Gương sáng Pháp luật

PGS. TS Trần Đắc Phu: Những bước chân lặng thầm…!

(PLVN) - Việt Nam đã khống chế thành công rất nhiều dịch bệnh. Nhưng phải đến “bão dịch” COVID-19, nỗi vất vả, sự mất mát, hy sinh của những chiến sĩ áo trắng nói chung và “đội quân” y tế dự phòng nói riêng mới được nhiều người biết tới. Và những sẻ chia của “cựu chiến binh” phòng dịch – PGS. TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế càng khiến chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa công việc mà ông và các đồng nghiệp của mình đã gắn bó bấy lâu nay!
PGS. TS Trần Đắc Phu.
PGS. TS Trần Đắc Phu.

Bác sĩ của cộng đồng!

Trong buổi trò chuyện đầy cởi mở với phóng viên Pháp luật Việt Nam, PGS. TS Trần Đắc Phu bộc bạch, thời của ông, sinh viên y khoa ra trường chỉ thích vào các chuyên khoa “hot” lâm sàng như Nội, Ngoại, Sản, Nhi…, chứ không mấy ai muốn làm y tế dự phòng (YTDP) vì công việc này vừa vất vả, lại không có “uy” của người làm nghề y.

Bác sĩ (BS) YTDP ngoài chống dịch còn đi vận động người dân xây dựng nhà tắm, giếng nước, nhà vệ sinh… nên thường được gọi vui là BS “phân - nước - rác”. Cũng vì lý do này, rất nhiều cán bộ YTDP sau một thời gian tham gia phòng dịch đã chuyển sang công việc khác khi có cơ hội…

Sau mấy chục năm gắn bó với công tác này, “cựu chiến binh” YTDP đúc kết: Muốn làm tốt YTDP trước hết phải yêu nghề, đam mê với công việc của mình. Thứ hai phải chịu khó học hỏi, lăn lộn với cộng đồng. Bên cạnh đó phải rất nhanh nhạy và có đầu óc quan sát, trước hết là quan sát dịch tễ.

TS Trần Đắc Phu vẫn thường nói đùa: “Con muỗi bay qua phải biết ngay đó là muỗi đực hay muỗi cái”. Thật vậy, nhiều bệnh do con muỗi truyền, nhưng muỗi truyền sốt xuất huyết chỉ đẻ ở các dụng cụ chứa nước trong, thậm chí ở lọ hoa trên bàn thờ… và chỉ đốt ban ngày, nên thường được gọi là “muỗi nhà vua”, nhưng muỗi truyền bệnh viêm não Nhật bản B lại ở chuồng trâu, bò tối mới bay vào đốt người… và vì đặc tính sinh học khác nhau mà có biện pháp phun, diệt khác nhau. Hiện nay bệnh Viêm não Nhật Bản đã có vắc xin thì tiêm phòng lại đặt lên hàng đầu…

Thầy thuốc Nhân dân – PGS. TS Trần Đắc Phu; Nguyên Cục trưởng Cục YTDP (Bộ Y tế) đã có hơn 40 năm công tác trong lĩnh vực YTDP. Ông chính là “tác giả” ý tưởng của thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập đông người - Khai báo y tế, hướng dẫn người dân thực hiện dự phòng cá nhân phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Đặc biệt, người làm YTDP cần phải có một kiến thức rất toàn diện (không chỉ hiểu sâu kiến thức về y học dự phòng mà còn phải có kiến thức về lâm sàng, phải sâu sắc về lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, đồng thời còn phải am hiểu nhiều lĩnh vực khác như côn trùng học, môi trường tự nhiên, lao động, khí hậu… và các kiến thức liên quan tới cộng đồng, xã hội…).

Về lâm sàng: Cùng là ban xuất huyết thấy ở trên da nhưng anh phải phân biệt được thế nào là sởi, SXH, thế nào là viêm màng não do não mô cầu...; Sởi thì lây theo đường hô hấp (như COVID-19), nhưng SXH lại lây qua muỗi đốt. Cũng là bệnh lây theo đường tiêu hoá nhưng tả lại không đau bụng, mà “miệng nôn, trôn tháo” (đi ngoài như nước vo gạo) nhưng lỵ lại đau bụng rất nhiều (đau quặn), đi ngoài ra máu…

Nếu không có kiến thức về lâm sàng, khi làm cũng không có xét nghiệm để củng cố rất dễ chẩn đoán sai. Mà chẩn đoán sai thì triển khai toàn bộ các biện pháp phòng bệnh sai. Thực tế do làm tốt công tác tiêm chủng mà hiện nay bệnh bạch hầu gần như không có tại nước ta, nhưng vừa rồi xuất hiện ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên nhưng có BS lại chẩn đoán là viêm amidan, thậm chí “gán” cho nó cái tên “cổ bạnh” dẫn tới cấp cứu, điều trị không kịp thời, bệnh nhân tử vong và nguy hiểm hơn cả là không tiến hành can thiệp ổ dịch tại cộng đồng như cách ly người bệnh, tiêm chủng thì dịch sẽ bùng lên…

PGS.TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Bên cạnh các kỹ năng trên, cán bộ YTDP còn phải có kiến thức về xã hội học, kiến thức này phải học hàng ngày từ cộng đồng và chính là những kỹ năng mềm nhưng lại là rất quan trọng. Bởi theo ông: “YTDP “điều trị” không chỉ cho một cá nhân, mà cho cả cộng đồng. Để dự phòng và điều trị tận gốc căn bệnh này phải xuống cơ sở, phải làm việc với chính quyền địa phương trước khi làm việc với y tế nên rất phức tạp và mất nhiều thời gian, đòi hỏi người làm YTDP phải rất yêu nghề và kiên trì cũng như có kỹ năng, giao tiếp tốt.

Ngoài ra, cán bộ YTDP cũng phải am hiểu kiến thức về môi trường sống để phục vụ cho công tác điều tra dịch tễ. Và phải chịu thương, chịu khó, gần dân, hiểu dân, gắn bó với công việc, nếu không sẽ không thể làm tốt công việc của mình, thậm chí bỏ nghề...”.

Những chiến công thầm lặng

GS.TS. Trần Đắc Phu cho biết: Công tác YTDP trước kia vô cùng gian nan. Thực tế, hiệu quả phòng bệnh phụ thuộc vào xét nghiệm nhưng phương tiện thô sơ, lạc hậu, cơ sở vật chất thiếu thốn nên các cán bộ, chuyên gia dịch tễ rất vất vả. Để xét nghiệm tìm ra bệnh bạch hầu, ông và các đồng nghiệp của mình phải lấy tăm tre vót nhọn xong quấn bông làm dụng cụ ngoáy họng chứ không phải có que lấy mẫu đồng bộ như ngoáy họng xét nghiệm SARS-CoV-2 như hiện nay. Vì thiếu thốn phương tiện xét nghiệm nên chẩn đoán dịch chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Mặt khác, dân trí người dân thời đó chưa cao nên các cán bộ YTDP phải mất rất nhiều công sức để xuống cơ sở vận động người dân đi tiêm chủng, giám sát dịch tễ, tuyên truyền và hướng dẫn người dân lối sống hợp vệ sinh…

Theo bước chân các BS cộng đồng, kỷ niệm cứ đầy vơi theo năm tháng. Niềm vui cũng nhiều nhưng nỗi buồn cũng không hề ít. Bản thân ông đã từng chứng kiến những hy sinh, mất mát của những đồng nghiệp. Có trường hợp bộ đội buổi sáng vẫn đánh bóng chuyền với anh em trong đơn vị nhưng chiều đã lên cơ sốt rét ác tính và tử vong. Có khi đi vận động bà con tiêm chủng, không những họ không nghe mà còn nhiếc móc cán bộ YTDP “ăn” thuốc, vắc xin của dân… Rồi những hôm lặn lội vào tận rừng sâu bắt muỗi về thí nghiệm gặp mưa phải nghỉ lại giữa rừng không đêm hôm rét buốt, có cán bộ YTDP phải làm mồi cho muỗi đốt…

“Công việc của cán bộ YTDP là hết sức thầm lặng. Nhưng ai đã và đang làm trong hệ thống này hãy vững tin vào những thành quả của mình, không bỏ cuộc, phải coi đó là cái duyên, cái nghiệp của mình…”.

Một sự kiện rất đau lòng nhưng lại là bài học vô cùng lớn đó là vụ dịch sởi xảy ra ở Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2014 - 2015 với hàng trăm trẻ mắc, một số chuyên gia y tế cho rằng sởi đã biến chủng nhưng thực tế đó là do hậu quả của việc nhiễm khuẩn chéo trong BV khiến hơn trăm trẻ tử vong. Chỉ sau khi giãn cách bệnh nhân, triển khai biện pháp chống nhiễm khuẩn mới hạn chế lây lan, tử vong.

Vì lẽ đó: “Trước mỗi vụ dịch, chúng tôi luôn phải tìm tòi, đặt câu hỏi: Vấn đề này như thế nào? Giải quyết ra sao? Và phải nghiên cứu, xem xét trả lời bằng được câu hỏi đó!”.

lPGS. TS. Trần Đắc Phu (khi là Cục trưởng Cục Y tế dự phòng) thực nghiệm, kích hoạt đường dây nóng tự động ghi nhận thông tin dịch bệnh 18009014.

lPGS. TS. Trần Đắc Phu (khi là Cục trưởng Cục Y tế dự phòng) thực nghiệm, kích hoạt đường dây nóng tự động ghi nhận thông tin dịch bệnh 18009014.

