Phải dứt điểm chứ không chỉ làm hết thẩm quyền!

(PLO) - Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm giải quyết theo thẩm quyền các vụ khiếu nại, tố cáo ngay tại cơ sở nhưng vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quyết tâm trong việc giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, gây bức xúc cho công dân. 
Tiếp công dân tại trụ sở Ban Tiếp dân Trung ương

Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để tìm ra được câu trả lời cho bài toán làm sao dứt điểm được vấn đề khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Nhiều nan giải trong lĩnh vực đất đai

Hiện nay, tình hình khiếu nại, tố cáo ở nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn diễn biến phức tạp, gay gắt, kéo dài. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy, giai đoạn 2012 - 2016, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với những giai đoạn trước, số đơn khiếu nại, tố cáo giảm 54,6%; số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính giảm 39,3%.

Tuy nhiên, tình hình khiếu kiện đông người tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, nhiều lần tập trung lên Trung ương. Cụ thể, so với giai đoạn 2008-2011, số lượng đoàn đông người được các bộ, ngành TƯ tiếp tăng 62,4%, Ban Tiếp công dân TƯ tiếp tăng 32,7%. Nhiều vụ khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được thực thi, công dân tiếp tục khiếu nại làm mất thời gian, công sức của các cơ quan nhà nước và bản thân công dân. 

Nguyên nhân của tình hình trên có mặt khách quan là các quy định pháp luật trước đây chưa hội đủ những quy định cần thiết về cách thức, trình tự, thủ tục tiến hành, thiếu các chế tài phù hợp để đảm bảo cho việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có kết quả trên thực tế.

Nhưng nguyên nhân chủ yếu là người đứng đầu chính quyền các cấp, thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị chưa tập trung chỉ đạo, theo dõi quá trình tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại. Từ đó việc tổng hợp, báo cáo không đầy đủ, thiếu chính xác đã làm giảm hiệu lực hiệu quả về giải quyết khiếu nại, giảm hiệu lực kỷ cương hành chính.

Mặt khác, việc chấp hành kỷ luật hành chính chưa nghiêm, người được giao trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại làm chưa hết trách nhiệm và người giải quyết khiếu nại thiếu kiểm tra đôn đốc, thiếu sự phối hợp, đề xuất biện pháp thực thi hiệu quả.

Khó khăn hơn cả là công tác giải quyết khiếu nại về đất đai, đặc biệt là không ít vụ việc xảy ra đã nhiều năm nay hồ sơ, tài liệu không còn đầy đủ, hiện trạng đã thay đổi, đòi hỏi cán bộ giải quyết phải có trình độ, năng lực, kinh nghiệm song lực lượng cán bộ đảm đương nhiệm vụ này còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, cả ở cấp Trung ương và địa phương.

Nhiều vụ việc lại mang tính lịch sử như việc cho mượn, cho thuê, cho ở nhờ, ở đậu, cầm cố trong nội bộ nhân dân; đất trưng dụng, trưng thu, trưng mua không còn hồ sơ lưu giữ, nay công dân khiếu nại đòi lại đất mà không có căn cứ pháp luật để giải quyết, công dân tiếp tục khiếu nại kéo dài.

Chính sách, pháp luật về đất đai đã được sửa đổi, bổ sung để giải quyết được những vấn đề vướng mắc, tồn tại trong công tác thu hồi đất, bồi thường vốn phát sinh nhiều khiếu nại của công dân. Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011 và văn bản pháp luật khác có liên quan cũng đưa ra nhiều quy định mới, tiến bộ khắc phục được những hạn chế, bất cập trước đó, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính và hội nhập quốc tế. Mặc dù vậy, khiếu nại, tố cáo đối với nội dung này vẫn chưa giảm do chưa giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất, nhất là giá bồi thường về đất.

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật khiếu nại, tố cáo, pháp luật đất đai nhìn chung còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người dân dù hiểu rõ quy định của pháp luật song cố tình không chấp hành, thậm chí một số trường hợp bị kích động hoặc bị lợi dụng để khiếu kiện đông người, gây sức ép với cơ quan nhà nước nhưng chưa có chế tài xử lý nghiêm.

Để dân luôn tin tưởng vào các cấp chính quyền

Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu lực pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khôi phục các quyền và lợi ích chính đáng của công dân và tổ chức; đồng thời cũng là một trong những giải pháp góp phần giải quyết tình hình khiếu nại phức tạp, dai dẳng như hiện nay.

Thực trạng cho thấy, ở nơi nào làm tốt công tác thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo thì tình hình ổn định, ít phát sinh đơn thư khiếu nại vượt cấp. Ngược lại, ở nơi nào các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo không được thực hiện nghiêm túc, kịp thời sẽ làm cho tình hình không ổn định, khiếu kiện phức tạp, dai dẳng kéo dài và vượt cấp, kỷ cương pháp luật bị coi thường, hiệu lực của công tác giải quyết khiếu nại giảm sút, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vào các cấp chính quyền. 

Qua thực tiễn đã xuất hiện nhiều điểm sáng tại các địa phương, có thể nghiên cứu nhân rộng trong cả nước. Chẳng hạn, ở Long An, Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập Tổ rà soát của UBND tỉnh nhằm kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh do Thanh tra tỉnh làm Tổ trưởng phối hợp với các sở, ngành.

Nhiệm vụ của Tổ rà soát là định kỳ hàng quý kiểm tra và rà soát việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, tham mưu đề xuất các biện pháp để Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện ở các địa phương. Đồng thời nếu phát hiện các quyết định không có tính khả thi, không có khả năng thực hiện được thì tổ chức xem xét lại để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết. 

Nếu quyết định giải quyết chưa đúng thì giải quyết lại cho đúng, nếu đã giải quyết đúng thì kiên quyết cưỡng chế thi hành. Trường hợp phức tạp cần phải có sự phối hợp thì xin ý kiến chỉ đạo của cấp uỷ cùng cấp để giải quyết không để dây dưa kéo dài. Ngoài ra, Long An còn công khai các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được tổ chức thi hành trên địa bàn tỉnh trên trang thông tin điện tử của Thanh tra tỉnh. Sau các cuộc kiểm tra, đôn đốc có đánh giá tuyên dương các đơn vị làm tốt, đồng thời đề xuất xử lý các đơn vị không quan tâm để nhiều quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được tổ chức thực hiện. 

Bàn về vai trò của thể chế đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, Luật Khiếu nại 2011, Luật Tố cáo 2011 đã giúp các cấp chính quyền, địa phương giải quyết tốt tình hình khiếu nại, tố cáo của nhân dân, góp phần ổn định tình hình khiếu nại, tố cáo ở các địa phương, ban, ngành.

Cạnh đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra hai đạo luật này còn một số khiếm khuyết nhất định, trong những khiếm khuyết này có một phần thuộc trách nhiệm tham mưu của cơ quan Thanh tra Chính phủ, như việc yêu cầu Chủ tịch tỉnh đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, tố cáo là không khả thi.

Vì vậy, theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, các cấp, ngành, địa phương cần cùng nhìn nhận lại những hạn chế, yếu kém để tham mưu, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật cho phù hợp. Trong quá trình sửa đổi, nếu chưa có quy định cụ thể, sẽ kiến nghị Chính phủ đưa ra các giải pháp trước mắt nhằm xử lý kịp thời các vấn đề có liên quan đến khiếu nại, tố cáo trên cơ sở thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành.

Đọc thêm