Theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, vụ án chạy thận nhân tạo xảy ra năm 2017 tại Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, không ai mong muốn và chưa từng xảy ra trong lịch sử lọc thận Việt Nam. Vụ án đã được tòa án xét xử, dự kiến hôm nay (5/6) sẽ tuyên án.
Về phía Bộ Y tế, ông Quang cho biết khi xảy ra sự cố trên cách đây một năm, Bộ đã có mặt kịp thời để cùng các đơn vị liên quan giải quyết sự cố. Bộ cũng đã có chỉ đạo quyết liệt như: Đề nghị công an vào cuộc điều tra vụ việc, gửi hai văn bản trả lời Công an Hòa Bình; Bộ cũng cộng tác với cơ quan công an trong quá trình điều tra vụ án,... Ngay khi công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Bộ cũng chỉ đạo các vụ, cục thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế, Bệnh viện đa khoa Hòa Bình phối hợp cơ quan điều tra.
“Quan điểm của Bộ là tôn trọng các cơ quan truy tố và xét xử, trong đó, các cơ quan tố tụng đều thực hiện độc lập và tuân theo pháp luật. Bộ không can thiệp vào quá trình điều tra, xét xử nhưng Bộ cũng lưu ý các cơ quan chức năng phải xem xét, đánh giá trách nhiệm hình sự trên cơ sở đúng người, đúng tội, không để oan sai. Nếu có thể được, chúng tôi đề nghị tòa tuyên vô tội cho bác sĩ Hoàng Công Lương,...”, ông Quang thông tin.
Cũng tại buổi họp báo này, theo ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Việt Nam có các tiêu chuẩn liên quan đến hệ thống nước sạch cho quá trình lọc máu. Từ năm 2000, Bộ đã ban hành quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo, liên tục cập nhật hàng năm và thường xuyên đúc rút từ quốc tế. Năm 2004 và năm 2014, Bộ Y tế cũng đã tiếp tục cập nhật nội dung này, năm 2018, Bộ bổ sung 52 quy trình chạy thận, trong đó có quy trình liên quan đến chất lượng hệ thống nước RO của máy chạy thận.
“Ý kiến cho rằng Bộ Y tế chậm trễ trong quy trình, chúng tôi hoàn toàn phản bác vì khoa học, y học có sự phát triển và tiến bộ liên quan nhiều ngành khoa học khác. Việc ban hành các quy trình phải có thời gian và lộ trình mới cập nhật...”, ông Khoa cho biết.
Báo chí đã đặt câu hỏi: Sáu năm hoạt động không phép của Đơn nguyên thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, Bộ Y tế có biết và có trách nhiệm gì? Ông Khoa cho hay, việc cấp phép cũng như kiểm tra, giám sát thuộc thẩm quyền của Sở Y tế Hòa Bình. Đó cũng là trách nhiệm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vì khi Bệnh viện thực hiện kỹ thuật mới phải báo cáo với Sở. Trong vấn đề này, trách nhiệm của Bệnh viện là chính, Bệnh viện phải tuân thủ pháp lý, thực hiện kỹ thuật phải có sự phê duyệt danh mục kỹ thuật và dựa trên các điều kiện cần thiết./.