Sở hữu kho tư liệu đồ sộ
Nói về nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán, có lẽ trước hết phải nói về cuộc đời và hành trình làm nghề của ông. Nhìn vào gia tài hàng vạn bức ảnh quý, nhiều người thầm nghĩ chắc hẳn ông đã hành nghề gần như suốt cuộc đời mình, thế nhưng thực tế ông chỉ bắt đầu nghiêm túc làm nghề khi đã về hưu. Sinh năm 1947 tại Hà Nội, chàng trai Nguyễn Đình Toán nhập ngũ ngay khi vừa học hết cấp 3, trở thành lính cao xạ bảo vệ Thủ đô từ năm 1965. Ngay từ trong quân ngũ, ông đã rất thích chụp ảnh. Năm 1987, ông chuyển sang công tác tại văn phòng của một công ty vận tải biển thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Tại đây, ông được giao công việc làm truyền thông, chụp ảnh tư liệu, cũng nhờ cơ duyên này Nguyễn Đình Toán mới có cơ hội làm quen với chiếc máy ảnh và thực sự bước đến với nhiếp ảnh. Ngày ấy, công ty ông làm việc có trụ sở trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), gần hai điểm đến rất nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ là địa chỉ 41 (quán Trúc Viên) và 51 Trần Hưng Đạo (trụ sở của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam). Nhờ vị trí đặc biệt này, ông thoả sức lân la làm quen và chụp ảnh với những người ông hâm mộ từ lâu.
Đến năm 1992, sau khi nghỉ hưu, Nguyễn Đình Toán đầu quân cho Tạp chí Xưa và Nay, cũng chính tại đây, ông bắt đầu có sự nhận thức rõ ràng hơn về con đường nhiếp ảnh của mình. Ông không hứng thú với việc chụp phong cảnh mà chỉ đam mê chụp chân dung. Lối chụp ảnh của ông cũng rất đặc biệt đó là mở máy khi cảm thấy thực sự muốn chụp và khi đã bắt đầu, ông sẽ không dừng lại cho đến khi hết phim.
Nguyễn Đình Toán còn là một người chụp ảnh rất khái tính. Ngay từ những ngày đầu cầm máy chụp ảnh các văn nghệ sĩ tại địa chỉ 41 và 51 Trần Hưng Đạo, ông đã có ý thức rất rõ ràng là chụp ảnh những văn nghệ sĩ tài năng và tử tế. Không chỉ đơn thuần là chụp ảnh mà ông muốn ghi lại hình ảnh của những người nghệ sĩ ông thực sự ngưỡng mộ cả về tài năng lẫn nhân cách. Đây cũng là lý do chính để ông dấn thân vào nghề nhiếp ảnh và chọn công việc chụp chân dung văn nghệ sĩ, bởi lẽ ngoài công việc đây còn là một niềm đam mê, là cách ông thể hiện sự kính trọng và tôn vinh những người đã và đang góp phần làm giàu cho nền văn hóa nghệ thuật của đất nước.
Đặc biệt, khi nói về các nghệ sĩ, Nguyễn Đình Toán luôn nhấn mạnh hai từ “tử tế”. Với ông, sự tử tế của một người làm nghệ thuật mới là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức hút đặc biệt, khiến ông muốn đến gần, lắng nghe và ghi lại những khoảnh khắc đời thường, chân thật nhất của họ. Có những người nghệ sĩ mà ông kính trọng, dù đã chụp hàng ngàn bức ảnh nhưng mỗi lần nhìn lại, ông vẫn cảm thấy tiếc nuối và ước rằng mình có thể ghi lại được nhiều khoảnh khắc hơn nữa.
|
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán nhận giải thưởng Đào Tấn. (Nguồn: Báo Tiền Phong) |
Cũng vì cách chụp ảnh độc đáo theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán suốt bao năm qua mà trong kho tư liệu đồ sộ của ông toàn những bức chân dung văn nghệ sĩ đình đám một thời. Trong số đó, không thể không nhắc đến những cái tên lớn như Phùng Cung, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang và nhiều nhân vật văn hóa khác. Rất nhiều văn nghệ sĩ các thế hệ biết ơn ông vì đã giúp họ lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ được lưu giữ mãi với thời gian. Thế nhưng với ông, những bức ảnh chưa bao giờ là mục tiêu duy nhất trong suốt hành trình nhiếp ảnh kéo dài mấy chục năm của mình. Quan trọng hơn cả những bức ảnh, là những khoảnh khắc ông được ngồi trò chuyện, được chia sẻ và lắng nghe những câu chuyện về đất nước và thân phận từ những con người tài đức mà ông ngưỡng mộ.
Người “chép sử bằng ống kính”
Mặc dù là một nghệ sĩ nhiếp ảnh với kho tư liệu ảnh chân dung về các văn nghệ sĩ đồ sộ nhưng trong suốt hành trình cầm máy của mình, Nguyễn Đình Toán chỉ có vài ba lần tổ chức triển lãm cá nhân. Với ông, việc chụp ảnh không phải là để kiếm danh hay tiền bạc, mà là để ghi lại và lưu giữ những khoảnh khắc quý giá của những con người tài hoa ông ngưỡng mộ. Đối với ông, sự ý nghĩa trong nhiếp ảnh nằm ở việc lưu trữ, cất giữ những khoảnh khắc quý giá của người nghệ sĩ.
