Theo AFP, ông Trump đã cùng phu nhân là bà Melania, một nhóm các trợ lý và nhân viên Mật vụ hạ cánh xuống Căn cứ không quân Al-Asad ở phía tây Iraq vào lúc 19h16 (giờ địa phương) sau chuyến bay đêm bí mật trên chiếc Không lực một.
Tại đây, Tổng thống Mỹ đã có cuộc nói chuyện với khoảng 100 người, chủ yếu là nhân viên của lực lượng nhiệm Mỹ. Sau đó, ông cũng đã có cuộc nói chuyện với các lãnh đạo quân sự trước khi rời đi sau khoảng 3 tiếng.
Ông Trump đã không gặp Thủ tướng Iraq Adel Abdel Mahdi như kế hoạch, thay vào đó chỉ điện đàm với ông này.
Việc tổng thống tới thăm các binh sỹ Mỹ ở các khu vực chiến sự là truyền thống được các lãnh đạo Mỹ duy trì trong nhiều năm sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.
Tuy nhiên, ông Trump đã hứng chịu nhiều chỉ trích khi từ chối thực hiện một chuyến thăm như vậy trong suốt 2 năm sau khi nhậm chức.
Nhiều người cho rằng ông cuối cùng đã quyết định thực hiện chuyến thăm tới Iraq sau quyết định rút một lượng lớn binh sỹ khỏi Afghanistan và rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Syria gây tranh cãi.
Phát biểu tại căn cứ Al-Asad, ông Trump tiếp tục bảo vệ chính sách “nước Mỹ trên hết” khi rút khỏi các liên minh đa quốc gia, trong đó có các cuộc chiến ở Trung Đông.
“Thật không công bằng khi chúng ta chịu mọi gánh nặng. Chúng ta không muốn bị bất cứ nước nào lợi dụng, biến chúng ta và quân đội của chúng ta thành người bảo vệ họ thêm nữa. Họ không đóng một xu nào nhưng họ sắp sửa sẽ phải làm điều đó”, ông Trump tuyên bố.
Trên đường trở về nước, ông Trump cũng sẽ ghé qua thăm binh sỹ Mỹ ở căn cứ không quân Ramstein ở Đức, theo Reuters.
Trước đó, 2 người tiền nhiệm của ông Trump là các Tổng thống George W. Bush và Barack Obama cũng đã có những chuyến thăm bất ngờ đến Iraq khi đang tại vị.
Mỹ hiện có khoảng 5.200 quân ở Iraq, chủ yếu làm nhiệm vụ huấn luyện và cố vấn cho quân đội Iraq để đảm bảo rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không thể trỗi dậy lần nữa.