Phải có chiến lược chuyển đổi số quốc gia một cách bài bản

(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh như trên khi dự Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022, với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, hôm nay, 10/10.
Thủ tướng gửi Thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Chinhphu.vn

Người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng các lợi ích của chuyển đổi số

Đây là sự kiện quan trọng, được tổ chức lần đầu tiên, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Tại sự kiện, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và những kết quả đạt được của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia của chúng ta.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, kết quả ngày hôm nay mới chỉ là bước đầu, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước. Để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội.

Nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng gửi Thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới. Thứ nhất, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số.

Thứ hai, nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến. Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân.

Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ.

Thứ tư, các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến.

Thứ năm, tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại…

Tại Chương trình Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022, Lễ trao giải Cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia đã được tổ chức. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao giải và phần thưởng cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân có giải pháp chuyển đổi số xuất sắc.

Giảm phiền hà cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính

Cũng trong ngày 10/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số ngành Công an nhân dân lần thứ nhất năm 2022 và công bố Ngày Chuyển đổi số ngành Công an.

Thủ tướng thăm gian hàng tại Hội nghị chuyển đổi số ngành Công an nhân dân.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, thời gian qua, Bộ Công an đã quyết liệt hành động, khẳng định vai trò tiên phong, nòng cốt và quyết tâm chính trị trong quá trình chuyển đổi số công tác quản lý dân cư, đặc biệt thể hiện qua việc triển khai “Đề án 06”. Song Thủ tướng cũng trăn trở, an toàn, an ninh mạng nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu còn nhiều hạn chế.

Việc ngành Công an tổ chức Hội nghị về chuyển đổi số mới chỉ là những bước đầu, còn rất nhiều việc phải làm phía trước. Thủ tướng đề nghị Bộ Công an cần thống nhất nhận thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện tốt vai trò thường trực trong tổ chức triển khai Đề án 06 của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo hướng đơn giản, thuận lợi, giảm phiền hà cho người dân; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận và tham gia.

Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ về quy mô, quy trình thủ tục xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn quốc gia bảo đảm kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an ninh mạng, an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin các bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là các hệ thống kết nối phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Ngành Công an cần nghiên cứu, có các cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp để thu hút chuyên gia, nhân lực chất lượng cao về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào phục vụ trong ngành. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số và các sản phẩm của cuộc Cách mạng khoa học lần thứ 4 trong công tác nghiệp vụ ngành Công an…

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số năm 2022 là đưa hoạt động của người dân lên môi trường số, thông qua các nền tảng số “make in Việt Nam”, tháng 10 - tháng tiêu dùng số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo đánh giá và công bố 16 nhóm nền tảng số phục vụ nhu cầu của người dân. Hơn 5 triệu lượt người dân được tiếp cận, phổ biến kỹ năng số cơ bản thông qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà…

Đọc thêm