PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Thuốc lá thế hệ mới 'đe dọa' làm tăng tỷ lệ hút thuốc lá trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, việc xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới trên thị trường hiện nay làm dấy lên mối lo ngại, đe dọa về thành quả phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam suốt thời gian qua và là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nguy cơ tỷ lệ hút thuốc lá gia tăng trở lại.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá trao đổi xung quanh vấn đề này.

Thưa PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được ban hành, trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam bắt đầu hành trình phòng chống tác hại thuốc lá. Xin ông cho biết những kết quả cụ thể của hành trình này trong chặng đường 10 năm thực hiện Luật?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Với sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, sự chỉ đạo của Bộ Y tế và nỗ lực thực hiện Luật PCTH thuốc lá của các Bộ, ngành, địa phương, công tác PCTH thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, giúp giảm tỷ lệ hút thuốc lá, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Trong 10 năm qua, tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới đã giảm từ 42,3% (năm 2020) xuống còn 38,9% (năm 2022). Tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá trong nhóm tuổi từ 13 đến 17 giảm 50%.

Quỹ PCTH của thuốc lá là nguồn lực chính để hỗ trợ tất cả các Bộ, ngành và các tỉnh thành phố trong toàn quốc thực hiện Luật PCTH của thuốc lá. Trong 10 năm qua, Quỹ đã hỗ trợ khoảng 1.300 tỷ cho hơn 100 đơn vị trên toàn quốc triển khai hoạt động PCTH thuốc lá.

Việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tại trường học, cơ quan công sở và trên các phương tiện giao thông công cộng. Tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của các cơ quan công sở việc hút thuốc hầu như không còn. Nhiều sự kiện trong cộng đồng như đám cưới, đám tang... tại nhiều địa phương đã bỏ hoặc giảm hẳn việc mời hút thuốc lá.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức cai nghiện thuốc lá được duy trì và đẩy mạnh. Với sự hỗ trợ của Quỹ, tất cả người dân có nhu cầu cai nghiện thuốc lá đều được tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí và thuận tiện qua 2 tổng đài cai nghiện thuốc lá 1800 - 6606 và 1800-1214. Kết quả điều tra GATS cho thấy, tỷ lệ người dân được CBYT tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế tăng từ 40,5% (năm 2015) lên 72,2% (năm 2020) và tăng lên 90% (năm 2023)...

Mạng lưới cán bộ tham gia hoạt động về PCTH thuốc lá ngày càng lớn mạnh và duy trì trên toàn quốc với trên 20 Bộ, ngành và tổ chức chính trị xã hội. Mạng lưới các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các trường đại học tham gia hoạt động PCTH thuốc lá ngày càng được mở rộng và hoạt động hiệu quả thông qua sự điều phối của Quỹ PCTH thuốc lá.

Trong 10 năm qua, Quỹ đã hỗ trợ 63 tỉnh, thành phố thực hiện nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá tại địa phương và hỗ trợ cho các trường Đại học thực hiện các nghiên cứu liên quan về PCTH thuốc lá; Hỗ trợ xây dựng nội dung và tổ chức đưa giáo dục về tác hại và PCTH thuốc lá vào chương trình giáo dục phù hợp với cấp học; Hỗ trợ chuyển đổi ngành cho người trồng cây thuốc lá…

Những thành tựu trong công tác PCTHTL của Việt Nam được quốc tế ghi nhận. Năm 2018, Việt Nam là một trong các quốc gia, được Quỹ Bloomberg trao giải thưởng toàn cầu vì những nỗ lực trong thực hiện công tác PCTHTL. Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá của Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới, các tổ chức Liên hiệp quốc đánh giá cao, đồng thời cũng là mô hình mà các nước đang phát triển hướng tới để có được nguồn kinh phí bền vững cho việc giảm tỷ lệ hút thuốc.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì những khó khăn đã và đang diễn ra trong quá trìnhthực thi Luật PCTH thuốc lá là gì, thưa ông?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Trong 10 năm thực thi Luật PCTH thuốc lá, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá có nhiều khó khăn. Do đó, dù các cấp ngành, lực lượng chức năng rất nỗ lực kéo giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta nhưng với nam giới trưởng thành, tỷ lệ này vẫn cao, còn tới 42,3% người hút thuốc.

Trên thị trường hiện nay xuất hiện các sản phẩm như: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha được mua bán, quảng cáo nhiều trên mạng xã hội và chủ yếu nhằm vào giới trẻ. Đây là những sản phẩm gây nghiện và có hại cho sức khỏe, nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn thì trong tương lai gần, các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng sẽ nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá thông thường.

Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet. Các sản phẩm này được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.

Nếu chúng ta không tiếp tục thực hiện các biện pháp PCTH thuốc lá mạnh mẽ và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại và làm phá vỡ những nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá thời gian qua.

Một trong những mối quan ngại lớn nhất hiện nay đối với công tác phòng chống tác hại thuốc lá là thuốc lá thế hệ mới. Xin ông cho biết quan điểm của Bộ Y tế hay Quỹ PCTH thuốc lá đối với việc buôn bán, sản xuất, lưu hành và sử dụng thuốc lá thế hệ mới?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, nung nóng rất có hại cho sức khỏe. Việc cho phép thêm thuốc lá mới là đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về Phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá và Luật PCTH của thuốc lá. Cho phép thí điểm kinh doanh thuốc lá điện tử, nung nóng có thể tạo kẽ hở trong quản lý do việc phối trộn các chất gây nghiện khác vào trong sản phẩm thuốc lá rất khó kiểm soát.

Bộ Y tế cũng đang đề xuất với Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết về việc cấm sử dụng và kinh doanh các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam.

Tiếp nối 10 năm thực hiện Phòng chống tác hại của thuốc lá, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về PCTH của thuốc lá đến năm 2030. Vậy, Bộ Y tế và Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá đề ra những chủ trương, hành động như thế nào để thực hiện Chiến lược mới, thưa ông?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Với mục tiêu chung của Chiến lược là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra tại nước ta. Cụ thể, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% và ở nữ giới từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%.

Để đạt được các mục tiêu đó, Chiến lược đã đưa ra các nhóm giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ, trong đó có một số giải pháp quan trọng như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; Tăng cường và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Kiện toàn, nâng cao năng lực mạng lưới về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên; Có chính sách tăng thuế mạnh mẽ với các sản phẩm thuốc lá.

Để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá nhằm ngăn ngừa bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra, đặc biệt ngăn ngừa thanh thiếu niên sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, trong thời gian tới Quỹ PCTH thuốc lá sẽ tiếp tục hỗ trợ các các Bộ ngành, các tỉnh thành phố theo các nhiệm vụ được giao trong Luật PCTH thuốc lá và phù hợp với các giải pháp của Chiến lược.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của hút thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; Tăng cường ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các nơi có quy định cấm theo Luật; Nhân rộng các mô hình môi trường không khói thuốc; tăng cường tư vấn cai nghiện thuốc lá...

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đọc thêm