Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu hình thành chế định luật sư công
Kết luận số 69-KL/TW ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư nêu rõ: “... Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút luật sư tham gia hoạt động tư vấn pháp luật, nhất là hoạt động tư vấn giải quyết tranh chấp quốc tế, phục vụ hội nhập quốc tế; tư vấn chính sách thu hút đầu tư, dự án kinh tế - xã hội ở Trung ương và địa phương”.
Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 7/10/2022 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu về chế định “luật sư công” giữ vai trò đại diện, giúp chính quyền địa phương tham gia các hoạt động tố tụng tại cơ quan tố tụng khi có yêu cầu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Gần đây nhất, ngày 30/4/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp lớn mà Nghị quyết số 66-NQ/TW đã chỉ ra là đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển. Theo đó, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp phù hợp với mục tiêu, định hướng cải cách tư pháp. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ thống dịch vụ pháp lý, hỗ trợ pháp lý, trợ giúp pháp lý, đăng ký biện pháp bảo đảm để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật, quản trị rủi ro pháp lý. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ pháp lý cho khu vực kinh tế tư nhân. Nghiên cứu hình thành chế định luật sư công và cơ chế có điều kiện cho phép viên chức được hành nghề luật sư; bảo đảm việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế...
Cần có cơ chế rõ ràng về tuyển chọn, đào tạo và sử dụng luật sư công
Bàn về chế định luật sư công mà Nghị quyết số 66-NQ/TW đã nêu rõ, Phó Trưởng Văn phòng Luật sư Interla Nguyễn Thị Thơ cho rằng, việc hình thành đội ngũ luật sư công là một nhu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải có một cơ chế thực thi pháp luật công bằng, khách quan và hiệu quả, trong đó vai trò của luật sư công là hết sức quan trọng để bảo vệ lợi ích nhà nước, cộng đồng và các nhóm yếu thế.
Hiện nay, nhiều vụ việc hành chính, tranh chấp quốc tế hay những vấn đề phức tạp liên quan đến tài sản nhà nước, đầu tư công đòi hỏi phải có sự tham gia của các chuyên gia pháp lý am hiểu sâu sắc cả trong nước và quốc tế. Nếu không có đội ngũ luật sư công đủ mạnh, Nhà nước sẽ gặp khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình một cách hiệu quả. Điều này đặc biệt quan trọng trong xu thế gia tăng các vụ kiện hành chính, các tranh chấp đầu tư quốc tế, khi đòi hỏi năng lực đàm phán và tranh tụng ngày càng cao.
Về mặt hiệu quả thực tiễn, mô hình luật sư công giúp Nhà nước sử dụng nguồn lực một cách linh hoạt. Ví dụ như việc thuê luật sư tư để bảo vệ lợi ích công là giải pháp tiết kiệm, hiệu quả và có tính cạnh tranh cao, phù hợp với xu hướng hiện đại hóa bộ máy hành chính.
Tuy nhiên, để phát triển luật sư công, Việt Nam cần có cơ chế rõ ràng về tuyển chọn, đào tạo và sử dụng. Các tiêu chuẩn về năng lực, đạo đức nghề nghiệp và sự độc lập của luật sư công cần được quy định nghiêm ngặt, tránh tình trạng hình thức hoặc chồng chéo giữa các chức danh pháp lý khác nhau trong bộ máy nhà nước.
Nghị quyết số 66-NQ/TW cũng nhấn mạnh nghiên cứu cơ chế có điều kiện cho phép viên chức được hành nghề luật sư. Theo bà Nguyễn Thị Thơ, việc cho phép viên chức nhà nước làm luật sư là vấn đề vừa có tiềm năng phát triển, vừa đặt ra nhiều thách thức. Nếu cho phép viên chức hành nghề luật sư thì phải có quy định chặt chẽ về điều kiện hành nghề, cụ thể như phải tách bạch rõ ràng chức năng công vụ và hoạt động nghề nghiệp tư vấn pháp lý.
Thực tế cho thấy mô hình “chân trong, chân ngoài” - tức một người vừa là công chức/viên chức, vừa hành nghề luật sư - rất dễ dẫn đến xung đột lợi ích và làm suy giảm tính độc lập của hoạt động pháp lý. Một viên chức bị ràng buộc bởi mệnh lệnh hành chính thì khó lòng thực hiện nguyên tắc “độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan” như một luật sư đúng nghĩa.
Theo bà Thơ, cần có quy định cấm hoặc ít nhất là hạn chế rõ ràng đối với các viên chức nhà nước trong việc đồng thời hành nghề luật sư. Trường hợp đặc biệt cần có sự phê chuẩn và kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý nghề luật sư cũng như tổ chức tự quản nghề nghiệp.
Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng, cần có các tiêu chuẩn hành nghề mang tính thống nhất - không phân biệt luật sư tư hay luật sư công. Tất cả đều phải đáp ứng yêu cầu cao về chuyên môn, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp, đặc biệt là trong các vụ việc có yếu tố nhà nước, quyền lợi công hay lợi ích quốc gia.
Bà Thơ cho rằng việc hình thành và phát triển luật sư công là một phần quan trọng trong công cuộc cải cách tư pháp và hiện đại hóa bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, quá trình này cần được thực hiện thận trọng, có định hướng chiến lược và hệ thống pháp luật đồng bộ, đặc biệt là trong việc xử lý mối quan hệ giữa viên chức và nghề luật sư để tránh các hệ lụy tiêu cực trong thực tiễn.