Xây dựng tương lai tiếp cận cho tất cả người khuyết tật
Trong một xã hội ngày càng phát triển, những tiến bộ trong công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đang mở ra những cơ hội lớn cho người khuyết tật (NKT). Một trong những người đang trải nghiệm sự thay đổi này là Matthew Sherwood, một người mù đã sống với khiếm thị hơn 15 năm. Chia sẻ với tờ CNN, mặc dù có gia đình, sự nghiệp đầu tư thành công và một chú chó hỗ trợ, Sherwood vẫn phải đối mặt với những thách thức trong các công việc hàng ngày, chẳng hạn như đi mua sắm. Việc đảm bảo những món đồ anh chọn đúng màu sắc và kiểu dáng vẫn là một nhiệm vụ khó khăn, làm giảm bớt sự độc lập của anh. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của công nghệ AI, Sherwood có thể sớm tìm được sự trợ giúp cần thiết để vượt qua những khó khăn này.
Sherwood đôi khi sử dụng ứng dụng Be My Eyes, một ứng dụng kết nối người dùng khiếm thị với tình nguyện viên có thị lực qua video trực tiếp để hỗ trợ các tác vụ như kiểm tra màu sắc hoặc xác nhận thông tin sản phẩm. Tuy nhiên, nhờ vào những tiến bộ trong AI, nhu cầu phải có người hỗ trợ từ xa đang dần được thay thế. Be My Eyes đã hợp tác với OpenAI để triển khai một mô hình AI có thể thay thế tình nguyện viên, nhìn và mô tả những gì người dùng thấy. Trong một đoạn demo gần đây của OpenAI, người sử dụng Be My Eyes phiên bản AI đã có thể gọi taxi và nhận hướng dẫn chi tiết về cách giơ tay đón xe. Google cũng đã giới thiệu tính năng tương tự cho ứng dụng “Lookout” của họ, một công cụ hỗ trợ người khiếm thị.
Công nghệ AI đang giúp cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận cho NKT và người cao tuổi. Các công ty lớn như Apple và Google đang phát triển một loạt công cụ hỗ trợ, từ các công cụ theo dõi mắt giúp NKT vận động điều khiển điện thoại iPhone bằng mắt, cho đến các hướng dẫn giọng nói chi tiết cho người khiếm thị sử dụng Google Maps. Những công nghệ này giúp NKT không chỉ dễ dàng tiếp cận thông tin mà còn có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực của đời sống, từ công việc đến giải trí.
Kể từ khi ChatGPT ra mắt, AI đã chứng tỏ là một công cụ có sức ảnh hưởng to lớn, không chỉ thay đổi cách chúng ta làm việc và giao tiếp mà còn mở ra cơ hội mới cho NKT. Trước đây, một người mù muốn làm việc trong môi trường kinh doanh thường phải dựa vào sự trợ giúp của người khác để đọc các tài liệu. Tuy nhiên, với sự phát triển của AI, giờ đây người khiếm thị có thể sử dụng các công cụ như ChatGPT để hỗ trợ trong công việc, tìm kiếm cơ hội việc làm và tham gia vào các lĩnh vực mà trước đây họ khó có thể tiếp cận. Theo Sherwood, đây là cơ hội tuyệt vời cho NKT, giúp họ không chỉ có cơ hội tìm việc làm mà còn có thể cạnh tranh trong các lĩnh vực như kinh doanh, nơi mà công nghệ AI có thể là một yếu tố quyết định.
Một trong những lợi ích lớn nhất mà AI mang lại cho NKT là khả năng cải thiện công nghệ hỗ trợ, chẳng hạn như các thiết bị trợ thính, xe lăn thông minh và các công cụ hỗ trợ giao tiếp. Các công ty công nghệ đã bắt đầu áp dụng AI để tăng cường các công cụ hỗ trợ này. Chẳng hạn, Google đã phát triển một công cụ giúp người khiếm thị hoặc có thị lực yếu nhận diện những gì xuất hiện trên màn hình, đồng thời nâng cấp công nghệ này với các tính năng hỏi đáp dựa trên AI. Các công nghệ này vừa giúp cải thiện khả năng di chuyển vừa hỗ trợ NKT tiếp cận thông tin và giáo dục dễ dàng hơn.
Những tiến bộ này không chỉ là công nghệ đơn thuần mà còn phản ánh sự thay đổi trong cách xã hội nhìn nhận và đối xử với NKT. AI đã và đang giúp xóa bỏ những rào cản trong cuộc sống của họ, giúp họ sống độc lập, đồng thời có thể phát triển, học hỏi và đóng góp vào xã hội như bất kỳ ai khác.
