Pakistan lần đầu sử dụng mưa nhân tạo để chống khói bụi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chính phủ Pakistan lần đầu sử dụng mưa nhân tạo ở nước này vào ngày 16/12, trong nỗ lực chống lại mức độ ô nhiễm khói bụi nguy hiểm ở siêu đô thị Lahore.
Người dân đi bộ trong làn sương mù dày đặc ở ngoại ô Lahore vào ngày 14/12/2023. Ảnh: AFP.
Người dân đi bộ trong làn sương mù dày đặc ở ngoại ô Lahore vào ngày 14/12/2023. Ảnh: AFP.

Theo Aljazeera, các máy bay được trang bị thiết bị gieo hạt trên đám mây đã bay qua 10 khu vực của thành phố, thường được xếp hạng là một trong những nơi tồi tệ nhất trên toàn cầu về không khí ô nhiễm.

Ông Mohsin Naqvi - người đứng đầu tạm quyền của bang Punjab cho biết, các trang thiết bị trên được cung cấp bởi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). “Hai máy bay UAE đã đến đây khoảng 10 đến 12 ngày trước. Họ dùng 48 quả pháo sáng để tạo mưa”, ông Naqvi cho hay.

UAE ngày càng thường xuyên sử dụng kỹ thuật “gieo hạt mây”, đôi khi được gọi là mưa nhân tạo hoặc bầu trời xanh, để tạo mưa trên vùng đất khô cằn rộng lớn của đất nước.

Hiện công nghệ này đã được triển khai ở hàng chục quốc gia, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Các chuyên gia cho biết ngay cả lượng mưa rất nhỏ cũng có hiệu quả trong việc giảm ô nhiễm.

Theo tập đoàn IQAir của Thụy Sĩ, 24 trong số 30 ngày trong tháng 11 tại Lahore có chất lượng không khí "nguy hiểm" hoặc "rất không tốt cho sức khỏe".

Trong những ngày mùa đông này, tình trạng ô nhiễm không khí tại Pakistan lại trở nên tồi tệ hơn.