"Phải để những kẻ bất tài, vô hạnh không dám tham nhũng"

(PLO) - Hôm nay (2/11), phòng họp Diên Hồng của Tòa nhà Quốc Hội đã rất sôi động trong phiên thảo luận về vấn đề tái cơ cấu, phát triển nền kinh tế. Hiến kế cho Chính phủ trong câu chuyện này, nhiều ĐB đã kiến nghị cần phải nhìn lại công tác tổ chức cán bộ. 
ĐB Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An

ĐB Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, nhận định, cán bộ là gốc rễ của câu chuyện phát triển kinh tế, ổn định xã hội, công tác tổ chức cán bộ phải làm tốt mới tăng được chỉ số niềm tin của người dân. Ông cho rằng: Lãnh đạo cấp trên từ tỉnh đến các thành viên Chính phủ (CP) đã chuyển động rất mạnh mẽ, quyết liệt nhưng bộ máy thực thi công vụ kể cả TƯ và địa phương chuyển động chậm chạp, kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm.

Theo ĐB này, cần tập trung làm tốt công tuyên truyền để đội ngũ cán bộ công chức thấm nhuân một cách sâu sắc, mạnh mẽ, căn bản về trách nhiệm của mình khi thực thi công vụ. 

Ông cũng đề nghị phải ban hành quy chế xử lý kỷ luật ngắn gọn, thông thoáng, nghiêm minh, chấm dứt ngay tình trạng cán bộ vi phạm cả năm không xử lý được. Đi kèm với quy chế, là phải áp dụng chế tài, mạnh tay, kể cả đuổi việc một số trường hợp để răn đe, giáo dục làm gương cho mọi người. Có như vậy, theo ông mới  nâng cao chỉ số niềm tin, làm yên lòng người dân.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng cho rằng một trong những lực cản lớn đối với sự phát triển đất nước hiện nay là năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính, công vụ chưa nghiêm.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên)

“Báo cáo CP nói năng lực phẩm chất một bộ phận cán bộ công chức chưa đáp ứng yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính, công vụ chưa nghiêm. Tôi thấy hầu như năm nào trong báo cáo của CP đều có hạn chế này. Vì sao như vậy, CP cần thanh tra, kiểm tra để xác định bản chất vấn đề để xử lý sai phạm chấn chỉnh. ĐBQH và người dân cần có câu trả lời là có chấn chỉnh được tình trạng này không và khi nào sẽ khắc phục được những yếu kém này?”

Từ câu chuyện của bộ máy thực thi, ĐB Nguyễn Thái Học còn đặt câu hỏi về tình trạng, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, quản lý tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí.

“ Trong tình hình ngân sách khó khăn, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn thì khuyết điểm này làm cho cử tri bức xúc và bất bình. Chúng ta có luật Đầu tư công, luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí nhưng vì sao còn tồn tại thực trạng này, trách nhiệm của những người có trách nhiệm ra sao? Đề nghị CP công khai địa chỉ vi phạm, không nêu chung chung và xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân", ĐB Nguyễn Thái Học phát biểu. 

Cũng liên quan đến câu chuyện cán bộ, ông Lê Thanh Vân (ĐBQH tỉnh Cà Mau - Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách QH)  đưa ý kiến: “Cần cải cách chế độ tiền lương, xây dựng cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát cán bộ, công chức… để những kẻ bất tài vô hạnh không thể, không muốn và không dám chạy chức, chạy quyền, không dám tham nhũng".

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau)

Theo ĐB Lê Thanh Vân, xây dựng Chính phủ liêm chính có 3 nội dung cần chú trọng. Đó là liêm chính kiến tạo phát triển trong xây dựng, ban hành thể chế chính sách đồng bộ; trong việc xây dựng, củng cố bộ máy quản lý ở các cấp và trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.

Nói về xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, ĐB Cà Mau lưu ý phải tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch để thi tuyển, lựa chọn cán bộ, công chức, tìm ra người có năng lực phẩm chất thực sự; lựa chọn hiền tài phải thực tâm, chí thành. 

 “CP sớm trình QH ban hành luật Trọng dụng nhân tài, coi đó là chiếu cầu hiền của nhà nước trong giai đoạn mới. Các nhà lãnh đạo, quản lý phải thực đức, thực tài. “Đạo trị bình đủ pháp kinh luân; tài thao lược hơn đời trí dũng”, ĐB Vân nhấn mạnh.

Đọc thêm