Phó giám đốc Sở tư pháp tỉnh Kon Tum cho rằng, "chỉ có vậy mới thực sự thấu hiểu được những khó khăn, vướng mắc, cũng như tâm tư, tình cảm của người dân”.
Đó không chỉ là kinh nghiệm về nghề mà nó luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của anh.
Tình nguyện bỏ phố lên rừng
Theo chia sẻ của anh Thắng, anh vốn là một chàng trai được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Gia đình anh có truyền thống cách mạng, khi các anh, chị của anh đều tham gia kháng chiến. Vì vậy, sau khi học hết THPT dù đất nước đã hòa bình nhưng anh vẫn tình nguyện xin gia nhập quân ngũ.
Sau 4 năm phục vụ trong quân đội, anh Thắng xin giải ngũ với mong muốn về tìm công việc gần nhà để tiện phụng dưỡng cha mẹ.
Tuy vậy, dù đã kinh qua nhiều công việc khác nhau nhưng phần vì không đảm bảo được cuộc sống gia đình, phần vì những công việc đó anh cảm thấy không phù hợp với sở thích của bản thân. Vì vậy, nên gần như anh Thắng chưa tìm được một công việc ưng ý để mình nguyện gắn bó với nó đến hết cuộc đời.
Đang trong lúc bế tắc thì anh nhận được lời động viên của gia đình khuyên nên vào Tây Nguyên cùng 2 người anh chị của mình đang công tác trong đó để tìm một công việc mới. Là một chàng trai đang trong độ tuổi căng tràn nhiệt huyết cống hiến, vì vậy khi vừa nghe đến một vùng đất mới là anh cảm thấy vô cùng có động lực nên sẵn sàng vác balo lên đường. Hành trình bỏ phố lên rừng của chàng trai trẻ cũng bắt đầu từ đây…
Lần đầu đặt chân đến Tây Nguyên đã khiến chàng thanh niên cảm thấy hụt hẫng: “Khi đó, Tây Nguyên còn hoang sơ lắm, người thì thưa thớt chỉ thấy toàn rừng thiêng nước độc. Do chưa quen với khí hậu nên mấy tháng đầu tại vùng đất mới mình bị ốm liệt giường không đi đâu được. Đã có khi cảm thấy chán nản muốn quay về thành phố thế nhưng với ý chí quyết tâm của một người đã được rèn giũa qua môi trường quân đội nên mình đã quyết tâm phải vượt qua mọi khó khăn gian khổ chứ nhất quyết không chịu đầu hàng một cách dễ dàng như vậy…”.
Khi người vừa khỏe lại là anh bắt đầu lần mò đi tìm việc làm và đến đầu năm 1997 thì anh Thắng được nhận vào làm hợp đồng tại Sở tư pháp tỉnh Kon Tum. Sau một thời gian ngắn làm quen anh đã nhận thấy đây chính là công việc phù hợp mà mình đã tìm kiếm bấy lâu. Càng hoạt động lâu trong ngành tư pháp anh càng cảm thấy yêu nghề hơn và tự nguyện sẽ dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho công việc đã chọn. Với sự năng nổ, nhiệt huyết trong công việc nên hầu như mọi nhiệm vụ được giao anh Thắng đều hoàn thành rất xuất sắc.
Trong suốt hơn 20 năm làm công tác tư pháp, kinh qua nhiều cương vị khác nhau anh Trần Minh Thắng đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ tư pháp cũng như Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum. Năm 2014, anh Thắng chính thức được bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc Sở tư pháp tỉnh Kon Tum.
Những trải nghiệm khó quên
Dù hiện nay, khi đã đảm đương trách nhiệm quản lý ở tầm vĩ mô thế nhưng anh Thắng vẫn luôn tâm đắc một điều đó là “ Muốn làm tốt công tác tư pháp thì bản thân mình phải hòa mình với cuộc sống của nhân dân, để thấu hiểu những khó khăn, tâm tư, tình cảm của họ. Từ đó, mới có được những phương án thích hợp nhất để tuyên truyền, phổ biến giúp người dân hiểu và thực thi theo pháp luật…”.
Đó không chỉ là kinh nghiệm của bản thân mà nó chính là kim chỉ nam giúp anh Thắng luôn vượt qua mọi khó khăn thách thức để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Bản thân anh Thắng cũng từng trải qua 8 năm liền ròng rã sống và làm việc với hàng ngàn đồng bào dân tộc thiểu số.
