Bổ sung 07 dự thảo vào Chương trình năm 2019
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, bên cạnh 3 dự án luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Chính phủ tiếp tục đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2019 đối với 10 dự án luật, dự thảo nghị quyết. Trong đó, Chính phủ đề xuất rút khỏi chương trình với hai dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai (dự kiến trình sau năm 2020).
Đồng thời, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 thông qua tại Kỳ họp thứ 8, sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Chính phủ cũng đề nghị bổ sung 07 dự án, dự thảo vào Chương trình năm 2019 để thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp); thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ); cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng); tiếp tục hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội (Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)); khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng (Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)).
Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, sẽ ưu tiên đề xuất vào chương trình các dự án luật, pháp lệnh nhằm kịp thời triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, 6, 7 và 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII; thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là Hiệp định CPTPP… Trên nguyên tắc này, Chính phủ đề xuất đưa 14 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Khắc phục tình trạng xin lùi, xin rút
Theo Phó Chủ nhiệm UBPL Trần Thị Dung, việc điều chỉnh Chương trình năm 2019 cơ bản không làm ảnh hưởng, thay đổi Chương trình đã được Quốc hội quyết định, chỉ đồng ý đưa ra khỏi Chương trình, lùi thời gian để tiếp tục chuẩn bị đối với những dự án chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ nhưng cơ quan giải trình phải có báo cáo cụ thể với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Toàn cảnh phiên họp. |
Nhiều ý kiến của thành viên UBPL cũng đề nghị cần đánh giá cụ thể, chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua. Các bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo cần nỗ lực hơn nữa để khắc phục tình trạng xin lùi, xin rút khỏi chương trình, nâng cao chất lượng dự án luật trình Quốc hội...
Riêng với dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ việc xin rút khỏi chương trình, giải trình kỹ hơn về việc tại sao xin rút; một số ý kiến đề nghị Chính phủ không nên xin rút, mà chỉ nên lùi thời hạn trình dự án luật này. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ một số ý kiến về những tồn tại, hạn chế trong việc chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh, trách nhiệm đặt ra với các cơ quan liên quan cũng như các vấn đề cụ thể liên quan tới từng dự án luật, pháp lệnh…
Cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của UBPL, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng phiên thảo luận giúp rà soát lại những dự án Luật đã được Quốc hội quyết định điều chỉnh trong năm 2019 và dự kiến 1 số dự án Luật sẽ đưa vào trong năm 2020 để thực hiện được tinh thần thể chế hoá chủ trương đường lối của Đảng, đồng thời xử lý được những vấn đề mà thực tiễn của đời sống kinh tế xã hội đặt ra, tạo động lực để phát triển bền vững lâu dài.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định đánh giá cao việc Chính phủ trình Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đầy đủ và đúng hạn. Ông Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ hơn những hạn chế bất cập, nguyên nhân, trong đó cần chỉ rõ nguyên nhân chủ quan.
Để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian cho công tác chuẩn bị, kiện toàn tổ chức, thay đổi tên gọi, con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập, UBPL đề nghị Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ban hành./.