Phải có chế tài nghiêm khắc nếu để xảy ra tình trạng bầu hộ, bầu thay

(PLO) - Tới đây, người dân cả nước sẽ có cơ hội thực hiện một trong những quyền và nghĩa vụ quan trọng của mình khi tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp diễn ra trong năm 2016. Vấn đề được dư luận quan tâm là làm thế nào hạn chế hoặc chấm dứt được tình trạng bầu hộ, bầu thay đang diễn ra trên thực tế. 
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cũng rất trăn trở về thực trạng này. Ông Thảo cho biết:
- Bầu cử là quyền chính trị rất quan trọng của người dân để thực hiện quyền lực nhà nước của mình. Bầu cử cũng đồng thời là nghĩa vụ, tức là người dân có trách nhiệm tham gia vào các hoạt động của Nhà nước. Bầu cử là quyền thì người dân phải thực hiện, nhưng để người dân thực hiện, công việc hàng đầu là công tác tuyên truyển phổ biến giáo dục pháp luật phải được các cơ quan chức năng quan tâm, làm sao để người dân hiểu, tự giác thực hiện quyền đó chứ mình không thể áp đặt. 
Muốn làm được điều đó, cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền. Mục đích đi bầu cử là lựa chọn đúng người, song người dân có biết hết ứng viên đâu mà chọn. Đó là trách nhiệm của công tác tuyên truyền. Phải nghiêm từ tổ chức bầu cử cao nhất đến tổ bầu cử, đơn vị bỏ phiếu thì mới tránh được chuyện hình thức, bệnh thành tích; tuyệt đối không chấp nhận bầu hộ, bầu thay, lên danh sách rồi thì phải đích thân người ấy đi bầu. 
Vậy theo ông, phải có những giải pháp gì để giảm tình trạng bầu hộ, bầu thay?
- Trước hết phải tự giác. Chúng ta nhiều khi không tự giác, mắc bệnh thành tích, đòi hỏi phải có cơ chế giám sát. Nếu phát hiện ra có bầu hộ, bầu thay thì ngoài việc không được thành tích còn phải phạt hành chính. 
Ngoài Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì Quốc hội cũng sắp thông qua Luật Trưng cầu ý dân. Quy trình của trưng cầu ý dân giống hệt như bầu cử, và dự kiến quy định chỉ cần quá 50% cử tri trong danh sách đi tham gia bỏ phiếu là hợp lệ, ý kiến theo phương án nào có trên 50% là được rồi. Trong bầu cử cũng vậy, đừng đặt ra cái gì cũng phải 100%, quá 2/3, như thế sẽ thực chất hơn, tránh hình thức.
Trong các giải pháp hạn chế bầu hộ, bầu thay, ông cho rằng chủ yếu sẽ là nâng cao hiểu biết của người dân hay tăng tính trách nhiệm của cán bộ làm công tác bầu cử, tăng mạnh chế tài? Để xảy ra tình trạng bầu hộ, bầu thay, trách nhiệm giám sát thuộc về cơ quan nào?
- Ở đây là cả hai. Đối với người dân phải tuyên truyền, vận động họ để họ hiểu đúng tầm quan trọng, ý nghĩa của bầu cử, quyền của họ khi tham gia bầu cử và cung cấp đầy đủ thông tin cho họ để họ lựa chọn. Đối với tổ chức thì phải xử lý nghiêm, phải có chế tài. Để hạn chế tình trạng bầu hộ, bầu thay cũng cần nghiên cứu ban hành nghị định hướng dẫn, trong đó quy định cụ thể về chế tài.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng đang có thực tế người dân đi bỏ phiếu bầu trưởng thôn còn hào hứng hơn khi đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Phải chăng cần có cách để các đại biểu gần dân hơn?
- Đúng là có chuyện như vậy, thực ra người nào sát dân, liên quan đến “cơm áo gạo tiền” hàng ngày thì dân sẽ quan tâm hơn. Để khắc phục tình trạng đó, đòi hỏi khi tiếp xúc cử tri, các ứng viên phải gần gũi dân hơn. Vấn đề đặt ra là chương trình hành động phải tương ứng với lợi ích của dân, như dân đang cần sổ đỏ, đất đai và những ứng viên cam kết hành động thì người dân sẽ trực tiếp, quyết tâm đi bầu cho những ứng viên ấy.
Như ông nói, việc này như kiểu vận động bầu cử. Việt Nam có nên xây dựng mô hình tương tự phương Tây là tự bỏ tiền ra để vận động? 
- Ở các nước là vận động tranh cử, ở nước ta thì không phải là vận động tranh cử, chỉ là bầu cử thôi. Ở nước ngoài, người ứng cử kêu gọi bầu cử cho mình, chỉ ra cái xấu của đối phương, ở mình không làm như thế. Quan trọng là sự bình đẳng của các ứng viên, trong điều kiện văn hóa của Việt Nam chưa cho phép thực hiện tranh cử, nếu không thì người có thế mạnh, có chức quyền trúng là chắc rồi, những ứng viên không có tiền, không có điều kiện sẽ nắm phần thua. Công tác bầu cử cơ bản vẫn làm tốt suốt 70 năm qua, có điều cần cải thiện hơn nữa. Trong khâu thông tin, tuyên truyền giới thiệu về các ứng viên cũng cần tốt hơn, giới thiệu rõ hơn để dân hiểu cụ thể về từng ứng viên.
Nhiều người phản ánh là “đại biểu hứa nhiều nhưng thất hứa cũng thật nhiều”. Có phải do chúng ta thiếu cơ chế giám sát, thiếu chế tài? 
- Cơ chế hiện nay quy định mỗi năm ít nhất một lần, đại biểu phải báo cáo trước cử tri nơi bầu ra mình về việc trong một năm qua đã làm được gì theo chương trình đã hứa trước đây. Từng đoàn đại biểu Quốc hội cũng đánh giá, sơ kết hàng năm, chấm điểm từng đại biểu tốt hay không tốt. Chế tài cao nhất không phải phạt tù, phạt tiền mà là ở chỗ lần sau có được tín nhiệm hay không. Như bản thân tôi mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân đến rất đông vì họ theo dõi biết đã giúp dân giải quyết nhiều vụ khiếu nại, thắc mắc, có vụ người dân đi khiếu nại hàng chục lần rồi đến mình đã chuyển đúng chỗ, đúng nơi, giám sát để họ được giải quyết thì họ đến với mình thôi. Đó như là một đánh giá, một phần thưởng, nếu như mình tái cử thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ, còn không làm được, người dân sẽ có thái độ ngay.
Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm