Phải làm thực chất, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

(PLO) -Chiều 29/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho doanh nghiệp (DN) năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Chương trình 585 (Chương trình HTPL liên ngành dành cho DN giai đoạn 2015 - 2020). Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 585 yêu cầu các hoạt động HTPL cho DN trong năm 2018 phải làm thực chất, hiệu quả.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu tại Hội nghị

Gây tiếng vang trong cộng đồng DN

Đánh giá chung về kết quả triển khai, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết: Năm 2017, hoạt động HTPL cho DN được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc, trong đó, đã tập trung tại các tỉnh, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Quảng Bình, Đắk Lắk, Cần Thơ, Đồng Nai… và một số tỉnh được lựa chọn theo đặc thù vùng, miền. Một số hoạt động gây được tiếng vang, nhận được phản hồi tích cực từ dư luận xã hội, báo chí và đặc biệt là từ chính cộng đồng DN – đối tượng thụ hưởng trực tiếp của Chương trình 585 như chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” trên VTV2, VOV; hoạt động xây dựng, thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho DN tại một số địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn… Qua các hoạt động của Chương trình đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức pháp lý, thói quen tuân thủ pháp luật của DN; giúp DN phòng, chống rủi ro pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh… 

Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tú bổ sung một số điểm sáng trong hoạt động HTPL cho DN năm 2017. Đáng chú ý là việc Bộ Tư pháp, Ban Quản lý Chương trình chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa chế định HTPL cho DN vào Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Đặc biệt, trong Báo cáo tổng hợp về công tác rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội của các bộ, cơ quan, địa phương tại cuộc họp Chính phủ với địa phương ngày 28/12 vừa qua, Bộ trưởng Lê Thành Long đã khẳng định HTPL cho DN được triển khai thường xuyên, đồng bộ với nhiều điểm sáng như Cà phê doanh nhân, Bác sĩ DN, Chương trình 585… và đề nghị Chính phủ, bộ, ngành, địa phương tăng cường HTPL cho DN trong thời gian tới…

Bên cạnh đó, việc triển khai Chương trình còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Để phát huy kết quả đạt được và khắc phục những vướng mắc, năm 2018, Chương trình sẽ tăng cường hơn nữa vai trò của các bộ, ngành, tổ chức đại diện DN trong phối hợp thực hiện các hoạt động, lồng ghép các kế hoạch, chương trình do các bộ, ngành, địa phương ban hành. Cùng với tiếp tục tiến hành đồng bộ, hiệu quả các hoạt động của Chương trình, năm 2018 sẽ nâng cao năng lực, đào tạo nguồn nhân lực thực hiện hoạt động HTPL cho DN tại các sở, ban, ngành, tổ chức đại diện DN; đẩy mạnh hơn công tác quản lý, giám sát đối với các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện các hoạt động…

Không hỗ trợ DN tràn lan

Các đại biểu nhất trí đề cao về hiệu quả tác động của Chương trình 585 đối với DN. Là chuyên gia tham gia nhiều hoạt động của Chương trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu nhấn mạnh: Nhờ Chương trình, DN đã biết đến Bộ Tư pháp, cảm nhận được sự thân thiện của một cơ quan nhà nước. Nổi bật là góp phần thay đổi quan hệ với cơ quan nhà nước, không phải “xin - cho” mà được Nhà nước chủ động hỗ trợ. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, các đánh giá của Chương trình đến nay vẫn mang tính định tính, chưa có bộ tiêu chí rõ ràng để đo lường kết quả đạt được hay hoạt động tư vấn pháp lý cho DN chưa có điểm nhấn. Ông Hiếu kiến nghị xây dựng dự thảo chương trình hành động của Ban Chỉ đạo, tuy có thể thêm việc cho cán bộ Chương trình nhưng xác định được kết quả đầu ra. Hay trong cập nhật thông tin pháp lý cho DN, Chương trình cần phân tích vấn đề pháp lý này tác động đến DN ra sao, làm tăng hay giảm bớt gánh nặng cho DN…

Đến từ Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, ông Lê Anh Văn cho rằng, cần xác định phạm vi hỗ trợ, không hỗ trợ tràn lan khi nguồn lực nhà nước có hạn cả về con người và tài chính, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các hiệp hội DN vào công tác HTPL. Ngoài ra, cần tập trung vào một số hình thức hỗ trợ chính như thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật, hỗ trợ trên sóng phát thanh, truyền hình và có cơ chế để các hình thức này được nhân rộng, hoạt động ổn định, lâu dài.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu biểu dương những điểm mới trong cách thức tổ chức công việc từ Ban Quản lý, Tổ thư ký, trong xác định đúng trọng tâm của chương trình, kế hoạch năm 2017 và bảo đảm hoàn thành đúng chương trình, kế hoạch đề ra, trong tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, gần gũi hơn với DN. Từ đó, Thứ trưởng ghi nhận các tác động tích cực của Chương trình đã được báo cáo và được các đại biểu nêu lên, trong đó có việc tạo hình ảnh rõ nét hơn của Bộ Tư pháp với cộng đồng DN.

 Thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong năm 2017, Thứ trưởng nhấn mạnh mục tiêu chung của năm 2018 là phải làm thực chất, hiệu quả công tác này, chuyển mạnh từ hoạt động tuyên truyền, phổ biến sang hoạt động đối thoại, tọa đàm. Đối với các hoạt động của Chương trình, Thứ trưởng yêu cầu tập trung các hoạt động đối thoại, tọa đàm, tư vấn trực tiếp, ưu tiên cho các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn; trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến thì tập trung sản xuất chương trình, đưa lên mạng tài liệu hướng dẫn. Đồng thời nghiên cứu có kênh tiếp nhận, xử lý những vướng mắc của DN; huy động được các chuyên gia giỏi tham gia vào các hoạt động Chương trình.

Đọc thêm