Đó là vào năm 2004, anh cùng một số anh em khác tại Sở Tư pháp nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh về việc giải quyết về vấn đề quốc tịch cho 1.066 cư dân nhập cư chưa có quốc tịch dọc biên giới Việt - Lào thuộc 2 huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei thuộc tỉnh Kon Tum. Khi vừa nghe nhiệm vụ hầu hết mọi người trong đoàn đều cảm thấy hoang mang và nhận thấy đó là một nhiệm vụ gần như không thể hoàn thành trong một sớm một chiều được.
Thứ nhất vì, địa bàn cư ngụ của những người dân này rất rộng lớn, địa hình bị chia cắt mạnh, vô cùng hiểm trở, nên việc đi lại đã là chuyện rất khó khăn có khi phải mất cả nửa tháng trời. Thứ hai là những cư dân này tất cả đều là người đồng bào nên có sự bất đồng về ngôn ngữ, họ lại ở rải rác ở trong rừng, trong rẫy nên để gom được mọi người lại gần như là việc không thể. Dù biết, nhiệm vụ trước mắt là vô cùng khó khăn nhưng với ý chí quyết tâm, cùng sự kiên trì anh Thắng cùng các đồng nghiệp đã không quản vất vả “cuốc bộ” đến từng bản làng có người nhập cư để làm công tác tuyên truyền, cũng như làm thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho họ.
“Ngày nắng thì còn đỡ chứ vào mùa mưa thì nỗi khổ cực của việc đi lại không có gì tả nổi. Xe máy không thể đi đến được các bản làng nên cách duy nhất để tiếp cận người dân là “đi xe của bộ” (Anh cười rồi giải thích: Anh em hay đùa nhau cho vui vậy chứ là đi bộ đó - PV). Vì việc đi lại khó khăn nên mỗi lần đi chúng tôi đều phải ở lại ăn ở cùng người dân từ 20 đến 30 ngày mới trở về…”.
Anh Thắng nhớ lại những ngày đầu gian nan của công việc. Theo anh Thắng thì lên được với bản làng đã khó thì việc tiếp xúc, vận động người dân tập hợp để làm hồ sơ nhập quốc tịch cho họ còn khó khăn gấp ngàn lần. Trong lúc bế tắc nhất thì trong đầu đã nảy ra một ý tưởng đó là sẽ tập hợp tất cả những già làng, trưởng bản hay những người có uy tín để vận động, tuyên truyền rồi nhờ họ kêu gọi người dân tự nguyện đến làm hồ sơ nhập tịch.
Nghĩ là làm, anh Thắng đã cùng các đồng nghiệp tự bỏ tiền túi ra để mua quà, mì tôm…đem tặng những già làng, trưởng bản để họ có hảo cảm với mình. Tiếp đó, lần nào lên ở cùng bà con anh Thắng cũng tổ chức những buổi diễn văn nghệ, hát những bài hát về cách mạng, về Bác Hồ để khích lệ lòng yêu nước, sự tự nguyện của người dân. Bản thân anh cũng không ngờ là những phương pháp đó lại hiệu quả đến bất ngờ.
“Người đồng bào có thể bàng quan trước mọi thay đổi của xã hội thế nhưng mỗi khi nghe mình hát về cách mạng, hay nhắc đến Bác Hồ là họ hào hứng lắm. Họ nói mình là con cháu Bác Hồ giống cán bộ nên cán bộ muốn mình làm gì theo đường lối của Đảng, của Bác là mình tình nguyện làm theo thôi à. Mình không biết chữ thì cán bộ cho mình lăn dấu vân tay cũng được nhé…”. Cũng nhờ vậy mà, sau 8 năm vất vả đã có những lúc cảm thấy chán nản, có những đồng nghiệp đã muốn bỏ về thì cuối cùng mọi người đã cùng nhau vượt qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Giờ đây, mỗi dịp có lần trở lại khu vực đã có thời gian dài gắn bó thấy cuộc sống của người dân nơi đây ngày một thay da đổi thịt thì anh Thắng mừng đến rơi nước mắt. Vì anh biết rằng chỉ sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam những người dân nơi đây mới chính thức được hưởng những chế độ, chính sách như bao người Việt khác về: y tế, giáo dục, đường xá… Đó là cơ sở để họ có thể an cư và phát triển kinh tế.