Tập trung mọi nguồn lực làm tốt công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật

(PLO) -Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu tại Hội nghị giao ban công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Bộ Tư pháp diễn ra sáng qua (28/12).
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại Hội nghị

Thông tin tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (CVĐCVXDPL) nêu rõ, sau 1,5 năm triển khai thi hành Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, công tác thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL và dự án, dự thảo VBQPPL của Bộ đã dần đi vào nền nếp, bảo đảm tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục và các yêu cầu mới của Luật này. Nhằm tạo cơ sở cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ thẩm định, ngay từ đầu năm 2017, Vụ CVĐCVXDPL đã chủ trì xây dựng Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phân công thẩm định, góp ý, tham gia xây dựng đề nghị xây dựng VBQPPL và dự án, dự thảo VBQPPL năm 2017.

Tính từ 1/7/2016 đến 26/12/2017, Văn phòng Bộ đã tiếp nhận 491 hồ sơ thẩm định. Các đơn vị đã tuân thủ và thực hiện tương đối nghiêm túc các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định; các công chức tham gia thẩm định có nhiều ý kiến xác đáng; báo cáo thẩm định tương đối đạt yêu cầu. Công tác phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ đã được thực hiện khá tốt. Qua đó, góp phần đảm bảo tính hợp lý, nâng cao đáng kể chất lượng của văn bản thẩm định.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số đơn vị đã trình bày các vấn đề liên quan tới công tác thẩm định của đơn vị. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên nêu lên thực tế hiện nay, một số cơ quan, tổ chức cử người tham gia Hội đồng thẩm định còn chưa phù hợp, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu nên ý kiến đánh giá chưa sâu sát, còn chung chung. Do vậy, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cá nhân, tổ chức về vị trí, vai trò của công tác thẩm định. 

Còn Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tú tỏ ra băn khoăn bởi sau khi Văn phòng Bộ tiếp nhận hồ sơ, lãnh đạo Bộ phân công tới các đơn vị chuyên môn thì mới phát hiện hồ sơ bị thiếu, khi đó ai là người có trách nhiệm thông  báo, gửi lại hồ sơ đến cơ quan chủ trì soạn thảo? Một số vấn đề khác cũng được ông Tú nêu lên như việc phân công một số chương trình phát sinh còn chưa phù hợp, hồ sơ các văn bản các bộ, ngành gửi đến thẩm định chưa đảm bảo về chất lượng, đặc biệt là báo cáo đánh giá tác động chính sách.

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nêu rõ, kết quả của công tác thẩm định VBQPPL có vai trò và ý nghĩa quan trọng nên các đơn vị thuộc Bộ cần làm thật tốt công tác này để góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, đồng thời nâng cao vị trí, uy tín của Bộ, ngành Tư pháp. Thời gian qua, công tác thẩm định cơ bản đạt nhiều kết quả tích cực với tiến độ đảm bảo, chất lượng thẩm định từng bước được nâng lên, nhiều ý kiến thẩm định sâu sắc, quy trình tổ chức thẩm định ngày càng được hoàn thiện. Sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ, với các bộ, ngành khác có nhiều cải thiện; việc ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm và đạt được một số kết quả cụ thể. Nhờ đó, hoạt động thẩm định từng bước được thực hiện nền nếp hơn trước.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một số vướng mắc, hạn chế nhất định như chất lượng báo cáo thẩm định tuy cải thiện nhưng chưa đột phá về chất lượng, thiếu đồng đều, một số nội dung thẩm định chưa sâu. Tiến độ thẩm định một số đề nghị, dự án còn chậm, nhất là khâu chuẩn bị báo cáo thẩm định; chi phí sức lao động đầu tư cho báo cáo thẩm định còn lớn do tổ chức công việc ở một số khâu còn lúng túng.

Nguyên nhân khách quan của thực trạng trên là do hồ sơ gửi thẩm định không đảm bảo chất lượng, nội dung còn sơ sài, việc chuyển hồ sơ thẩm định còn muộn. Trách nhiệm các thành viên tham gia hội đồng thẩm định chưa cao, nhiều ý kiến còn chung chung nên việc tổng hợp báo cáo thẩm định chưa đạt chất lượng. Khối lượng công việc thẩm định tăng lên với yêu cầu cao song các điều kiện đảm bảo cho công tác này chưa tương xứng.

Các nguyên nhân chủ quan cũng được Thứ trưởng nhận diện đó là một bộ phận cán bộ, công chức có năng lực chưa tương xứng với yêu cầu công việc nên vẫn còn các ý kiến phát biểu hời hợt, chưa sâu sát; kỷ luật của các thành viên tham gia hội đồng chưa nghiêm, thiếu trách nhiệm... 

Nhấn mạnh công tác xây dựng văn bản là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp, trong đó công tác thẩm định được đặc biệt chú trọng nên trong năm 2018 cũng như thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần tập trung mọi nguồn lực làm tốt công tác này, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện và minh bạch. Theo đó, cần tiếp tục thực hiện nghiêm đầy đủ quy định Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, Nghị định 34/2016/NĐ-CP cũng như áp dụng linh hoạt Quy chế thẩm định của Bộ. Mỗi đơn vị cần tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, chú trọng khâu đào tạo, bồi dưỡng thông qua thực tế, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng cường các hoạt động sinh hoạt chuyên môn. Cùng với đó, cần tiếp tục có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác thẩm định VBQPPL.

 Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu cần tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức liên quan đến công tác thẩm định như: sớm ban hành quyết định phân công đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định; tiếp nhận hồ sơ cần kiểm tra ngay về mặt hình thức, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các thủ tục. Thành phần Hội đồng tham gia phải đúng quy định, trong đó chú trọng mời chuyên gia giỏi, có chuyên môn sâu trong lĩnh vực thẩm định. Ngoài ra, cần tính toán, cân đối chi phí hợp lý dành cho công tác thẩm định; đơn giản hóa các hồ sơ, thủ tục và tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ. 

Đọc thêm