PGS.TS.ĐS Nguyễn Hồng Thao: Hết mình vì sự phát triển, tiến bộ của luật pháp quốc tế

(PLVN) -  Là người Việt Nam đầu tiên trúng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc, PGS.TS.ĐS Nguyễn Hồng Thao luôn bảo vệ một cách tốt nhất lợi ích của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đồng thời thúc đẩy phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế. Nhân dịp Xuân về, báo Pháp luật Việt Nam có cuộc trao đổi với ông về các vấn đề này.

Vai trò các nước đang phát triển ngày càng quan trọng

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của luật pháp trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế?

- Khi thế giới đang phát triển, có nhiều thách thức mới nảy sinh, không chỉ là các thách thức an ninh truyền thống như xâm lược, vũ trang mà còn có cả các thách thức mới phi truyền thông như khủng bố đại dịch, di cư, vấn đề biến đổi khí hậu… Điều này càng chứng tỏ vai trò của luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, hiện nay, trên thế giới, bối cảnh chính trị hết sức phức tạp, có sự đan xen cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc. Trong đó, vai trò của các nước nhỏ, các nước đang phát triển đang ngày càng mạnh mẽ lên. Ví dụ như sự tham gia là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc của Việt Nam trong hai nhiệm kỳ vừa qua. Các nước lớn không thể một mình xây dựng một trật tự mà không có tiếng nói, không có sự tranh thủ các nước đang phát triển. Ở đây, vừa có sự cạnh tranh, vừa có sự vận động hết sức mạnh mẽ.

Điểm thứ ba là, chúng ta đang ở giai đoạn quá độ, trật tự pháp lý thế giới cũ đang tồn tại trong khi yêu cầu xây dựng trật tự pháp lý mới đang thành hình. Chúng ta thấy rằng, trong xu thế đó của luật quốc tế, chúng ta phải tôn trọng lợi ích quốc gia nhưng phù hợp với luật quốc tế, không thể lấy lý do luật quốc gia để phủ nhận luật quốc tế. Cũng không thể lấy luật quốc tế do một số quốc gia khác chi phối để gây sức ép, làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Cái khó khăn nhất ở đây là phải xác định lợi ích quốc gia, dân tộc phù hợp với xu thế chung của thời đại, xu thế phát triển của luật quốc tế vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc, là xu thế tôn trọng luật quốc tế, tôn trọng trật tự dựa trên luật lệ.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao

Luôn tích cực, chủ động đi vào những vấn đề mới

Là người có nhiều kinh nghiệm về luật pháp quốc tế, ông nhận định ra sao về tính tương thích, phù hợp của hệ thống luật pháp Việt Nam với các chuẩn mực quốc tế?

- Hệ thống luật của Việt Nam ngày càng trở nên tương thích với luật quốc tế. Theo thời gian, chúng ta đã dần tham gia vào các diễn đàn, các công ước quốc tế chủ chốt trong tất cả các lĩnh vực, từ hòa bình, an ninh, môi trường, biến đổi khí hậu, chinh phục vũ trụ…

Chúng ta tham gia hầu hết các lĩnh vực và đều có tiếng nói nhất định. Luật pháp Việt Nam hiện cũng đã xác định tính ưu tiên của luật quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp, xung đột giữa các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và tham gia với luật quốc gia, với điều kiện là các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và tham gia phù hợp với Hiến pháp của Việt Nam. Điều này sẽ tác động rất nhiều đến vấn đề thực thi pháp luật tại Việt Nam.

Cùng với đó, chúng ta cũng dần chấp nhận xu thế chung là một phần áp dụng trực tiếp luật pháp quốc tế vào Việt Nam. Tất nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng thúc đẩy việc nội luật hóa, diễn giải những khó hiểu của luật quốc tế vào luật quốc gia để nhân dân và các lực lượng thi hành thực hiện tốt. Tôi cho rằng, càng hội nhập, hệ thống pháp luật Việt Nam càng tương thích với hệ thống pháp luật quốc tế.