Triển lãm đầu tiên trong sự nghiệp cầm máy ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán là triển lãm ảnh cá nhân “Văn Cao 18 năm trước” (11/2013), nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của tác giả Quốc ca Việt Nam, cũng như tưởng nhớ “người anh lớn” đã đi xa 18 năm. Với Nguyễn Đình Toán, có lẽ nhạc sĩ Văn Cao là người để lại trong ông những ấn tượng mạnh mẽ nhất. Ông được chụp nhiều ảnh Văn Cao là bởi ông là bạn của con trai nhạc sĩ và nhà ông khi xưa rất gần nhà nhạc sĩ. Vào những năm cuối đời của tác giả “Mùa xuân đầu tiên”, Nguyễn Đình Toán là người có thể lui tới nhà của nhạc sĩ và chụp ảnh ông bất cứ lúc nào. Chính vì thế, Nguyễn Đình Toán đã sở hữu được những bức chân dung “độc nhất vô nhị” về người nhạc sĩ tài hoa để giới thiệu với công chúng.
Triển lãm cá nhân thứ hai của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán mang tên “Nhạc trưởng 27&45” (9/2017) đã từng gây một sự xúc động mạnh trong giới nghệ thuật. Lần đầu tiên, công chúng có cơ hội được thưởng lãm các tác phẩm ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của nhiều nhạc trưởng trong nước và quốc tế. Triển lãm giới thiệu chân dung của 27 nhạc trưởng nổi tiếng thông qua 45 bức ảnh tiêu biểu, mỗi bức ảnh đều đặc tả rõ nét khoảnh khắc cống hiến hết mình của những nghệ sĩ trên sân khấu âm nhạc. Để có được những tác phẩm này, ông đã chọn lọc qua hơn 1⁄4 thế kỉ và có mặt tại hàng trăm đêm diễn giao hưởng thính phòng trong nhiều năm để có thể “bắt trọn” được những bức ảnh tuyệt đẹp của những nhạc trưởng, những tên tuổi như Đàm Linh, Vũ Ngọc Quang, Đỗ Hồng Quân, Lê Phi Phi, Doãn Nguyên, Yoshikazu Fukumura, Graham Scutliffe,…
|
Triển lãm “Nhạc trưởng 27&45” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán (bìa trái). (Ảnh: Tiến Dũng) |
Ngoài hai triển lãm cá nhân nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán còn có hai triển lãm chung về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là triển lãm “Điện Biên Phủ - Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp qua các tác phẩm nghệ thuật” (4/2014) với sự tham gia của các tác giả trẻ và triển lãm “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” (1/2019) cùng với nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Định. Nói về triển lãm năm 2019, trong số hơn 30 bức ảnh tại triển lãm, Nguyễn Đình Toán góp hơn 20 bức, tất cả đều là ảnh đen trắng, Trần Định góp 6 bức ảnh màu khổ lớn. Các bức ảnh trong triển lãm đa phần là những bức lần đầu công bố rộng rãi tới công chúng.
Trong đó có bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao khi Đại tướng và phu nhân đến thăm vợ chồng người nhạc sĩ tài hoa tại căn nhà của tác giả Quốc ca Việt Nam trên tầng 2, số 108 phố Yết Kiêu, Hà Nội ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992. Được biết, ngày hôm ấy, ông đã chụp tới 20 bức ảnh và chỉ chọn được ra một bức ảnh này. Đây cũng là một trong những bức ảnh thành công của ông, bức ảnh chụp hai người ngồi bên nhau với gương mặt nhiều suy tư dường như hoàn toàn thoát ra khỏi khung khổ đời thường mà lại cũng vô cùng đời thường. Đặc biệt, dù đã được chụp từ lâu nhưng đến mãi sau này bức ảnh mới được ông lục lại và khi công bố được công chúng rất yêu thích.
Ngoài những cuộc triển lãm nói trên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán còn có buổi triển lãm “ảnh Chân dung Nguyễn Trọng Tạo” (12/2019), nhân một năm ngày mất của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Tại đây, ông đã giới thiệu đến công chúng 72 bức ảnh quý giá được chụp trong khoảng 25 năm, ghi lại hình ảnh tác giả ca khúc nổi tiếng “Khúc hát sông quê” và những người bạn. Để tìm lại được những cuốn phim có ảnh Nguyễn Trọng Tạo để rửa ảnh, ông kể phải mất cả tháng trời tìm. Vậy mới thấy kho tư liệu của Nguyễn Đình Toán thật đồ sộ và danh hiệu “Thống đốc ngân hàng ảnh văn nghệ sĩ” do chính người bạn thân - nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phong cho ông thật không sai chút nào.
Năm 2023, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán nhận giải thưởng Đào Tấn ở tuổi 76 với bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhạc sĩ Văn Cao và các bộ ảnh chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam. Giải thưởng do Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc và Tạp chí Văn hiến trao tặng, vinh danh chủ nhân của kho ảnh tư liệu văn nghệ sỹ đồ sộ. Được tổ chức thường niên từ năm 2005, Giải thưởng Đào Tấn dành cho các cá nhân, tập thể có những cống hiến tiêu biểu, xuất sắc; những sáng tạo không ngừng nghỉ trong công cuộc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, bao trùm trên nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đất nước.