Gương sáng Pháp luật

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính): Tâm huyết gửi vào các dự thảo quy định thuế, phí

(PLVN) - “Khó khăn nhất trong công tác xây dựng văn bản pháp luật thuế là phải tính toán làm sao khi văn bản ra đời sẽ “đụng chạm” đối tượng nào, tình hình xã hội sẽ ra sao, có xung đột, có vênh với luật pháp lĩnh vực khác? Thứ nữa là khi luật này ra Nhà nước thu được bao nhiêu tiền, ứng với nó là quản lý ra sao, có “va quệt” quyền lợi ngành nào, liệu có những lỗ hổng bị lợi dụng?”, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), nói.
Ông Nguyễn Văn Phụng.
Ông Nguyễn Văn Phụng.

Cơ duyên học “chi” mà hành “thu”

Trong bản lý lịch trích ngang do Bộ Tài chính cung cấp, ông Phụng từng tham gia chủ trì xây dựng nhiều văn bản pháp luật thuế, có nhiều đóng góp trong đề xuất giải pháp xử lý nhiều vụ tranh chấp pháp lý với các Cty đa quốc gia để bảo vệ quyền thu thuế, khẳng định vai trò, vị trí Việt Nam, góp phần thu về cho ngân sách nhà nước (NSNN) hàng trăm triệu USD...

Những năm trước đổi mới, khi chàng trai Nguyễn Văn Phụng khăn gói lên Trường ĐH Tài chính học về chi NSNN cho đầu tư xây dựng cơ bản, rồi được giữ lại trường giảng dạy môn Chủ nghĩa Mác-Lê nin. Ông nói đó là sự may mắn bởi những kiến thức từ ngành học này giúp ông rất nhiều trong công tác sau này.

Sau đó, ông được Bộ Tài chính điều động về Cục Thu quốc doanh. “Khi đó, ông Vụ phó Vụ Tổ chức Cán bộ nói với tớ một câu thế này: “Cậu học về chi NSNN nhưng bây giờ phân công cậu làm công tác thu từ khu vực kinh tế quốc doanh. Có thu thì mới có chi, thu có tốt thì mới có nguồn lực để chi. Chi cậu biết rồi, nay muốn làm tốt công tác thu sẽ phải tiếp tục cuộc đời học tập, học từ thực tiễn, học từ đồng nghiệp””, ông Phụng nhớ lại.

Một bước ngoặt nữa là khi Bộ Tài chính sáp nhập thu quốc doanh, thuế công thương nghiệp và thuế nông nghiệp để thành lập hệ thống thuế thống nhất là Tổng cục Thuế nhà nước, ông Phụng đứng trước 2 sự lựa chọn: Hoặc ở lại ngành (“Lúc đó, Bộ Tài chính khổ lắm”, ông nhớ lại), nếu đi sẽ làm kế toán trưởng ở một DN lớn. “Sau này không biết như thế nào, có thể làm rất to đấy nhưng biết đâu có thể vào tù!”, ông hóm hỉnh.

Cuối cùng thì cái duyên với ngành thuế vẫn níu giữ ông đến bây giờ.

Đề xuất thống nhất các quy định liên quan thuế, phí

Vào những năm 1990, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính quyết định thành lập Vụ Chính sách Tài chính (CSTC) đảm nhiệm vai trò tham mưu xây dựng hệ thống chính sách pháp luật tài chính. Ông Phụng được điều động về phụ trách phòng Chính sách thuế của Vụ này.

“Đất nước đổi mới, muốn phát triển cần có hệ thống pháp luật tài chính đầy đủ, toàn diện, bài bản, có bước đi vững chắc, khách quan, minh bạch. Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng khi đó đã nói như vậy và thực tế bác Hùng luôn quan tâm xây dựng và ngày càng trao nhiều nhiệm vụ cho Vụ CSTC”, ông nhớ lại.

Dấu ấn đầu tiên trong công tác xây dựng chính sách của ông cùng đồng nghiệp là tham gia xây dựng Đề án Chiến lược Tài chính quốc gia, cũng là cũng tác phẩm đầu tay của Vụ CSTC.

