'Ông trùm' Táo Quân: 'Không phải cứ muốn nói gì là nói'

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho rằng việc thực hiện một chương trình hài chính luận nhắm tới những vấn đề tiêu cực sẽ gặp nhiều thách thức hơn.
Táo Quân 2016 hoàn tất ghi hình hôm 30/1. Hiện đơn vị sản xuất đã bắt tay vào thực hiện hậu kỳ để kịp phát sóng vào tối 29 Tết. Tổng đạo diễn Táo Quân chia sẻ với độc giả hậu trường thực hiện chương trình.
- Chương trình Táo Quân 2016 quay trở lại phong cách hài chính luận, đả động nhiều vấn đề của đời sống chính trị, xã hội. Êkíp làm chương trình đối mặt vấn đề kiểm duyệt như thế nào?
- Táo Quân thực hiện theo đúng hoạt động sản xuất truyền hình, nghĩa là Đài truyền hình chịu trách nhiệm toàn bộ việc thực hiện, phát sóng. Nó cũng là một tác phẩm báo chí, tuân theo những quy chuẩn của báo chí. Cũng như các chương trình hay vấn đề khác trên báo chí, nói về tiêu cực sẽ nhạy cảm hơn là khen.
Tiêu chí của Táo Quân không phải là để khen. Có những vấn đề chúng tôi đưa ra thông qua lăng kính hài hước, trở thành vũ khí đấu tranh, trào lộng khiến chủ thể của những vấn đề đó không mong đợi. Bởi thế, không phải thích thế nào cũng có thể nói thế đó. Chúng tôi phải cân nhắc rất nhiều yếu tố, phải đặt trên tổng thể chương trình và không khí xã hội nữa. Có những vấn đề mình nói ra mà không thuận lợi, hoặc không có tính chất xây dựng, chỉ nhằm mục đích đả phá thì cũng không được. Suy cho cùng, muốn nói vấn đề gì vẫn phải đặt trong tổng thể nhằm xây dựng một bức tranh xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Táo Quân sau hơn chục năm phát sóng đã thu hút được quan tâm của độc giả, báo chí và toàn xã hội. Vô hình trung nó trở thành một sự kiện văn hóa nghệ thuật nên sẽ có nhiều người chú ý, để ý hơn. Khi người ta để ý thì trong quá trình chúng tôi làm cũng có nhiều thách thức.
Song, những gì chúng tôi nói không phải là mới, đều đã có trên các phương tiện thông tin đại chúng nên không sợ vấn đề mới mẻ khiến người ta bưng bít. Quan trọng là nói đến mức độ nào và lựa chọn cách thể hiện như thế nào. Cũng có những vấn đề rất mạnh ngoài cuộc sống nhưng Táo Quân nói rất nhẹ, bởi mình chưa tìm được phương pháp. Hay có những vấn đề rất nhẹ nhưng mình nhân cách hóa được và lựa chọn được phương pháp thể hiện tốt thì trở nên sâu cay, sắc sảo.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải. 
- Êkíp thực hiện Táo Quân gặp áp lực gì?
- Áp lực lớn nhất là khán giả. Người ta đã chờ đợi Táo Quân như món ăn quen thuộc trong đêm 30 Tết. Do được mặc định như vậy nên nghiễm nhiên trở thành áp lực. Nhiều người mong đợi Táo Quân ở những góc độ khác nhau, người thích nhiều bài hát, người thích có diễn viên mới, người muốn các gương mặt cũ, người trông chờ xem diễn viên năm nay có gì thay đổi trong cách diễn, nội dung, tình huống có hấp dẫn không... Áp lực từ khán giả khiến chúng tôi bị thúc ép nhiều. Tuy nhiên, trong sáng tạo phải có bản lĩnh. Thay đổi nhưng phải thế nào cho phù hợp.
- Kịch bản Táo Quân được thực hiện như thế nào?
