Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Dũng khai không hề có ý thức chiếm đoạt tài sản của người khác, mục đích huy động vốn để đầu tư vào các dự án của Tập đoàn. “Hiện nay tôi đã khắc phục toàn bộ 100% hậu quả. Đây cũng là niềm an ủi bởi mình sai phạm thì phải sửa”, ông Dũng nói.
Sau đó, ông Dũng bảo trong suốt thời gian ở trong trại với hơn 900 ngày, bị cáo luôn mong muốn được giảm án để tiếp tục cống hiến cho xã hội, cùng Tân Hoàng Minh nối tiếp hoạt động kinh doanh, trả nợ ngân hàng, trả lãi cho nhà đầu tư.
Theo HĐXX, trước khi phiên xử phúc thẩm diễn ra, có nhiều bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Dũng. Bên cạnh đó, bị cáo có bố vợ là người có công với cách mạng, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng có nhiều đóng góp từ thiện cho xã hội. Đây là những tình tiết mới để HĐXX phúc thẩm xem xét.
Nêu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đỗ Anh Dũng đã xuất trình thêm một số tình tiết mới để HĐXX xem xét: bị cáo đang phải điều trị bệnh ung thư dạ dày; bị cáo đã tác động gia đình tích cực khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. VKS thấy đây là tình tiết để làm căn cứ xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Dũng… Do đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX giảm cho bị cáo từ 6 - 9 tháng tù so với án sơ thẩm.
|
Bị cáo Đỗ Anh Dũng tại tòa. |
Bào chữa cho bị cáo Dũng, luật sư Nguyễn Văn Tú đưa ra 4 căn cứ để HĐXX xem xét, giảm án cho ông Dũng. Theo luật sư Tú, tại phiên tòa phúc thẩm, có thêm 262 lá đơn của các pháp nhân, cá nhân xin giảm hình phạt cho bị cáo. “Đây là sự kiện khác biệt mà không một vụ án lừa đảo nào có được. Kính đề nghị HĐXX xem đây là một tình tiết giảm nhẹ riêng, cá biệt và đặc biệt mà chỉ vụ án này mới có”, luật sư Tú nói.
Tiếp lời, luật sư cho biết, đến nay, toàn bộ thiệt hại vụ án đã được khắc phục. Các bị hại đã nhận được tiền. Do đó, luật sư mong tòa ghi nhận đây là tình tiết giảm nhẹ mới.
Ngoài ra, theo luật sư Tú, khi nhận thức được hành vi của mình là sai, ông đã tích hợp tác điều tra, khắc phục hậu quả, chủ động chấp hành mọi quyết định của cơ quan pháp luật. Quá trình tạm giam hơn 2 năm, bị cáo cũng luôn chấp hành, không một lần vi phạm.
Về nhân thân, ông Dũng có hơn 30 năm xây dựng Tập đoàn Tân Hoàng Minh, qua đó đóng góp đáng kể cho ngân sách, giải quyết việc làm, tạo các sản phẩm bất động sản giá trị, kiểu mẫu cho thị trường và đời sống thị dân cao cấp… Bị cáo còn được tặng bằng khen của Thủ tướng và nhiều cơ quan, ban ngành; có nhiều hoạt động xã hội như: chăm sóc suốt đời cho 4 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; ủng hộ nhiều chục tỷ đồng cho các tỉnh phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ đồng bào chịu ảnh hưởng của đợt bão và lũ lụt vừa qua…
Về dân sự, luật sư Tú đề nghị HĐXX tuyên bố các giao dịch huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và giao dịch bảo đảm cho trái phiếu đều là vô hiệu, các bên liên quan cần phải trả cho nhau những gì đã nhận. Phía Tân Hoàng Minh đã khắc phục toàn bộ thiệt hại, không còn nghĩa vụ hoàn trả. Các bên nhận tài sản bảo đảm phải hoàn trả cho Tân Hoàng Minh các tài sản bảo đảm đó. Đồng thời, các bên sẽ không được hưởng các thu nhập bất chính từ các hoạt động phát hành trái phiếu, lãi trái phiếu, chuyển nhượng trái phiếu, cầm cố - thế chấp tài sản bảo đảm trái phiếu…
Nói lời sau cùng, ông Đỗ Anh Dũng mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, cho bị cáo cơ hội sớm trở về với gia đình, tiếp tục cống hiến, làm việc cho Tập đoàn, mang lại những giá trị cho xã hội,… Ngoài ra, bị cáo cũng đã có tuổi, bị bệnh nền, với 1000 ngày ở trong trại tạm giam đối với tôi là đã rất “khủng khiếp”.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Đỗ Anh Dũng. Theo đó, Tòa tuyên ông Dũng 7 năm tù, giảm 1 năm so với án sơ thẩm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2021, Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn về tài chính. Để tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn, ông Dũng chỉ đạo con trai Đỗ Hoàng Việt huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Các bị cáo không sử dụng pháp nhân Tân Hoàng Minh do số liệu tài chính phức tạp, khó kiểm toán mà lựa chọn các công ty trực thuộc Tập đoàn để phát hành. Theo đó, ông Dũng chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân 3 công ty là Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông để ngụy tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua các hợp đồng khống như mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư.
Ngoài ra, họ còn liên hệ với một số công ty kiểm toán để làm đẹp báo cáo tài chính sao cho đủ điều kiện phát hành trái phiếu…
Bằng cách thức trên, Cty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông đã phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ, tổng trị giá 10.030 tỷ đồng. Qua đây, Đỗ Anh Dũng và đồng phạm huy động được gần 14.000 tỷ đồng. Số tiền huy động được, ông Dũng và đồng phạm chi tiêu vào việc khác nhau, không đúng mục đích phát hành trái phiếu. Cơ quan tố tụng cáo buộc 15 bị cáo trong vụ chiếm đoạt 8.643 tỷ đồng của 6.630 khách hàng. Đến nay, gia đình ông Dũng đã khắc phục toàn bộ số tiền trên.