Nước bẩn, giá cao, dân phản đối gay gắt
Tháng 7/2014 Ban quản lý chung cư CT2A, khu đô thị Tân Tây Đô (xã Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội) bắt đầu thu tiền phí dịch vụ và điện, nước từ các hộ dân.
Theo ông Nguyễn Xuân Chinh, Phó ban thường trực cư dân CT2A, dù giá nước sinh hoạt cư dân phải đóng không hề rẻ (7.300 đồng/m3), nhưng hàng nghìn người mỗi ngày vẫn phải dùng nước vẩn đục như nước giếng khoan và nhiễm khuẩn trầm trọng.
Sau khi sử dụng làm nước tắm khiến người nổi mẩn phải dùng thuốc trị ngứa, ghẻ thường xuyên, trẻ con đau mắt, mỗi hộ dân phải tự trang bị máy lọc nước và mua nước khoáng đóng bình sử dụng, thậm chí phải gửi con đi tắm ở những nơi khác.
Nhiều người bị lở loét sau khi tắm bằng nước tại chung cư Tân Tây Đô. (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Một người dân sinh sống tại tòa nhà CT2A cũng cho biết, việc mua nước từ ban quản lý, người dân không được nhận hóa đơn từ công ty cung cấp nước, Công ty CPXD&TMDV Tuấn Quỳnh mà nhận hóa đơn từ ban quản lý tòa nhà dẫn đến sự không minh bạch về số nước hàng tháng gia đình anh phải trả.
Đồng thời, các hộ dân tại CT2A cũng phản ánh, cư dân phải trả mức phí dịch vụ 4.000 đồng/m2 trong khi chất lượng không tương xứng. Vì tại chung cư không có thẻ từ cho thang máy dẫn đến tình trạng an ninh không đảm bảo, trộm cướp vào phá cửa căn hộ tầng 19, nhân viên tiếp thị tự do đi lại trong tòa nhà.
Mặc dù đã trao đổi với ban quản lý, ban quản lý cũng đã hứa khắc phục nhưng thực tế tình trạng còn kém đi. Như việc thay đổi bảo vệ chuyên nghiệp bằng những nhân viên bảo vệ tự phát.
Việc ban quản lý cắt nước của các hộ dân, theo ông Chinh, khi cắt nước ban quản lý đã không thông báo trước và chưa được sự đồng thuận của dân, "ban quản lý đã dùng chế tài áp đặt, gây sức ép để dân phải đóng".
Ngoài ra, ông Chinh cũng cho hay, sau mỗi lần đấu tranh gay gắt của cư dân, nước đỡ đục hơn nhưng hàm lượng asen chưa khắc phục được theo kiểm định gần nhất.
Sáng 18/11 vừa qua, cư dân đã tập trung trước tòa nhà phản đối chủ đầu tư tự ý cắt nước của dân, yêu cầu Công ty Hải Phát cung cấp nước sinh hoạt sạch, giảm phí dịch vụ nhưng thay vì đối thoại với cư dân tại đây và cải thiện tình trạng trên, cách phục vụ thậm chí còn tồi tệ hơn", ông Chính thông tin.
Dân chung cư biểu tình phản đối. |
Ông Chinh cũng cung cấp thông báo của BQL tòa nhà vào ngày 19/11 được dán tại bảng tin yêu cầu các hộ dân chưa đóng phí dịch vụ sau ngàu 5/12/2014 BQL sẽ ngừng cung cấp các dịch vụ mà chủ đầu tư cung cấp.
Nội dung thông báo cũng cho thấy: "Hiện tại đã có 340 hộ đến ở tại tòa nhà CT2A, số hộ đã đóng phí dịch vụ tính đến ngày 18/11/2014 là 280 hộ số còn lại là 60 hộ chưa thực hiện nghĩa vụ đóng phí".
Song ông Chinh cũng phủ nhận con số BQL đưa ra là 60 hộ dân chưa đóng phí dịch vụ. "Họ đã dùng mọi thủ đoạn thậm chí tiểu xảo để đạt được mục đích của chủ đầu tư", ông Chinh bức xúc cho biết.
Ông Chinh cũng cung cấp kết quả thử nghiệm mẫu nước do cư dân gửi đến Phòng phân tích chất lượng môi trường (Viện Công nghệ môi trường) thử nghiệm cho kết quả vào ngày 3/7.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu nước tại chung cư Tân Tây Đô (Ảnh do cư dân cung cấp). |
Trong đó, chỉ tiêu phân tích Coliform cho kết quả 7.100 vi khẩn/100ml nước, E.coli là 11 vi khuẩn/100ml nước trong khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt quy định lần lượt là 50 vi khuẩn, 0 vi khuẩn/ml nước.
