Ông Viện trưởng và nỗi lo mỗi dịp Xuân về

(PLO) -Trong câu chuyện, người đàn ông thuộc diện “giàu có” bậc nhất Việt Nam về các danh hiệu khoa học luôn thể hiện sự lo lắng mỗi khi Tết đến, Xuân về. Bởi với ông, các danh hiệu dù có cao quý đến đâu cũng trở thành vô nghĩa khi “biệt dược” không đủ để cung cấp cho những ca phẫu thuật, điều trị
GS Nguyễn Anh Trí chia sẻ lo lắng về sự thiếu máu mỗi dịp tết đến, xuân về.
GS Nguyễn Anh Trí chia sẻ lo lắng về sự thiếu máu mỗi dịp tết đến, xuân về.

 Ông là Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Cao cấp, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động, Công dân Thủ đô ưu tú, Giải thưởng Vinh quang Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí.

Đau đáu một lời thề

Gặp ông khi ông vừa trở về từ chuyến công tác dài ngày ở Mỹ, vừa bước vào phòng ông vội cất lời: “Xin lỗi nhà báo, tôi chậm mất 5 phút. Chúng ta có với nhau 1 tiếng đồng hồ nhé, vì sau đó tôi phải chủ trì một cuộc họp”, vừa nói ông vừa tắt điện thoại. Câu chào bằng giọng miền Trung đặc sệt cũng như sự “mặc cả” không làm người đối diện phiền lòng bởi thời gian là thứ mà ông phải ngày đêm chạy đua để biến thứ “vàng bạc” đó thành những công việc cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân và các cơ sở y tế.

Ông bắt đầu câu chuyện từ một bệnh nhân vừa trở về từ cõi chết nhờ được ghép tế bào gốc và vai trò đặc biệt quan trọng của máu mà ông gọi đó là “biệt dược” không thể thay thế trong phẫu thuật và điều trị. Bởi thuốc và các chế phẩm dược có thể chỉ là phụ trợ, nhưng máu gắn liền với sinh tồn của con người – có máu thì sống và không máu thì tử vong. “Và tôi đến với máu như một định mệnh. “Biệt dược” này gắn liền với tôi từ ngày bước chân vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội, đến đề tài luận văn, luận án và những công trình mang tầm quốc gia hay vươn ra quốc tế đều gắn với “biệt dược” này”, ông chia sẻ.

Ông bảo, cuộc đời khoác áo blue ông đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong nghiệp cứu người, nhưng ông tự nhủ dù vui hay buồn đều không được quên mà ngược lại phải nhớ. “Niềm vui nhớ đã đành, nhưng chuyện không vui mình nhớ như đó là một bài học để không chỉ áp dụng trong công việc mà còn là hành trang truyền dạy lại cho thế hệ đi sau”, ông nói.

Đến nay, dù đã thành danh với nhiều công trình, giải thưởng nhưng ông không thể nào quên được cảnh những ông bố cõng con thơ trên lưng với khớp gối sưng vù vì bị chảy máu vào những năm 80 của thế kỷ trước. “Là đàn ông theo học ngành y nhưng tôi không cầm được nước mắt khi chứng kiến những cảnh trên diễn ra hàng ngày. Đó là những người mắc chứng máu khó đông (tên khoa học là Hemophilia). Người bệnh bị xuất huyết không thể kiểm soát, máu  chảy vào các khớp và cơ bắp gây đau dữ dội, nhẹ thì bị tàn tật, nặng sẽ tử vong nếu máu chảy vào não. Nhưng nỗi ám ảnh lớn nhất là nhiều đứa trẻ ngây thơ, đẹp như tranh dần bị tháo khớp và đích đến là tử vong. Đau đớn vô cùng tận. Lúc đó, tôi thề sẽ làm tất cả để không còn phải chứng kiến những cảnh đó nữa”, ông nói.

