “nuốt chửng” sau những tháng ngày gián đoạn vì đại dịch, nhưng ít ai ngờ cùng với việc phát triển kinh doanh và chăm lo cho gia đình nhỏ, Hoàng Tuấn Anh vẫn luôn ấp ủ những dự án vì cộng đồng. Có khác là, lần này hoạt động của anh không chỉ gói gọn trong nước mà vươn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, hướng đến xây dựng thương hiệu du lịch Việt tại nước ngoài, đồng thời hỗ trợ cộng đồng người Việt đang sống và làm việc tại nước bạn.
Dự án Hoàng Tuấn Anh đang ấp ủ mang tên “Việt Nam Town”, tọa lạc tại thành phố Johor Bahru của Malaysisa. Dự án đang được triển khai trên khu đất có diện tích hơn 6.000m2, thuộc mặt tiền con đường trung tâm du lịch của thành phố Johor Bahru. Với kinh phí dự trù ban đầu hơn 20 triệu USD, dự án sẽ là 3 tòa nhà lớn với các hoạt động như cho thuê văn phòng, khu vực khách sạn và khu ẩm thực. Hiện tại, công trình đang được xây dựng với nền móng đầu tiên là trụ sở chính của dự án với diện tích khoảng 2.000m2.
Hoàng Tuấn Anh chia sẻ, trụ sở chính của dự án sẽ không chỉ xoay quanh những hoạt động thuộc về Việt Nam Town. Mục tiêu của anh khi xây dựng trụ sở này là muốn tạo một điểm kết nối cho doanh nghiệp Việt hoạt động tại thị trường Malaysia. Nói một cách khác, đây sẽ là nơi lưu trú và đặt văn phòng của các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển thị trường ở Malaysia.
Chia sẻ lý do triển khai dự án trên, Hoàng Tuấn Anh bày tỏ: “Từng định cư ở Úc, từng đi nhiều nước để phát triển kinh doanh, tôi thấy rằng nhiều quốc gia đã rất thành công trong việc quảng bá du lịch nước nhà ra thế giới. China Town có mặt ở nhiều quốc gia. Thế giới còn có Hongkong Town, Korea Town, Japan Town... Thế mà văn hóa Việt, ẩm thực Việt, du lịch Việt đặc sắc như vậy, lại chẳng có một Việt Nam Town nào ở nước ngoài.
Tôi muốn có Việt Nam Town đầu tiên tại một khu vực “cửa ngõ” du lịch nổi tiếng ở nước bạn. Để rồi từ cảm hứng ấy, nhiều doanh nhân khác sẽ đem cái tên Việt Nam tự hào quảng bá khắp nơi bằng những dự án tiếp nối. Và tất nhiên, một khi đã gắn vào hai chữ Việt Nam, đó không còn là dự án thương mại đơn thuần mà còn liên quan đến cả “thương hiệu quốc gia”. Chính vì thế, tôi biết mình sẽ phải thật nghiêm túc và thật hết mình”.
Có nhiều lý do để Hoàng Tuấn Anh lựa chọn đặt Việt Nam Town tại thành phố Johor Bahru. Malaysia là quê vợ anh, nơi đã trở thành “quê hương thứ hai” của Hoàng Tuấn Anh. Quá trình phát triển kinh doanh tại Malaysia, anh nhận ra tiềm năng lớn của thị trường này. Thành phố Johor Bahru được gọi là một “điểm đến mới nổi” của khu vực, với lợi thế là vùng du lịch biển, nằm ở cửa ngõ thông thương - du lịch kết nối 3 nước Malaysia - Singapore - Indonesia. Đặc biệt, địa điểm đặt Việt Nam Town chỉ cách cửa khẩu qua Woodland (Singapore) 1km.
Hiện nay, Johor Bahru đã là điểm đến của nhiều khách du lịch nội địa Malaysia, Indonesia lẫn Singapore. Thành phố này được coi là nơi nghỉ dưỡng cuối tuần tuyệt vời của người dân Singapore có mức thu nhập cao và thích chi tiêu, bởi việc thuận tiện đi lại, cảnh đẹp và mức chi dùng chỉ bằng 1/3 ở Singapore. Nơi đây sẽ là trạm dừng chân cho du khách đi tour Singapore - Malaysia, bên cạnh các hoạt động giới thiệu món ăn, sản phẩm Việt Nam, văn hóa Việt Nam đến du khách.
Dự án Việt Nam Town sẽ được xây dựng tại con đường du lịch hướng ra biển ở thành phố Jorhor Baru. |
Dự án mục tiêu “kép”
Với Việt Nam Town, Hoàng Tuấn Anh không chỉ hướng đến việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thị trường du lịch quốc tế, tạo một “sàn” kết nối các doanh nghiệp Việt đầu tư tại Malaysia, mà anh còn muốn góp phần hỗ trợ người lao động Việt đang sinh sống tại Malaysia.
Theo ước tính sơ bộ, hiện thành phố Jorhor Baru có hơn 60 ngàn người Việt đang sinh sống. Đa phần lao động người Việt tại Jorhor Baru đang kiếm sống bằng nhiều nghề, trong đó nhiều nhất là các ngành xây dựng và dịch vụ, lao động tay chân. Ngoài ra còn có người kinh doanh nhỏ lẻ trong nhiều lĩnh vực.
Trong quá trình làm việc, đi về giữa Việt Nam và Jorhor Baru, Hoàng Tuấn Anh có nhiều cơ hội tiếp xúc, chuyện trò, đồng thời hỗ trợ cho không ít người Việt đang làm việc tại đây, từ chủ quán ăn Việt Nam, phục vụ bàn quán cà phê, cho đến người thợ hồ lam lũ. Anh nhận thấy, người Việt mưu sinh tại nước bạn đời sống còn nhiều khó khăn, bấp bênh, nhiều quyền lợi không được đảm bảo, rủi ro cao, đặc biệt với những lao động nhập cư bất hợp pháp. Chính vì thế, anh luôn trăn trở làm thế nào để giúp đồng bào Việt Nam sinh sống, làm việc tại đây có được đời sống tốt hơn.
“Việc xây dựng và phát triển Việt Nam Town với tôi là một “mục tiêu kép”. Thông qua việc chọn lọc những nét đặc sắc của ẩm thực, du lịch Việt để đưa vào Việt Nam Town góp phần quảng bá tên tuổi ẩm thực - du lịch Việt đối với du khách các nước bạn, tạo thêm cầu nối cho doanh nghiệp Việt phát triển thị trường tại Malaysia. Để rồi từ đó góp phần tạo một cộng đồng người Việt lớn mạnh, hỗ trợ nhau trong kinh doanh, trong công việc, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt, hỗ trợ họ trong nhiều yếu tố, trong đó có đời sống tinh thần, trợ giúp pháp lý, giúp họ không bơ vơ nơi đất khách quê người”.
Không chỉ thực hiện những ước vọng lớn lao thông qua Việt Nam Town, Hoàng Tuấn Anh cũng đang nỗ lực đi từ những việc nhỏ để giúp đồng bào người Việt đang sinh sống tại Jorhor Baru nói riêng và Malaysia nói chung. Theo quan sát của anh trong nhiều năm qua, lao động Việt ở Malaysia tuy làm lụng vất vả, mức lương không thấp, nhưng mưu sinh xứ người lạc lõng, xa gia đình, thiếu thốn đời sống tinh thần, họ dễ sa vào những tệ nạn, những thú vui không lành mạnh, vung tiền quá trớn. Nhiều người, khi về nước sau bao năm làm việc vẫn trắng tay. Chính vì thế, Hoàng Tuấn Anh đang có kế hoạch tạo ra một phần mềm, ứng dụng có khả năng giúp cộng đồng người lao động Việt nơi đây tiết kiệm được tài chính, dành dụm tiền cho tương lai.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm đến dự án Việt Nam Town. Những ngày tháng qua, Hoàng Tuấn Anh liên tục những chuyến bay đi - về giữa Việt Nam và Jorhor Baru, đưa các nhà đầu tư tham quan dự án, các công ty chuyên về du lịch để có thể kết nối trong tương lai...
“Cũng giống như câu chuyện ATM gạo và ATM oxy trong dịch, tôi và các cộng sự đặt nền tảng cơ bản và triển khai bước đầu, nhưng mô hình không thể thành công nếu thiếu sự chung tay của cả cộng đồng. Việt Nam Town ở Jorhor Baru cũng vậy, không thể lớn mạnh nếu thiếu sự góp sức của các doanh nhân Việt, sự quan tâm của người lao động Việt ở đây và nhất là sự quan tâm của cơ quan thương mại Việt Nam tại Malaysia... Tôi mong nhận được sự chung lòng, chung sức, để Việt Nam Town thực sự là điểm đến quen thuộc của du khách quốc tế, quảng bá tên tuổi Việt Nam, và rồi sẽ có nhiều Việt Nam Town ra đời trên khắp thế giới”.
Bà Trần Lê Dung, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết, Malaysia đứng thứ 10 đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có 27 doanh nghiệp đã đầu tư vào thị trường này trong các lĩnh vực dầu khí, phần mềm… Malaysia đang có nhiều chính sách thu hút đầu tư, thương mại hấp dẫn nên doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để mở rộng thị trường tại đây. Thương vụ Việt Nam tại Malaysia luôn sẵn sàng ủng hộ về pháp lý, làm cầu nối cho các doanh nghiệp Việt đang có mong muốn đầu tư ở nước bạn, nhất là với những dự án có ý nghĩa cộng đồng như Việt Nam Town.