- Thông lệ làm Táo Quân là bắt đầu từ tháng 10. Để có chất liệu đó thì có một nhóm trong năm luôn phải cập nhật các vấn đề, chia thành từng mảng một gửi đến cho đạo diễn. Đạo diễn sẽ họp cùng nhóm nội dung để phân tích lựa chọn cái gì, quan tâm hơn đến cái gì. Tiếp đó, chúng tôi bắt đầu làm việc sâu hơn với phóng viên chuyên trách từng lĩnh vực để hiểu bản chất vấn đề rồi mới tư duy đến việc đề cập nó ra sao. Sau cùng, đạo diễn sẽ lên ý tưởng cho chương trình và đặt người viết. Táo Quân bao giờ cũng gồm nhóm viết và thay đổi theo từng năm, hoặc cùng một vấn đề nhiều người viết sau đó đạo diễn tổng hợp lại. Kịch bản Táo Quân sau khi hoàn thành vẫn được cập nhật.
- Vì sao Táo Quân năm nay chỉ có bốn Táo đại diện các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, xã hội, tinh thần?
- Do thời lượng ghi hình, chúng tôi phải cân nhắc số lượng Táo để đảm bảo, nhiều Táo quá thì không đào sâu được mà chỉ có thể điểm qua.
Mọi năm, các lĩnh vực giao thông và y tế đã được đề cập rất nhiều. Khi ngồi phân tích, chúng tôi thấy đó chưa phải là vấn đề nổi cộm để cho thấy sự khác biệt giữa các năm, và nếu không khéo sẽ trở thành nói đi nói lại. Vì thế, vấn đề của giao thông, y tế được lồng ghép vào các lĩnh vực khác.
Mục đích năm nay là không đào sâu vào phần báo cáo của các Táo. Tuy mỗi báo cáo đều có vấn đề riêng nhưng sức nặng nằm ở phần kết. Thực ra rất nhiều năm trước cũng đã nói về nạn nhận hối lộ, đút lót... nhưng nó là vấn đề chương trình mong muốn đưa thành trọng tâm trong năm nay.
Thông điệp lớn nhất là: trên cả những người đang nắm những vị trí quan trọng trong các ngành, lĩnh vực chính là người dân. Khi dân ủng hộ và dân tin thì mới có thể làm tốt được và ngược lại, làm gì cũng phải có sự giám sát của người dân. Điều đó đòi hỏi trách nhiệm và ý thức của những người đứng đầu.
- Chương trình năm nay nói là sắc sảo nhưng nhiều vấn đề vẫn chỉ khai thác ở bề nổi chứ không đi vào chiều sâu, và cũng nhiều "điểm nóng của xã hội" không được đề cập. Anh lý giải thế nào?
- Táo Quân không phải chương trình chính luận, điều tra hoặc phát hiện, lý giải tiêu cực. Chuyện giáo dục, y tế, giao thông... hàng loạt báo chí đã đưa suốt năm. Táo Quân không làm lại mà chỉ kết nối các vấn đề qua đó thể hiện bức tranh xã hội trong năm.
Chúng tôi không làm thay chức năng báo chí điều tra cụ thể mà chỉ văn nghệ hóa nó lên, nói vấn đề ai cũng biết nhưng nói làm sao cho vui. Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái có nói, nó như tiếng cười để giã từ quá khứ, kết thúc một năm để bước vào năm mới. Đó chính là nhiệm vụ của Táo Quân.
- Dường như Táo Quân vẫn khó khăn trong vấn đề đổi mới, khi sau một năm thay đổi format không thành công, năm nay lại quay về lối truyền thống là các Táo lên báo cáo. Anh nghĩ sao?
- Đúng là có khó khăn. Chúng tôi cũng đã suy nghĩ hình thức khác, có năm bung ra quay ngoại cảnh kết hợp sân khấu. Năm ngoái cũng là năm thể nghiệm và chúng tôi thấy nó không hiệu quả. Mô hình Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ nói được nghĩa khác, phù hợp với văn hóa phương Đông nhưng lại không cụ thể, trực diện vào một lĩnh vực nào đó, khiến người xem không định hình được. Trong thay đổi có sự thất bại, mình phải chấp nhận. Đôi khi do khả năng của mình. Nếu khán giả theo dõi sẽ thấy hơn 10 năm qua chúng tôi đã thay đổi nhiều, không còn chỉ từng táo lên báo cáo mà năm thì mở cuộc thi tài năng, năm thì thi Hoa Táo... 