Ông chia sẻ, việc tìm hướng điều trị căn bệnh này đã được người tiền nhiệm đặt ra, nhưng lúc đó điều kiện chưa đủ nên chưa thực sự toại nguyện. Khi đảm nhận trọng trách Viện trưởng, ông đã đầu tư, nghiên cứu và chạy vạy khắp nơi và lời thề năm xưa đã có được kết quả. “Vui mừng vì tìm được phương pháp chữa bệnh, nhưng khốn nỗi chi phí điều trị quá lớn khiến bệnh nhân không thể cáng đáng nổi, bởi mỗi tuần họ phải tiêm từ 2 – 3 lần, mỗi lần hết mấy chục triệu đồng thì lấy đâu ra”,ông nói. Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định gửi công văn cho cơ quan bảo hiểm. Hai lần gửi đi không thấy hồi âm, ông viết lần thứ 3 và vui như “phát điên” khi cơ quan bảo hiểm đồng ý chi trả cho bệnh nhân mắc chứng bệnh quái ác này.

Quả thật, với chủ đề  liên quan đến máu thì câu chuyện với ông dường như là bất tận. Ông nói một cách say sưa nhưng không hàn lâm mà mỗi câu chuyện đều bình dị và đời thường.

Trầm ngâm một lúc ông chợt nói: “Lại sắp đến Tết rồi”. Nhưng thay vì nói về chuyện “bánh chưng, mứt tết”, ông hồi tưởng: Trước năm 1995, tình trạng thiếu máu của Việt Nam xảy ra quanh năm, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc cấp cứu, phẫu thuật điều trị bệnh. Khi chúng ta phát động phong trào hiến máu nhân đạo thì tình trạng dần được khắc phục. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn còn hai thời điểm rơi vào tình trạng thiếu máu trầm trọng, đó là dịp sau Tết Nguyên đán và dịp hè. Bởi phong trào hiến máu nhân đạo vẫn phụ thuộc nhiều vào học sinh, sinh viên, nhưng vào hai thời điểm trên thì lực lượng này đều bận thi cử rồi về quê ăn tết hoặc nghỉ hè dẫn đến tình trạng thiếu người hiến máu. Trước tình trạng đó, từ 2008 Viện Huyết học Truyền máu Trung ương mà ông là Viện trưởng đã phát động Lễ hội Xuân Hồng.

Xuân này Lễ hội tròn 10 tuổi với nhiều thành công, nhưng ông không thể quên những khó khăn của ngày đầu phát động.“Thực ra việc hiến máu nhân đạo từng được phát động, nhưng trái với lượng người tham gia mittinh rất đông thì người tham gia hiến máu lại rất ít. Khi chúng tôi phát động Lễ hội thì gặp phải trở ngại lớn đó là tâm lý người dân sợ xui xẻo khi mới ra Tết đã đi cho máu. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì và những việc làm thiết thực thì thành công lớn nhất là định kiến cổ hủ đó đã bị xóa bỏ. Đáng quý hơn, lễ hội đã tạo sức lan tỏa, tạo nên phong trào hiến máu tình nguyện rộng khắp cả nước”, ông nói.

Một câu chuyện vô cùng quan trọng khác có thể làm thay đổi tư duy cũng như phương pháp điều trị những căn bệnh quái ác, nhưng với ông - người luôn biết tạo ra việc để làm thì nó diễn ra cũng rất đời thường. Đó là câu chuyện ghép tế bào gốc từng gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước thời gian qua. “Với nhiều bệnh về máu, dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị cũng chỉ có thể cải thiện về thời gian sống mà không thể khỏi bệnh hoàn toàn, đặc biệt là các nhóm bệnh có tổn thương tế bào gốc tạo máu như lơ xê mi cấp, lơ xê mi kinh, suy tủy xương, tan máu bẩm sinh. Biện pháp điều trị hiệu quả nhất cho những nhóm bệnh về tế bào gốc tạo máu chính là thay thế những tế bào tổn thương đó bằng kỹ thuật ghép tế bào gốc”, ông nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV
 Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV

Biết vậy, nhưng nguồn tế bào gốc lấy ở đâu và những mẫu tế bào gốc máu dây rốn gửi tại các Ngân hàng tế bào gốc ở Việt Nam lúc ấy mới chỉ đủ để ghép cho trẻ em có cân nặng dưới 10kg, là những trăn trở của ông cùng các cộng sự.

