Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Ông Nguyễn Quốc Hội: “Cần phải có quan điểm “rộng” về tranh tụng”

(PLVN) - Theo ông Nguyễn Quốc Hội, nguyên Chánh Tòa Hành chính, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, để xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh thì “Xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá”

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” (Nghị quyết 27) được đánh giá là một bước cụ thể hóa rất quan trọng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; không chỉ hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch… mà còn phải hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Xung quanh vấn đề này, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hội – nguyên Chánh Tòa Hành chính, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội.

Ông Nguyễn Quốc Hội (giữa) cùng các chuyên gia trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật Việt Nam về đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền theo tinh thần Nghị quyết 27

Ông Nguyễn Quốc Hội (giữa) cùng các chuyên gia trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật Việt Nam về đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền theo tinh thần Nghị quyết 27

- PV: Thưa ông, Nghị quyết 27 có đề cập đến việc xây dựng chế định tố tụng tư pháp, lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá, vậy trên thực tế vấn đề này diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Hội: Việc lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá, chúng ta cần phải hiểu rộng ra, đó là quá trình tranh tụng không chỉ gói gọn trong giai đoạn xét xử, mà thực chất đã bắt đầu từ giai đoạn thụ lý đơn khởi kiện, khởi tố, bắt bị can.

Quá trình tranh tụng sẽ kéo dài từ lúc khởi tố vụ án, khởi tố bị can cho đến khi kết thúc xét xử phúc thẩm. Đặc biệt, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm sẽ là thời điểm thể hiện rõ nét nhất quyền tranh tụng.

Quyền tranh tụng đã được luật định, thể hiện sự cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước, để đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, cũng như không để xảy ra oan sai. Quyền tranh tụng thể hiện quyền con người, đồng thời đảm bảo quyền con người và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước.

- PV: Thưa ông, Nghị quyết 27 đã đặt ra yêu cầu đổi mới cơ chế Nhân dân tham gia xét xử tại tòa án. Đây là một nguyên tắc mới, bởi ở Việt Nam, nguyên tắc xét xử sơ thẩm của Tòa án Nhân dân có Hội thẩm tham gia được Hiến định như một phương thức để Nhân dân trực tiếp tham giá và giám sát hoạt động xét xử của tòa án. Vậy, thực tiễn thi hành nguyên tắc này thời gian qua như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Hội: Đây là điều “bất di bất dịch”, đã được quy định trong Hiến pháp và trong Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, đó là phải có sự tham gia của Nhân dân trong xét xử, đặc biệt là trong xét sử sơ thẩm.

Ông Nguyễn Quốc Hội cho biết, trước khi Tòa án thụ lý, các vụ việc đều được đưa đến trung tâm hòa giải đối thoại. Nếu hòa giải đối thoại thành công, đơn sự rút đơn sẽ là một thành công.

Ông Nguyễn Quốc Hội cho biết, trước khi Tòa án thụ lý, các vụ việc đều được đưa đến trung tâm hòa giải đối thoại. Nếu hòa giải đối thoại thành công, đơn sự rút đơn sẽ là một thành công.

Hiện nay, chúng ta đã có chế định Hội thẩm nhân dân, là đại diện cho Nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án. Trong đó, Hội thẩm nhân dân và Thẩm phán có quyền ngang nhau, thực hiện biểu quyết và quyết định theo đa số.

Trong thực tiễn, có những vụ án Hội đồng xét xử có 05 người thì 03 trong số đó là Hội thẩm nhân dân, tức là chiếm đa số. Có trường hợp, khi xét xử sơ thẩm có tất cả 03 người, thì 01 người là Thẩm phán và còn lại là 02 Hội thẩm nhân dân. Đặc biệt, có những vụ án liên quan đến vấn đề xét xử người chưa thành niên, Hội thẩm nhân dân bắt buộc phải có giáo viên hoặc cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Khuyến khích hòa giải, đối thoại

- PV: Thưa ông, hòa giải, đối thoại đang đóng vai trò thế nào trong việc giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đang không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp trong những năm gần đây? Đối với các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại thì được khuyến khích hòa giải và đối thoại. Vấn đề này trên thực tế đang diễn ra như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hội: Trước hết, phải khẳng định rằng, hòa giải, đối thoại đã trở thành một chế định, được xây dựng thành Luật Đối thoại hòa giải tại Tòa án và triển khai trong những năm qua.

Về góc độ thực tiễn, điều mà Tòa án đang khuyến khích đó là ở các Tòa án địa phương đều có các trung tâm hòa giải đối thoại. Trước khi thụ lý, các vụ việc đều được đưa đến trung tâm hòa giải đối thoại. Nếu hòa giải đối thoại thành công, đơn sự rút đơn sẽ là một thành công.

Đặc biệt, TAND tối cao cũng đã có những chỉ thị tăng cường đối thoại hòa giải trong hoạt động tố tụng của Tòa án. Đây là vấn đề rất cần thiết, vì các tranh chấp về dân sự như hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại hoặc các khiếu kiện hành chính chiếm tỷ lệ rất cao. Nếu chúng ta làm công tác hòa giải và đối thoại trước khi thụ lý hoặc trước khi giải quyết vụ án thì sẽ giảm tải cho Tòa án, đặc biệt là các Tòa án ở các thành phố lớn luôn phải xử lý rất nhiều các khiếu kiện về hành chính.

Ngay cả trong trường hợp vụ việc đã thụ lý, mà hòa giải, đối thoại thành công thì thành tích của thẩm phán trong vụ việc này sẽ càng được ghi nhận, bởi họ đã giúp cho các đương sự tránh được việc kiện tụng kéo dài, tốn kém thời gian, tiền bạc của Nhà nước và Nhân dân, gây những hệ lụy không nên có.

- Xin cảm ơn ông.

Đọc thêm