Đầu những năm 2000, đã có các luật thuế nhưng trong nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành đều có các quy định về thuế và ưu đãi thuế, gây phức tạp cho thực thi. Khi đó là trưởng phòng, ông triển khai soạn thảo Chỉ thị 07/2001/CT-TTg về việc đảm bảo tính thống nhất các quy định về thuế trong các văn bản QPPL. Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ rất ủng hộ, bởi Chỉ thị 07 giúp cho việc minh bạch các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Dự án Pháp lệnh Phí và Lệ phí (2001), công trình “để đời” của Vụ CSTC cũng được Phòng Chính sách thuế (đơn vị do ông phụ trách), chủ trì soạn thảo. Pháp lệnh được ban hành và triển khai thực hiện thành công đánh dấu bước thay đổi quan trọng trong quản lý nhà nước, tạo cơ sở pháp lý để chấn chỉnh việc thu phí, lệ phí tràn lan trước đây. Việc xóa bỏ 343 loại phí, lệ phí có tác động giảm chi phí đầu vào cho nền kinh tế hàng ngàn tỷ đồng… là con số không hề nhỏ khi đó.

Dự án Luật để đời và sự nuối tiếc

Trong rất nhiều văn bản pháp luật về thuế mà ông chủ trì hoặc tham gia soạn thảo, ông Phụng nhớ nhất là Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

“Khi bắt đầu làm Luật thuế TNCN, tôi ngộ ra một điều là luật này động chạm đến tất cả mọi người, ngày hôm nay chưa đến mức phải nộp thuế thì ngày mai có thể phải nộp. Dù thu nhập của họ chưa đến mức phải nộp thuế nhưng phải nghĩ rằng họ đã nộp thuế rồi, vì họ phải trả cho rất nhiều loại thuế khác khi bỏ tiền ra chi tiêu. Điểm này không phải ai cũng hiểu được. Hồi xây dựng luật này tôi rất trăn trở”, ông chia sẻ.

Để khách quan, có cơ sở khoa học và thực tiễn khi xây dựng Dự án Luật thuế TNCN, ông và đồng nghiệp đề xuất cần điều tra thu nhập, chi tiêu và ĐH Kinh tế Quốc dân là đơn vị thực hiện cuộc điều tra này. Nhiều phương án được đưa ra nhưng cuối cùng, Quốc hội chọn mức giảm trừ cho bản thân là 4 triệu đồng, gấp mấy lần mức thu nhập bình quân qua số liệu điều tra, 4 triệu đồng nhưng cao hơn mức khởi điểm 5 triệu đồng trước đó vì còn có thêm mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc 1,6 triệu (bằng 40% mức cho bản thân) và tính công bằng được thể hiện ở chỗ này.

Tuy nhiên khi Luật thuế TNCN có hiệu lực (2009) thì xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (2008 – 2011), mức thu nhập phải nộp thuế 4 triệu đồng không phù hợp. “Hồi đó phải trình Quốc hội ra Nghị quyết cho bà con miễn thuế nửa năm, sau đó đề xuất đưa mức giảm trừ gia cảnh từ 4 lên 9 triệu đồng, đồng thời nâng cả mức cho người phụ thuộc. Nhiều người phản đối ghê gớm lắm vì như vậy là nâng lên hơn 2 lần so với mức ban đầu. Tôi giải thích trong tình hình kinh tế khó khăn, khi nâng lên thế này ai cũng phấn khởi, lòng dân sẽ yên. Còn những người thu nhập cao vẫn được giảm thuế ở các bậc thấp nhưng họ vẫn nộp nhiều thuế ở mức cao của biểu lũy tiến 7 bậc. Và cho đến bây giờ tôi vẫn giữ quan điểm 7 bậc bởi về mặt nguyên lý, biểu thuế càng nhiều bậc thì càng hiệu quả và công bằng”, ông nói.

Năm 2012, khi sửa Luật thuế TNCN đã có một thay đổi quan điểm mạnh mẽ về thuế TNCN với thu nhập từ chứng khoán và bất động sản. Ông bảo, lựa chọn giữa bài toán quản lý và bài toán chính sách, thấy rằng nếu chứng khoán mà cho áp dụng thu trước 0,1%, sau đó quyết toán lại theo mức thuế suất 20% thì công bằng; nhưng chi phí rất lớn khi quyết toán thuế, cho nên chọn thu gọn 0,1% không phải quyết toán.

Đối với thu nhập từ bất động sản, chọn cách tính 2% giá bán thay cho mức 25% thu nhập cũng là bài toán khôn khéo, đơn giản mà hiệu quả, chống được tiêu cực trong kê khai, gian lận giá, chống được việc “cưa thuế”, thông đồng.

Câu chuyện làm Luật thuế TNDN cũng là một kỷ niệm đáng nhớ khi làm thay đổi cái nhìn của xã hội về ưu đãi đầu tư. Nếu như năm 2008 về trước, ưu đãi đầu tư vừa theo Luật Đầu tư, vừa theo Luật thuế TNDN, hai danh mục ưu đãi khác nhau, thuế suất phổ thông với FDI là 25% nhưng DN trong nước là 32% rồi 28%. Từ 2009 thống nhất thuế TNDN giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; ưu đãi theo DN thành lập mới gắn với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thay vì ưu đãi theo dự án đầu tư; bỏ quy định ưu đãi cho đầu tư mở rộng.

“Quan điểm của chúng tôi lúc đó là muốn có nhiều DN (hướng tới 1 triệu DN) thì phải ưu đãi cho DN thành lập mới, pháp nhân thành lập mới kèm theo dự án mới thì sẽ được ưu đãi, nhưng phải theo danh mục mà Nghị định của Chính phủ quy định. Tuy nhiên, từ 2014 trở đi theo luật mới, thì lại quy định ưu đãi theo dự án. Đó là điều tôi rất tiếc!”, ông tâm sự.

Với gần 20 năm tham gia soạn thảo các văn bản Luật, Pháp lệnh, Nghị định về thuế, phí và lệ phí cùng 20 năm làm công tác quản lý thuế, khi được hỏi, còn điều gì khiến ông hổi tiếc nhất. Không chút do dự, ông bảo, đó là Luật Thuế tài sản. “Dự án Luật thuế này đã nung nấu từ năm 1990, rất tiếc tôi không thực hiện được. Mong là vẫn còn cơ hội tham gia vào luật thuế này!”, ông cười, giọng vẫn sang sảng...

Góp phần thu vào ngân sách nhà nước hàng trăm triệu USD từ nhà thầu dầu khí nước ngoài

Không chỉ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, ông Nguyễn Văn Phụng còn được biết đến với vai trò tham gia vào các vụ giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Đơn cử như tham gia các cuộc làm việc đấu tranh với các nhà thầu dầu khí để đi đến ký kết Thỏa thuận giữa các bên về thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Chính phủ Việt Nam trong việc nhà thầu chuyển nhượng quyền tham gia các Hợp đồng dầu khí ký trước đây, góp phần thu vào NSNN gần 150 triệu USD; Phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tư pháp trong việc cung cấp các quan điểm, lý luận và bằng chứng để bảo vệ thành công Vụ kiện quốc tế của các nhà thầu nước ngoài kiện PVN đòi áp dụng quy định ưu đãi của Chính phủ. Với kết quả thắng lợi của vụ kiện, đã góp phần vào việc không phải bồi hoàn cho nguyên đơn gần 84 triệu USD.

Là thành viên thường trực của Nhóm công tác liên ngành tham mưu để đàm phán giải quyết Vụ kiện quốc tế gần đây trong bối cảnh các quy định trong Thông tư, Nghị định hướng dẫn chưa được cụ thể và Hợp đồng dầu khí ký trước đây có những điểm bất lợi. Kết quả sau 4 năm đấu tranh, Nhà thầu đã phải đề xuất hòa giải, chấm dứt vụ kiện và chấp nhận nộp vào NSNN gần 60 triệu USD tiền thuế, tiền chậm nộp đối với giao dịch chuyển nhượng cổ phần ở ngoài Việt Nam.

Đọc thêm