An toàn là tiêu chí hàng đầu
Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Du lịch, trong thời gian chịu tác động của đại dịch, nhiều địa phương đã phát triển các phần mềm du lịch thông minh hỗ trợ du khách, chẳng hạn Go!DaNang hay Vibrant Ho Chi Minh City,… Dù có nhiều khó khăn nhưng Tổng cục Du lịch vẫn khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ tại các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi ứng dụng công nghệ số vào hoạt động du lịch, doanh nghiệp cần xem xét tới những tiêu chí quan trọng hướng đến trải nghiệm và lợi ích cho khách hàng, mà ưu tiên hàng đầu hiện nay là vấn đề an toàn sức khoẻ.
Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, đi du lịch sẽ làm tăng nguy cơ mắc COVID-19, thay vào đó, người dùng lựa chọn tìm đến những chuyến du lịch trực tuyến hoặc những chuyến du lịch gần, các thông tin du lịch được số hoá thông qua ứng dụng và hạn chế tiếp xúc đông người. Thông qua công nghệ, khách du lịch sẽ yên tâm hơn với những thao tác không tiếp xúc, không điểm chạm, hạn chế được nguy cơ lây nhiễm.
Do đó, công nghệ du lịch trước tiên cần phải đáp ứng nhu cầu du lịch hiện tại của người dân, hướng đến tiêu chí an toàn. Công nghệ du lịch cung cấp thông tin an toàn sức khoẻ, chẳng hạn những cam kết, phương án phòng chống dịch tại các cơ sở lưu trú được dữ liệu hóa và cập nhật liên tục trên hệ thống số, từ đó giúp khách hàng có những lựa chọn phù hợp với dịch vụ, điểm đến…
Tiêu biểu cho việc ứng dụng công nghệ số theo những tiêu chuẩn an toàn sức khoẻ, Vietnam Airlines hiện là hãng hàng không có bộ tiêu chuẩn an toàn cao nhất tại nước ta, cao hơn tiêu chuẩn an toàn của Liên minh hàng không toàn cầu. Hãng này đã có các cấp độ phòng, chống dịch để linh hoạt vận dụng cho từng chuyến bay, đồng thời bố trí đội bay riêng cho từng tuyến đường bay để hạn chế lây nhiễm chéo. Theo khung đánh giá của Skytrax (Dịch vụ nghiên cứu chuyến bay – Vương Quốc Anh), Vietnam Airlines đáp ứng dịch vụ an toàn tương đương tiêu chuẩn 4 sao với nhiều khâu phục vụ không tiếp xúc như: mua vé, thanh toán trực tuyến; làm thủ tục trực tuyến qua website, ứng dụng di động, kiosk tại sân bay; làm thủ tục qua tổng đài điện thoại; hỗ trợ, xử lý các vấn đề chăm sóc khách hàng qua hình thức trực tuyến thay vì gặp mặt trực tiếp...
Hiện nay, các doanh nghiệp cần chú ý tới tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong cơ sở, dịch vụ du lịch. Những ứng dụng trực tuyến có thể tích hợp phân tích dữ liệu, đưa ra gợi ý điểm du lịch thuộc vùng an toàn và khuyến cáo khách hàng với những vùng đỏ/hạn chế du lịch.
Cùng với đó, các khâu liên kết du lịch cũng cần tuân thủ theo tiêu chuẩn chung để khách du lịch nắm được thông qua hệ thống trực tuyến. Chẳng hạn, đối với dịch vụ ăn uống, ứng dụng trực tuyến của các đơn vị du lịch cần liên kết với những nhà cung ứng thực phẩm sử dụng ISO 22000 để đảm bảo an toàn thực phẩm mùa dịch. Các tiêu chuẩn ISO/PAS 5643 áp dụng trong hệ thống công nghệ du lịch giúp giảm sự lây lan của Covid-19 trong ngành công nghiệp du lịch giúp tất cả các nhà cung cấp trong ngành (chỗ ở, vận chuyển, bảo tàng, tour du lịch, trải nghiệm và hoạt động) cung cấp những dịch vụ an toàn hơn và ngăn chặn sự lây lan.
Tích hợp tiện ích và bảo mật
Các tiện ích được tích hợp trên nền tảng số ở đây bao gồm đa dạng hình thức trải nghiệm du lịch và thanh toán. Trên các ứng dụng trực tuyến, đơn vị du lịch cần tích hợp những yếu tố như giới thiệu hành trình, điểm đến, thuyết minh tự động, công nghệ 3D trong tham quan… Đối với tiêu chí này có tiêu chuẩn ISO 20488, ISO 18513 giúp bảo đảm lợi ích cho khách hàng khi tham gia các hoạt động công nghệ du lịch.
Vấn đề nữa cần quan tâm đó là việc bảo mật thông tin của khách du lịch. Việc đảm bảo thông tin của khách du lịch tạo sự tin tưởng của người dùng đối với bất kỳ ứng dụng công nghệ nào yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân.
Để đảm bảo được yếu tố này, doanh nghiệp hoạt động du lịch trực tuyến trước tiên phải có hệ thống hạ tầng công nghệ đáp ứng được các tầng bảo mật thông tin. Doanh nghiệp du lịch có thể sử dụng tiêu chuẩn ISO 27001 là chứng chỉ an ninh thông tin quốc tế cấp độ cao nhất, được cấp bởi Vương quốc Anh trong hệ thống công nghệ du lịch.
Trong “Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025”, một trong những mục tiêu trọng tâm được Bộ VH-TT&DL nêu ra: “Xây dựng và triển khai các đề án, dự án phát triển du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển các phần mềm, tiện ích thông minh hỗ trợ công tác quản lý và phục vụ khách du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh du lịch”. Xác định bộ tiêu chuẩn chung về du lịch công nghệ giúp bảo vệ người du lịch khỏi những bất lợi trong đại dịch, lựa chọn du lịch thông minh thông qua nền tảng công nghệ số.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"