Mở đầu Hội thảo, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cho biết, việc tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho Nhà trưng bày Hoàng Sa có một ý nghĩa to lớn và cùng hướng về Hoàng Sa.
Trước đó 2 ngày, tại Lý Sơn (Quảng Ngãi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa, cũng để hướng đến Hoàng Sa.
Nhằm góp một hành động nhỏ bé vào công cuộc đấu tranh đòi lại quần đảo Hoàng Sa của Tổ Quốc, Hội thảo được tổ chức với mục đích bàn cách trưng bày sao cho bảo tàng Hoàng Sa thật ý nghĩa, rõ ràng nhất.
Tại hội thảo, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng đã giới thiệu rất cụ thể về việc trưng bày các hiện vật, tài liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, tại Nhà trưng bày Hoàng Sa trong thời gian tới. Theo ông, UBND Hoàng Sa đang lưu giữ 500 hiện vật đã được xác định. Vì thế, việc xây dựng, hoàn thiện Nhà trưng bày Hoàng Sa vào tháng 4/2016, sẽ rất thuận lợi cho sưu tập thêm các tư liệu, hiện vật Hoàng Sa. Ngoài ra, chính quyền, người dân và du khách có thêm thông tin hiểu biết về Hoàng Sa trong công việc đối nội, đối ngoại.
Theo đó, Nhà trưng bày Hoàng Sa được đầu tư với tổng mức 40 tỉ đồng, trên diện tích 1.248m2 tại nút giao thông đường Hoàng Sa và Phan Bá Phiến (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Hoàng Sa có 37 đảo sẽ được thể hiện rõ trong khu vực trưng bày bảo tàng. Tầng 1, nơi đón tiếp du khách, cung cấp thông tin, thông điệp đầu tiên để khẳng định Hoàng Sa của Đà Nẵng, Việt Nam.
Tầng 2 sẽ giới thiệu các chặng đường xác lập chủ quyền của Việt Nam kéo dài từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỉ 18; đưa ra các bằng chứng, tài liệu, bản đồ của Phương Tây và cả Trung Quốc thể hiện lãnh thổ của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam mà không hề đề cập đến Hoàng Sa-Trường Sa. Ngược lại, các tài liệu, bản đồ của Việt Nam được thu thập từ các gia tộc ở đảo Lý Sơn và thư tịch cổ trong các cơ quan lưu trữ Trung Ương; thời pháp thuộc, chính quyền bảo hộ có đầy đủ văn bản xác nhận chủ quyền Hoàng Sa… để thấy rất rõ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa đã có từ rất lâu đời.
Ông Thiện cho biết, việc tổ chức trưng bày sẽ được làm một cách khoa học và gây ấn tượng sâu đậm trong tâm thức người xem. Bản thân ông đã mã hóa thành công hơn 100 bản đồ cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Tại Hội thảo, đại diện UBND huyện Hoàng Sa thông tin, sẽ mua máy ảnh tặng cho ngư dân Đà Nẵng ra đánh bắt ở Hoàng Sa. Ngư dân được khuyến khích chụp lại tất cả những gì họ thích, phản ánh lại công việc đánh bắt, hiện trạng quần đảo Hoàng Sa. Từ đó, những bức ảnh do ngư dân ghi lại được chọn lựa để bổ sung vào hệ thống tư liệu trưng bày trong nhà trưng bày Hoàng Sa.
Ông Bùi Văn Tiếng nói thêm, ngoài Nhà trưng bày hình con dấu chủ quyền thời vua Minh Mạng, còn khuôn viên rộng trưng bày con tàu 90152 TS của bà Huỳnh Thị Như Hoa từng bị tàu Trung Quốc đâm chìm.
Ông Nguyễn Đình An tham gia đóng góp tại Hội thảo |
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình An, nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phân tích, chúng ta rất giàu bản đồ, nhưng cần chọn ra cái nào để trưng bày, hoặc để làm tư liệu. Nếu ai cần, có thể in ra để cung cấp. Chúng ta cũng chỉ trình bày những châu bản có chứng minh được chủ quyền.
Tham dự Hội thảo, ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ, nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa cũng chia sẻ rất nhiều tâm huyết đối với Nhà trưng bày Hoàng Sa.
Ông nêu thêm ý kiến, trong trưng bày cần có kết luận bằng bài Thơ Nam quốc sơn hà, để khẳng định với thế hệ hôm nay và mai sau rằng Hoàng Sa muôn đời của Việt Nam.
Trước đây, Đà Nẵng có ý định đưa tàu bà Hoa vào trưng bày phía trước, thì cần xây dựng 1 hồ nước đặt tàu và bắc cầu từ bờ ra thuyền và có ảnh thật người dân đi biển. Du khách nhiều người chưa biết đi biển như thế nào, làm gì trên đó… nên cần mô tả sinh động, tạo không gian hợp lý. Đặc biệt, phải xen kẽ trưng bày hiện vật, đừng để tư liệu khô khan.
“Hoàng Sa không mất. Hoàng Sa chỉ mất khi vĩnh viễn quên đi, chúng ta còn nhớ là không mất”, ông Ngữ khẳng định.