Rủi ro giao thoa và trách nhiệm quản lý
Trên toàn cầu, khoảng 16% dân số, tương đương 1,3 tỷ người, đang phải đối mặt với các dạng khuyết tật nghiêm trọng, bao gồm gần 240 triệu trẻ em. Riêng tại Liên minh Châu Âu (EU), vào năm 2023, 27% dân số trên 16 tuổi - tương đương 101 triệu người - mắc một hoặc nhiều loại khuyết tật, với tỷ lệ phụ nữ cao hơn nam giới ở tất cả các quốc gia thành viên. Đây là một thực tế đầy thách thức, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội cho sự hòa nhập nếu các quốc gia biết tận dụng sức mạnh của công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, việc ứng dụng AI cũng đặt ra những thách thức lớn. Báo cáo của Gerard Quinn, cựu Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền lợi của NKT, chỉ ra rằng các thuật toán AI có thể tạo ra sự phân biệt đối xử nếu không được thiết kế cẩn thận. Ví dụ, các công cụ tuyển dụng dựa trên AI có thể loại trừ ứng viên khuyết tật vì chúng không hiểu được cách thức giao tiếp khác nhau hoặc hiểu sai ngôn ngữ cơ thể. Những thuật toán này thường dựa trên các mô hình hành vi đã được lập trình sẵn, khiến chúng khó tiếp cận với sự đa dạng của con người.
Tiến bộ trong công nghệ đang mở ra những cơ hội lớn cho NKT. (Ảnh: unric.org) |
Một minh chứng rõ ràng là AI có thể đưa ra kết luận sai lệch về những người mắc chứng tự kỷ, những người có cách biểu đạt khác biệt. Chatbot - một công cụ phổ biến trong giao tiếp số - cũng có thể không thân thiện với người sử dụng phần mềm đọc màn hình. Điều này đặt ra nguy cơ tạo thêm rào cản cho những NKT vốn đã dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, các thuật toán AI thường dựa trên thống kê trung bình, điều này dẫn đến nguy cơ phân biệt đối xử trong các lĩnh vực như tuyển dụng, giáo dục, ngân hàng và dịch vụ an ninh. Ví dụ, một ứng viên có gương mặt bị biến dạng có thể bị thuật toán loại trừ ngay trong giai đoạn đầu của quá trình tuyển dụng.
Các hệ thống AI cũng tiềm ẩn rủi ro phân biệt giao thoa - sự tương tác giữa nhiều yếu tố như giới tính, chủng tộc, tuổi tác, xu hướng tình dục, dân tộc hoặc khuyết tật. Điều này có thể khiến một người dễ bị tổn thương hơn so với những người khác trong cùng một bối cảnh. Thêm vào đó, AI thường thiếu minh bạch về yếu tố nào quan trọng nhất trong các quyết định của nó, điều này càng làm phức tạp vấn đề.
Những quyết định phân biệt đối xử này không dễ bị phát hiện, đặc biệt khi NKT ít được tham gia vào quá trình phát triển và thử nghiệm AI. Đây là lý do tại sao các tổ chức quốc tế và chính phủ cần tăng cường quy định để đảm bảo công nghệ AI không tạo ra thêm rào cản mà thay vào đó thúc đẩy tính hòa nhập.
Công ước về Quyền của NKT (UNCRPD) đã đặt ra trách nhiệm pháp lý cho các quốc gia trong việc ngăn chặn sự phân biệt đối xử dựa trên khuyết tật bởi bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Đáp lại, Liên hợp quốc đang tích cực xây dựng các quy định về AI để đảm bảo công nghệ này phát triển theo hướng phù hợp với nhân quyền và công bằng xã hội.
Năm 2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã thành lập Cơ quan Tư vấn Cấp cao về AI, đưa ra các khuyến nghị về quản trị AI trên phạm vi quốc tế. Tháng 9/2024, trong Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, các nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua Hiệp định Tương lai, bao gồm một Hiệp định Kỹ thuật số Toàn cầu nhằm tạo ra không gian kỹ thuật số an toàn, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, bao gồm cả quyền lợi của NKT.
Tại châu Âu, Luật Trí tuệ Nhân tạo (AI Act) đã có hiệu lực từ tháng 8/2024 và sẽ được áp dụng rộng rãi từ năm 2026. Đây là quy định toàn diện đầu tiên trên thế giới nhằm giám sát sự phát triển và triển khai AI một cách có trách nhiệm. Luật này đặc biệt quan trọng đối với NKT, bởi nó tìm cách ngăn chặn các thiệt hại như phân biệt đối xử và mất quyền riêng tư.
Tựu trung lại, AI mang lại tiềm năng to lớn trong việc thay đổi cuộc sống của NKT. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng này, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, khu vực tư nhân và cộng đồng NKT. Việc tích hợp các biện pháp chống phân biệt đối xử và bảo vệ nhân quyền vào quy định AI quốc gia là điều cần thiết. Các nhà phát triển cần minh bạch hơn, đồng thời đưa NKT vào quá trình thiết kế và thử nghiệm công nghệ. Chỉ khi đó, các quốc gia mới có thể xây dựng một tương lai nơi công nghệ không chỉ phá bỏ rào cản mà còn trở thành cầu nối cho sự hòa nhập và phát triển toàn diện.