Phải chặt chẽ khi dùng tiền ngân sách đầu tư vào các dự án “khủng”

(PLO) - Câu chuyện doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất và triển khai các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách lớn lên tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng đang làm nóng sự quan tâm của dư luận và nhiều chuyên gia, nhà quản lý. Cùng với nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ thì đã đến lúc phải tính toán hết sức nghiêm túc với các dự án “khủng” do doanh nghiệp này thực hiện…
Dự án Sào Khê
Dự án Sào Khê

Cách đây ít lâu, báo cáo trình bày trước Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã cảnh báo về hiện tượng phê duyệt dự án đầu tư vượt định mức; quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn vốn, thời gian thực hiện dự án; xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, thiếu chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn. Cụ thể là Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình điều chỉnh tăng 36 lần từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng.

Trả lời báo chí sau đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh giải thích nguyên nhân đội vốn do thay đổi về mục tiêu, nhiệm vụ cũng như quy mô của dự án. Dự án có quá trình thực hiện kéo dài rất lâu và trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã có rất nhiều đoàn thanh tra kiểm tra như thanh tra Bộ Tài chính (2005), Thanh tra Chính phủ (2012), Kiểm toán Nhà nước (2017). Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu lãnh đạo tỉnh Ninh Bình có báo cáo chi tiết về quá trình triển khai dự án.Trên cơ sở báo cáo chi tiết đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xem xét có cần thiết phải thanh tra, kiểm tra hay không. Tuy nhiên đến nay, nửa năm đã trôi qua, vẫn chưa thấy Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thông tin mới hay có kết luận về vấn đề này.

Trong khi câu chuyện trên còn dang dở thì mới đây, doanh nghiệp Xuân Trường lại đề xuất làm dự án Khu du lịch tâm linh ở Chùa Hương với tổng đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng. Đề xuất này nhìn dưới góc độ quản lý đầu tư có rất nhiều vấn đề đáng lo ngại. Vây doanh nghiệp có dùng tiền túi hay lại mang tiền thuế của dân ra làm dự án?

Là một người đã từng làm việc với doanh nghiệp Xuân Trường, PGS. TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho biết, trong đề xuất Xuân Trường còn viện dẫn thành công từ mô hình Bái Đính và hiện đang xây dựng khu du lịch Núi Cốc – Thái Nguyên. Dự án Hương Sơn, doanh nghiệp cứ nói lợi ích mang lại kinh tế cho ngân sách 1.000 tỷ/năm nhưng đầu tư tới 15.000 tỷ đồng vậy tiền đầu ra, thu lợi bao nhiêu? Vấn đề kinh tế phải làm rất rõ không thì cuối cùng thì vẫn là tiền ngân sách, tiền của dân mà doanh nghiệp được lợi...

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VIII, IX, X, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho rằng, đất nước chúng ta đang phát triển và hội nhập nên cần nhiều nguồn lực. Nhưng nguồn lực đó phải được phân bổ hợp lý và minh bạch, để mang lại hiệu quả cao, đảm bảo tính nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa. Do vậy, ngoài đầu tư cho hạ tầng chính vì mục tiêu phát triển kinh tế thì phải quan tâm phân bổ nguồn lực cho cộng đồng, đặc biệt là vấn đề giáo dục, y tế vùng sâu, vùng xa, nơi mà đồng bào có rất nhiều công lao trong sự nghiệp kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian qua, ngoài những việc làm được, trong phân bổ ngân sách chúng ta còn dàn trải, trong đó một số lĩnh vực đáng lẽ không cần ưu tiên thì lại được phân bổ ngân sách lớn.

"Những ngày vừa qua tôi có đọc báo và được biết cộng đồng rất bức xúc về một số công trình, dự án mà Doanh nghiệp Xuân Trường đã được chỉ định thầu xây dựng như: Dự án nạo vét Sào Khê (Ninh Bình), Dự án Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Dự án Tam Chúc (Hà Nam)…

Liên quan đến Dự án Hồ Núi Cốc, một chuyên gia đã phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng: Tổng vốn đầu tư dự án Hồ Núi Cốc của Doanh nghiệp Xuân Trường khoảng 16.000 tỷ đồng, nhưng vốn ngân sách dành cho dự án này lên đến 14.000 tỷ đồng. Tôi có tham khảo một vài doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, được biết: Nếu thực sự dự án thực hiện theo cơ chế trên, trong 14.000 tỷ đồng của vốn ngân sách thì doanh nghiệp đã lãi khoảng 3.000 tỷ đồng. Như vậy, không cần bỏ ra một đồng nào nhưng khi thực hiện xong Dự án, doanh nghiệp đã bỏ túi hàng ngàn tỷ đồng. 

Về Dự án Sao Khê thì tôi thấy thật khủng khiếp! Tôi được biết, trong triển khai dự án có thể có phát sinh, nhưng phát sinh từ 72 tỷ đồng lên 2.600 tỷ đồng tức là gấp khoảng 36 lần thì chỉ có Dự án Sào Khê ở Việt Nam. Vấn đề này đã được đại biểu Quốc hội chất vấn nhưng tôi không hiểu sao đến nay vẫn đang “chìm xuồng”? Những nội dung này cần được các cơ quan Đảng, Nhà nước cân nhắc thận trọng, lấy ý kiến của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn để không phạm phải sai lầm.” – Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kiến nghị.

Đọc thêm