Phiếu LLTP số 2 đang bị lạm dụng
Báo cáo với Ban soạn thảo, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia (Bộ Tư pháp) Hoàng Quốc Hùng cho biết, một trong những bất cập hiện nay của Luật LLTP năm 2009 là quy định về quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 đang bị lạm dụng. Ông Hùng nêu, theo quy định của khoản 1 Điều 21 Hiến pháp năm 2013 thì “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí
mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Còn theo quy định của Luật LLTP, nội dung tình trạng án tích tại Phiếu LLTP số 2 thể hiện cả những án tích đã được xoá của người từng bị kết án (trong khi pháp luật hình sự quy định người được xóa án tích coi như chưa từng bị kết án). Do vậy, Phiếu LLTP số 2 chỉ được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai quy định này của Luật LLTP đã bị lạm dụng. Từ năm 2012, số lượng cá nhân yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 ngày càng tăng, chủ yếu để phục vụ yêu cầu xin thị thực nhập cảnh hoặc làm một số thủ tục khác tại các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam. Ở một số địa phương, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và các doanh nghiệp cũng yêu cầu cá nhân nộp Phiếu LLTP số 2 phục vụ xin giấy phép an ninh hàng không, chứng khoán, việc làm… dẫn đến số lượng hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 ngày càng gia tăng. Đơn cử, tại tỉnh Sóc Trăng, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016 có đến 60% hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu là Phiếu LLTP số 2.
Điều này đã ảnh hưởng đến quyền được pháp luật bảo đảm bí mật cá nhân và chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự của Nhà nước ta, ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án, đặc biệt là những người đã được xóa án tích, gây khó khăn cho cá nhân khi tham gia các quan hệ pháp lý. Bởi thế, theo ông Hùng, cần thiết phải sửa đổi quy định của Luật LLTP về việc tiếp cận, sử dụng Phiếu LLTP số 2 để giải quyết tình trạng lạm dụng Phiếu LLTP số 2 hiện nay. Dự kiến là quy định Phiếu LLTP số 2 chỉ được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng, không cấp cho cá nhân. Cá nhân có quyền tiếp cận thông tin về LLTP của mình theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin, không được phép sao chép để bảo đảm tránh tình trạng lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp và bí mật đời tư của cá nhân, ảnh hưởng tới ý nghĩa nhân đạo của chế định xóa án tích.
Không được ảnh hưởng đến các luật có liên quan
Nói thêm về Phiếu LLTP số 2, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ giải thích, mục tiêu trong Luật năm 2009 là Phiếu LLTP số 2 chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình. Tuy nhiên, Luật lại quy định thủ tục yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 nên thành ra “hơi dở dang” và ông đồng tình sửa đổi theo hướng chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng, cá nhân muốn biết nội dung về LLTP của mình được đến tra cứu, không được sao chép.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa quan niệm phải đánh giá xem Phiếu LLTP số 2 đang bị sử dụng tràn lan như thế nào, từ đó mới đưa ra cách quản lý công đoạn nào là chính để hạn chế tình trạng này. Đồng tình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Trần Xuân Long cũng cho rằng phải đánh giá có đúng Phiếu LLTP số 2 vi phạm bí mật đời tư của cá nhân hay không vì Luật hiện hành đang cho phép công dân được quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2, nhưng dự kiến sửa đổi không còn quyền này nữa liệu có hợp lý không.
Đại diện VKSNDTC thẳng thắn kiến nghị cân nhắc có nên tiếp tục duy trì quy định về Phiếu LLTP số 2. Vị đại diện này cho rằng, một khi đã được xóa án tích thì người đã được xóa án tích phải bình đẳng với người không có án tích, trong khi Phiếu LLTP số 2 thể hiện cả những án tích đã được xóa là ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của họ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng lại nhận định, đúng là có sự lạm dụng Phiếu LLTP số 2 từ phía các cơ quan, tổ chức. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc thì đề nghị Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LLTP tới đây phải quy định rõ trường hợp nào cấp, trường hợp nào không cấp Phiếu LLTP số 2.
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trong bối cảnh hiện nay, chỉ đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LLTP vì nếu sửa đổi toàn diện sẽ “đụng chạm” gần 10 luật khác. Về phạm vi sửa đổi, Bộ trưởng yêu cầu căn chỉnh các quy định phù hợp với pháp luật hiện hành, đồng thời cập nhật các quy định được ban hành sau Luật LLTP năm 2009. Nhất trí phải tính toán thêm về Phiếu LLTP số 2, nhưng Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết phải có quy định về pháp luật nội dung để tránh lạm dụng Phiếu LLTP số 2 với tinh thần không ảnh hưởng đến các luật có liên quan hiện hành.