Cũng theo ông: “Cán bộ YTDP phải tôn trọng thực tế và cần phải có cách nhìn khoa học, khách quan thì mới tìm ra bản chất của sự việc. Từ tìm ra bản chất thì mới đưa ra quyết sách đáp ứng quyết sách đúng mà quyết sách sai thì ảnh hưởng tới cộng đồng chứ không phải chỉ là một cá nhân người bệnh!”…

PGS.TS. Trần Đắc Phu cũng chia sẻ: “Vất vả, thiếu thốn nhưng những ai trụ được với nghề là những người có tâm huyết, gắn bó với nghề hơn bao giờ hết, họ đang là những người truyền kinh nghiệm chuyên môn, nhiệt huyết cho các cán bộ YTDP sau này!”.

YTDP cũng như ngành Y tế Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng cũng đã đạt rất nhiều thành tựu góp phần quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được đẩy lùi như: Thanh toán đậu mùa vào thập kỷ 80; Bại liệt (năm 2000); SARS (2003); Cúm A (H5N1) (2005), Cúm A(H1N1) (2009)… Ngoài ra, “đội quân” YTDP cũng giải quyết có hiệu quả bệnh tật liên quan tới môi trường tự nhiên, môi trường lao động, cải thiện tập quán lối sống, cải thiện sức khoẻ người dân.

Đối với dịch bệnh COVID-19, trong giai đoạn đầu dịch bệnh xuất hiện, Việt Nam đã làm rất tốt nhờ áp dụng chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn kiên cường chiến đấu với đại dịch, trong đó có sự đóng góp không hề nhỏ của các cán bộ YTDP. Họ luôn bám trụ, có mặt ở các điểm nóng dịch bệnh, lăn lộn giám sát, lấy mẫu, làm xét nghiệm, điều tra xử lý ổ dịch. Không ít trong số đó đã bị nhiễm bệnh, thậm chí hy sinh… Tuy nhiên, nếu dự phòng tốt thì sẽ không có nhiều người bị mắc bệnh, giảm tải cho cơ sở y tế. Trên thực tế vừa qua chống dịch COVID-19 cho thấy khi dự phòng mà không trụ được thì điều trị cũng vỡ trận và gây tổn thất rất lớn về người và của…

PGS.TS. Trần Đắc Phu chia sẻ: Nhiệm vụ YTDP trong thời gian tới rất nặng nề. Sau thời đại dịch COVID-19 chúng ta cũng sẽ phải đối đầu với đại dịch khác vì các bệnh dịch bây giờ đều mang tính toàn cầu. “Dịch từ quốc gia xa xôi nhất có thể đến Việt Nam và ngược lại chỉ trong 24 giờ. YTDP không chỉ phòng chống dịch mà bao gồm phòng chống các yếu tố nguy cơ, các bệnh không rõ nguyên nhân, các bệnh truyền nhiễm và cả các bệnh không lây nhiễm. Phòng bệnh hãy đi trước một bước, đừng để dịch bùng nổ. Nếu chúng ta phòng được nguy cơ, phòng dịch khi dịch còn nhỏ thì dù bệnh tật có xảy ra cũng ở một mức độ nào đó không thể bùng phát mạnh được!”.

Để tăng cường cho lĩnh vực này, TS Trần Đắc Phu mong muốn: Nhà nước chú trọng, quan tâm đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực YTDP; Cần có chiến lược đáp ứng với bệnh truyền nhiễm mới nổi và đại dịch để khi dịch xảy ra không bị động; Người lãnh đạo địa phương cần có cái nhìn khoa học về sự cần thiết để có đầu tư đầy đủ cho YTDP; Đầu tư YTDP cần được bình đẳng với các lĩnh vực khác của ngành y tế tại địa phương; YTDP cần tiếp cận toàn diện bao gồm: Phòng chống các yếu tố nguy cơ (môi trường, lối sống, nghề nghiệp…); Bệnh không rõ nguyên nhân; Bệnh truyền nhiễm; Bệnh không lây nhiễm… Đặc biệt, Nhà nước cần quan tâm hơn và có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ làm công tác YTDP (mặc dù Nhà nước đã quan tâm nhưng thu nhập rất khó khăn vì không có thu nhập thêm). Cụ thể: Cần có chính sách đào tạo và thu hút nhân lực cho lĩnh vực này; Cán bộ tham gia chống dịch không may bị hy sinh cần được công nhận là liệt sỹ…

Đọc thêm