Hàm lượng Asen cũng vượt mức cho phép, cụ thể là 0,056 mg/L trong khi Quy chuẩn cho phép là 0,01 mg/L.
Trưởng BQL tòa nhà (thuộc chủ đầu tư) thừa nhận mức giá 7.300 đồng/m3 nước mà cư dân đang phải chi trả là cao. Nhưng để trả lời khúc mắc về giá, chất lượng nước thì phải hỏi Công ty Tuấn Quỳnh - đơn vị cung cấp nước.
Trước đó, tình trạng nước bẩn, hàm lượng Asen cao vượt phép 5 lần đã được người dân khẳng định qua kết luận phân tích mẫu nước của Viện Công nghệ môi trường. Hiện nước đã “trong” hơn, nhưng theo tìm hiểu, hàm lượng Asen trong nước vẫn “còn nguyên”
"Khu đô thị nước độc" ở Thủ đô
Theo phản ánh của những người dân sống tại các tòa nhà, CT1B, CT2A, CT2B chung cư Tân Tây Đô do Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát, Xuân Phương…làm chủ đầu tư, hiện nguồn nước họ đang sử dụng bị nhiễm bẩn trầm trọng. Bà Nguyễn Kim Dung ngụ tại tòa nhà CT2A cho biết, nước máy sinh hoạt có màu vàng lẫn cả cát đen và mùi tanh nồng, không thể sử dụng nếu không qua cây lọc. “Mỗi khi tắm xong là mẩn ngứa, cứ như có bọ cắn”, bà Dung nói. Tương tự một cư dân sống trên tầng 25 tòa nhà CT2A cũng bức xúc: “Nước sinh hoạt gì mà đục như nước ao, cháu bé nhà tôi tắm xong bị ngứa sưng lên phải cho đi khám da liễu”.
Nơi lọc nước từ giếng khoan bơm lên các tòa chung cư. |
Phó ban đại diện lâm thời tòa nhà chung cư CT1B cho biết: “Phát hiện nước sinh hoạt có hiện tượng lạ, nhiều hộ dân Tân Tây Đô đã chủ động gửi mẫu đến Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường phân tích. Kết quả gửi về ngày 14/8/2014, cho thấy, hàm lượng asen cao gấp ba lần mức độ cho phép, hàm lượng amoni cao gấp hai lần và clorua cao gấp 6 lần và còn nhiễm khuẩn Coliform”.
Ông Trần Trọng Khánh, Phó Giám đốc điều hành BQL tòa nhà CT1B xác nhận “việc nước sinh hoạt tại các tòa nhà trên bị nhiễm bẩn là có thật”.
Trong khi đó, ông Hùng, Quản lý trạm nước Tân Tây Đô cho biết, ngày 4/10, chủ đầu tư đã họp với đại diện cư dân thống nhất tiến hành kiểm tra mẫu nước lại một lần nữa. Trước mắt để khắc phục tình trạng nước nhiễm độc trạm cho vệ sinh lại cơ sở sản xuất, mở rộng bể phơi trong tháng 10 và khởi công vào ngày 1/11, trong thời gian ba tháng sẽ xử lý xong. Còn về lý do dân phải trả tiền nước sinh hoạt bẩn với giá cao gấp đôi giá nước sạch (7.350 nghìn đồng/m3) thì ông Hùng cũng chỉ ậm ờ bảo “ghi nhận ý kiến phản ánh để trình lên lãnh đạo xử lý”.
Quảng cáo “có cánh”, tiện ích “trên mây”?
Chung cư CT2A Tân Tây Đô hiện đang được chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Hải Phát giới thiệu trên website với những lời "có cánh" là 3 tầng dịch vụ gồm trung tâm thương mại, nhà hàng, hệ thống siêu thị, khu vui chơi giải trí như rạp chiếu phim, sàn khiêu vũ, nhà trẻ, Phòng Gym …
Đồng thời giới thiệu về “Ưu điểm của dự án: Thừa hưởng nhiều tiện ích và dịch vụ đồng bộ và hạ tầng cơ sở vật chất đầy đủ của khu đô thị mới. Tiện ích khu vực đồng bộ, tiện nghi hoàn hảo”
Nhưng thực tế hiện nay khi đã có khoảng 350 hộ dân về sinh sống các tiện ích kể trên đều không có.
Ghi nhận PV, tại tầng 1 của tòa nhà chỉ là những cửa hàng tiện lợi với quy mô nhỏ, không có khu vui chơi cho trẻ em, không có phòng tập thể dục...
Theo một, cư dân sinh sống tại đây cho biết "Chủ đầu tư chỉ đưa ra những tiện ích trên nhằm bán được nhà. Theo tôi được biết, tầng 3 của tòa nhà cũng đã được bán để ở thay vì hoạt động thương mại dịch vụ phục vụ người dân".
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc trên./.