Đây là đề nghị của ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức sáng 17/2.
Theo ông Tiếng, các khóa HĐND thành phố trước đây, huyện Hoàng Sa chỉ có “một nửa” đại biểu bởi quận Sơn Trà và huyện Hoàng Sa chỉ được cơ cấu 1 đại diện.
"Nay để phục vụ công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, Hoàng Sa phải có đại diện trong HĐND thành phố khóa IX. Việc này cần phải làm ngay trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp lần này, không thể trì hoãn được nữa”, ông Tiếng nói.
Đề nghị trên ngay lập tức nhận được sự đồng tình của rất nhiều đại diện các tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng.
Đại diện 36 tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã biểu quyết thống nhất 100% phải có 1 đại biểu HĐND thành phố khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021) đại diện cho huyện Hoàng Sa; đồng thời giảm 1 đại biểu trong cơ cấu khối quản lý Nhà nước để có 1 đại diện của huyện Hoàng Sa trong HĐND thành phố khóa IX.
Nếu phương án này được Quốc hội và Chính phủ đồng ý, thành phố có thể nhập hai phường Thọ Quang và Mân Thái của quận Sơn Trà vào huyện Hoàng Sa để vừa có thực thể, vừa có dân. Như vậy, cả 6 quận và 2 huyện của Đà Nẵng đều có đại diện trong HĐND thành phố khóa IX.
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, Đà Nẵng được bầu 6 đại biểu Quốc hội khóa XIV, trong đó có 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu, 4 đại biểu cư trú và làm việc tại thành phố.
Đại biểu địa phương dự kiến được phân bổ như sau: Theo cơ cấu định hướng gồm: 1 lãnh đạo chủ chốt của thành phố, 1 đại biểu Quốc hội chuyên trách, 1 đại biểu của Sở Tư pháp.
Theo cơ cấu hướng dẫn 1 đại biểu dự kiến giới thiệu thuộc các lĩnh vực: Khoa học-Công nghệ, Giáo dục, Văn hóa-Nghệ thuật, Y tế, LĐ-TB&XH.