Năm nay chúng tôi quay trở lại với mục đích rất rõ nét của Táo Quân, nêu lại vấn đề nổi cộm và hài hước hóa. Chúng tôi vẫn tuân thủ tích dân gian, như xương sống để mình nhân cách hóa nó lên. Khán giả đã ấn định trong suy nghĩ Táo Quân tức là các Táo lên báo cáo, quá trình báo cáo có thể xảy ra chuyện này chuyện kia nhưng cái tích đó nó vẫn thân thuộc nhất.
- Dàn diễn viên tham gia Táo Quân đã quá cũ, sức sáng tạo không còn nhiều. Anh nghĩ sao về việc thay đổi êkíp khác?
- Bản thân tôi chưa chắc đã làm Táo Quân các năm sau. Nhưng một khi tôi còn làm, họ vẫn là những nghệ sĩ tốt nhất tôi lựa chọn. Có nhiều nghệ sĩ khác tôi muốn mời nhưng vì yếu tố thời gian. Diễn viên của chúng tôi có người tập đến 4h sáng lại ra sân bay đi diễn tiếp. Không phải ai cũng sẵn sàng làm điều đó.
Cũng có những nghệ sĩ đã đến tập thử nhưng chính họ cũng cảm thấy không phù hợp. Diễn Táo Quân là một thách thức. Một vấn đề nêu ra không chỉ yêu cầu thuộc lời thoại mà còn phải hiểu sâu xa bản chất, chưa kể quá trình làm việc cần hiểu mình làm được đến đâu chứ không thể cứ phô diễn khả năng.
Có những nghệ sĩ phải kiềm chế bản thân. Ví dụ Xuân Bắc, Công Lý và Quốc Khánh, ở những chỗ khác họ được tung tẩy, dồn sức để tạo ra tiếng cười, nhưng ở Táo Quân họ chỉ làm nền cho những người khác bay nhảy. Có người thắc mắc trong Táo Quân chẳng thấy miếng hài nào của Xuân Bắc, Công Lý... Đó là thiệt thòi của họ. Rất nhiều lần Xuân Bắc mong được đóng Táo hoặc vai khác nhưng không ai thay thế được. Ba nghệ sĩ đó là cái trục của chương trình. Họ không chỉ thuộc mỗi lời thoại của mình mà phải thuộc lời thoại của tất cả người khác. Họ có mặt từ đầu chí cuối để tập cùng các nghệ sĩ khác, sao cho diễn để ăn ý với từng người một.
- Táo Quân vắng bóng các danh hài miền Nam. Anh lý giải điều này như thế nào?
- Rất nhiều năm chúng tôi mong muốn có nghệ sĩ phía Nam nhưng có hai lý do. Khách quan là dịp cuối năm thị trường TP HCM rất nhiều việc, các nghệ sĩ có nhiều show diễn, ghi hình cho các kênh truyền hình. Trong Nam, các đài cũng làm Táo. Có nhiều nghệ sĩ rất tài năng nhưng không thể theo đuổi quá trình tập kéo dài và nội dung thay đổi theo từng buổi của Táo Quân.
Thứ hai, cách diễn khác biệt. Ở phía Nam các nghệ sĩ diễn theo kiểu hài đời sống, miền Bắc chỉn chu, nhấn nhá hơn. Phong cách của Táo Quân hợp với nghệ sĩ miền Bắc hơn, bởi nó mượn cái này nói cái kia, lời thoại thế nhưng ý nghĩa ngầm ẩn lại khác. Muốn hòa hợp phải tập luyện thật kỹ.
- Năm ngoái chương trình bị đánh giá nhạt. Năm nay, khán giả có thể kỳ vọng điều gì?
- Chương trình chưa đạt được kỳ vọng là lỗi của êkíp thực hiện vì có thể đến thời điểm đó mình không thể nghĩ được cái gì hơn. Chúng tôi đã cố gắng hết sức rồi nhưng không đạt được thì phải chấp nhận phản hồi chưa tốt của khán giả. Nhưng khách quan thì còn nhiều yếu tố như vấn đề năm đó như thế nào, bối cảnh xã hội ra sao để mình lựa chọn đề cập đến cái gì.
Năm nay, đến hiện tại, phản hồi của những người đã xem chương trình khá tích cực. Chúng tôi mong khán giả có chương trình hấp dẫn để bõ chờ đợi trong một năm. Hy vọng nội dung năm nay thỏa mãn phần nào kỳ vọng của mọi người.

Đọc thêm