Tung quân đi học, tìm tòi và khi nghe tin Nhật Bản có thể sản xuất được những mẫu máu dây rốn đủ lượng tế bào gốc để ghép cho cả người lớn, ông cùng các cộng sự tức tốc sang tận nơi, vào labo để vừa ăn cơm hộp vừa học. Từ kinh nghiệm của Nhật, ông và các cộng sự đã nghiên cứu, cải tiến và thành công với ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng đầu tiên và đúng nghĩa ở Việt Nam. “Hạnh phúc vô cùng khi ngân hàng tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng của Viện hiện đã có hơn 3000 mẫu và đã có thể tìm được mẫu phù hợp để ghép cho hầu hết các nhóm bệnh máu, ở mọi lứa tuổi, mọi cân nặng”, mắt ông sáng lên khi chia sẻ.

Gia đình là tổ ấm thực sự

Ông là người Quảng Bình, bà là con gái Huế. Câu nói “phía sau thành công của người đàn ông, có bóng dáng của người phụ nữ” quả không sai khi sự “giàu có” các danh hiệu của ông có sự đóng góp thầm lặng của bà. Dù khi còn là cán bộ hay lúc về hưu, bà luôn thực hiện đầy đủ thiên chức của người vợ: ít nói, lặng lẽ nhưng luôn chu đáo trong chăm sóc mẹ, chồng con đúng nghĩa gia đình là tổ ấm. Đó là hậu phương vững chắc, bình yên để ông có thể toàn tâm, toàn ý giành cho khoa học.

“Vợ tôi là vậy, nhưng may lớn nhất của đời tôi là có những người mẹ cực kỳ hiểu và thương con cháu”, ông chia sẻ. “Có thời gian dài, cả mẹ tôi và mẹ vợ (chị ruột của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) sống cùng vợ chồng tôi. Các cụ đều cao tuổi và đều có những sở thích khác nhau, bởi vậy nhiều khi mâm cơm các cụ cũng khác nhau, rồi khác cả với vợ chồng tôi. Mẹ tôi đã khuất núi, chỉ còn mẹ vợ năm nay đã 103 tuổi nhưng chúng tôi đều tìm thấy diễm phúc từ những người mẹ của mình”.

Cũng chính lễ giáo gia phong, truyền thống gia đình và ảnh hưởng từ những người mẹ nên với người con trai duy nhất ông chưa bao giờ dùng đến đòn roi để dạy dỗ. “Con tôi sau khi du học về đã lập gia đình, nhưng có lẽ tôi chỉ dạy cháu hai câu: Năm cháu học lớp 5, tôi chỉ nói con cố gắng học giỏi để phục vụ đất nước; và khi cháu lên đường đi du học, tôi chỉ dặn con nhớ phụng sự đất nước, phụng sự tổ quốc”, ông chia sẻ…

         Đến giờ ông đi họp, chúng tôi chia tay khi thành phố đã lên đèn. Trên đường về câu nói “Tết lại đến nữa rồi” cùng hình ảnh đăm chiêu của ông Viện trưởng với mái tóc muối tiêu, tôi chợt hiểu rằng dù đã đạt gần như các danh hiệu khoa học cao quý, nhưng ông vẫn luôn trăn trở, lo lắng cho sự thiếu hụt nguồn máu mỗi khi Tết đến, Xuân về. Và tôi hiểu, đó là Tâm, là Tầm của một người thầy thuốc cao quý.

Duy Khanh Nguyên

Điều đặc biệt, là nhà khoa học nổi tiếng nhưng trong ông vẫn dạt dào thơ ca với việc đã xuất bản 3 tập thơ và đã sáng tác được khoảng 40 ca khúc, trong đó có khá nhiều tác phẩm nổi tiếng như Mưa xứ Huế, Hà Giang mùa hoa Tam giác mạch hay Cờ đỏ sao vàng…Đặc biệt hơn, dù bận rộn nhưng ông vẫn có thể đứng hàng giờ để viết thư pháp mà như ông nói là để “cài đặt lại tâm hồn”…