Điều này là yếu tố cần và đủ cho Việt Nam khi chúng ta tham gia vào Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Bởi, chúng ta phải hiểu rõ luật quốc tế thì mới giải quyết được các tranh chấp như tranh chấp về bảo trợ giá, thuế…, nếu chúng ta không nắm được pháp luật quốc tế thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất thua thiệt trên trường quốc tế. Do đó, việc nâng cao nhận thức và kiến thức về luật quốc tế là nhu cầu bức thiết.

Phó Tổng Biên tập Thường trực báo Pháp luật Việt Nam Trần Đức Vinh chúc mừng ĐS Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử ILC.

Phó Tổng Biên tập Thường trực báo Pháp luật Việt Nam Trần Đức Vinh chúc mừng ĐS Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử ILC.

Như Đại sứ (ĐS) có chia sẻ, công việc tại Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc (ILC) mà ông vừa tái đắc cử mang tính cá nhân. Vậy, ĐS làm thế nào để cân bằng giữa lợi ích quốc gia, dân tộc và tuân thủ các quy định trong quá trình làm việc tại Ủy ban. Phương châm của ĐS trong quá trình này là gì, thưa ông?

- Như chúng ta đã biết, ILC có 34 thành viên, được bầu cử trên tiêu chí có thẩm quyền, năng lực về luật quốc tế được thừa nhận và tiêu chí phân bổ về mặt địa lý để phản ánh sự bình đẳng giữa tất cả các trường phái, học thuyết về luật quốc tế trên thế giới. Các thành viên của ILC hoạt động theo nguyên tắc năng lực cá nhân, khách quan, vô tư, không chịu sự chỉ đạo, chỉ dẫn của bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc gia mà mình mang quốc tịch. Tuy nhiên, các thành viên được các nước trong khu vực bầu ra, do đó sẽ phải phản ánh, bảo vệ được quan điểm của khu vực mình, giải quyết được vấn đề của khu vực mình phù hợp với luật quốc tế. Đây vừa là thuận lợi cũng là khó khăn của các thành viên ILC.

Để giải quyết các vấn đề này, tôi luôn tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận, các phiên họp, tham gia soạn thảo các dự thảo các quy định, công ước, luật quốc tế về một vấn đề mới nào đó, bổ sung nhiều thực tiễn của các nước trong khu vực, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Ví dụ, khi tham gia vào vấn đề bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang, nước ta cũng là một nước bị ảnh hưởng của chiến tranh, chất độc da cam, do đó chúng ta sẽ phải cân bằng vấn đề bồi thường thiệt hại vật chất hay phi vật chất, hợp tác để cùng tẩy rửa sân bay Biên Hòa và sân bay Đà Nẵng. Bằng việc đưa các vấn đề này vào trong báo cáo của ILC, chúng ta biến một vấn đề của Việt Nam mang tính chất đại diện cho khu vực, đại diện cho các nước đang phát triển nên họ rất dễ dàng chấp nhận. Vì vậy mà trong cuộc bầu cử ILC lần thứ hai, các nước đang phát triển đánh giá rất cao và ủng hộ chúng ta.

Phương châm của tôi là khi đã hoạt động trong ILC, tôi xác định luôn tích cực, chủ động đi vào những vấn đề mới, những thách thức mới của thế giới, bảo vệ một cách tốt nhất lợi ích của các nước đang phát triển, thúc đẩy phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế.

“Việc tái đắc cử vào ILC đã khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 2021 cũng là năm thắng lợi của ngoại giao đa phương của Việt Nam. Chúng ta đã hoàn thành trọng trách hai năm là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, đã trúng cử vào Ủy ban Luật Thương mại quốc tế và đã ký được thỏa thuận để triển khai trụ sở của Tòa trọng tài thường trực tại Việt Nam.

Cuộc bầu cử thành công tại ILC lần này khẳng định vị thế của Việt Nam đang lên rất mạnh trong con mắt bạn bè quốc tế, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ nắm bắt được cơ hội này để đóng góp nhiều hơn nữa cho việc pháp điển hóa và phát triển tiến bộ của luật quốc tế” - Đại sứ Nguyễn Hồng Thao.

Đọc thêm