“Phá sản” mục tiêu 25% lao động có bằng cấp, chứng chỉ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới chỉ đạt 24,5%, chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là 25% vào năm 2020.
Tình trạng thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 15-45 thường xuyên ở mức cao. (Hình minh họa).
Tình trạng thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 15-45 thường xuyên ở mức cao. (Hình minh họa).

Hôm nay - 26/4, CIEM tổ chức Hội thảo Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Thị Xuân Quỳnh - Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM) - cho biết, thị trường lao động Việt Nam nhìn chung vẫn là một thị trường dư thừa lao động; chất lượng việc làm chưa cao; phát triển không đồng đều, mất cân đối nghiêm trọng về cung-cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế. 

Theo báo cáo của CIEM, lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu; lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5% năm 2020, cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Các định chế trung gian, chính sách an sinh và bảo hiểm của thị trường lao động còn yếu, độ bao phủ thấp, chưa đạt hiệu quả cao. 

“Việt Nam chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là 25% vào năm 2020. Trong đào tạo còn thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành. Vì thế, kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4, chỉ cao hơn Indonesia và Lào” - bà Quỳnh nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, thị trường lao động của Việt Nam đang có dấu hiệu già hóa lao động. Lực lượng lao động tại Việt Nam ngày một già hóa với lao động cao tuổi tăng mạnh, lao động trẻ giảm và không đủ thay thế lực lượng lao động đang già hóa. Năm 2019 tuổi bình quân là 41 tuổi, tuổi trung vị là 40 tuổi.

Trong khi đó, tình trạng thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 15-45 thường xuyên ở mức cao. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi này năm 2019 chiếm 6,51%, chiếm 38,7% tổng số người thất nghiệp.

Chức năng dịch chuyển lao động theo tín hiệu thị trường chưa rõ ràng. Lao động phân bổ không đều, còn bất hợp lý giữa các vùng: Các vùng đất rộng có tỷ trọng lao động thấp (vùng Trung du miền núi phía Bắc chỉ chiếm 13,87%, Tây Nguyên chiếm 6,25% lực lựng lao động).

Theo bà Quỳnh, nguyên nhân dẫn tới hạn chế thị trường lao động Việt Nam là sự thiếu đồng bộ, triển khai chậm: sắp xếp mạng lưới trường lớp chưa đi cùng với hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường lớp; xác định các ngành nghề trọng điểm nhưng chưa có chính sách gắn kết giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp; Cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục chưa đi cùng với tự chủ về con người, thiếu nguồn lực để thực hiện; Thiếu khung pháp lý, chế tài xử lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp…

Các trung tâm dịch vụ việc làm công lập thiếu năng động, nặng tính hành chính, phục vụ chủ yếu đối tượng bảo hiểm thất nghiệp trong khu vực chính thức mà chưa có sự kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm tư nhân. Theo báo cáo, hơn một nửa hoạt động tìm kiếm việc làm thực hiện qua những con đường phi chính thức, như bạn bè, người thân; 2 - 3% tìm qua trang web.

Với thực tế trên, rất khó khăn nếu Việt Nam muốn tái cơ cấu kinh tế, chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng các yếu tố đầu vào sản xuất sang tăng trưởng trưởng dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo đó, CIEM kiến nghị cần phát triển thị trường lao động gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng các yếu tố đầu vào sản xuất sang tăng trưởng trưởng dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thúc đẩy sự tham gia của khu vực doanh nghiệp vào quá trình đào tạo và đào tạo lại lao động trong đó. Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động lớn tuổi; hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng yếu thế, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của tái cấu trúc kinh tế, hội nhập, ứng dụng/chuyển giao công nghệ mới và tác động của dịnh bệnh.

Đặc biệt, cần có chính sách tiền lương gắn với năng lực, hiệu quả lao động để khuyến khích lao động, xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá thực hiện công việc (KPI) cho từng vị trí việc làm…

Đọc thêm