Phải như thế chứ!

(PLO) - Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về quản lý biên chế công chức để thay thế những nghị định trước đây điều chỉnh phạm vi này.
Hình minh họa

Một trong những vấn đề được quan tâm và coi như điểm mới là quy định trách nhiệm người đứng đầu bộ, ngành, địa phương thực hiện không đúng quy định về quản lý biên chế công chức. Theo đó, người đứng đầu sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm và là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Đặc biệt, người đứng đầu phải bồi hoàn kinh phí đã sử dụng vượt quá số biên chế công chức được giao hoặc thực hiện không đúng đối tượng, không đúng quy định về quản lý, sử dụng số biên chế công chức.

Phải như thế chứ! Làm được điều này (cả trên văn bản lẫn thực tế) sẽ là một chế tài mạnh đối với các hành vi “coi thường” chỉ tiêu biên chế, dễ dàng gật đầu với các trường hợp xin thêm, bổ sung hoặc để cho biên chế “phình” tự nhiên và cơ học. Đây cũng là một bước cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong lĩnh vực “quản” biên chế, bấy lâu nay, trách nhiệm người đứng đầu thường xuyên được nhắc tói nhưng chung chung quá, cần xác định cụ thể, minh bạch hơn trong phạm vi chức trách, thẩm quyền của người đó.

Trong giai đoạn hiện nay, chưa bao giờ chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế lại được thực hiện hết sức quyết liệt như lần này. Có bộ, ngành, địa phương đã dẫn đầu, làm gương thực hiện chủ trương này. Bên cạnh đó, quyết liệt đến thế song cũng không ít nơi “không nhúc nhích”, thậm chí vẫn tăng thêm biên chế. Cuối năm 2017, báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội cho thấy có 11 địa phương sử dụng vượt gần 8.000 biên chế so với chỉ tiêu được giao. Số cán bộ ngoài biên chế cũng phải được xem xét đến và giảm thiểu, chỉ riêng cấp xã tính ra có đến 100.000 người làm công tác kiêm nhiệm và 1.000 tỷ đồng rót vào đó mỗi năm và đội ngũ này làm việc trung bình 01giờ/một ngày.

Bên cạnh đó, hiện tượng phổ biến là đưa người nhà, họ hàng, đồng hương, làng xóm, người thân yêu,... vào bộ máy và cơ cấu lãnh đạo, thậm chí cả các “đệ tử điếu đóm” (từ dùng của một đại biểu Quốc hội) cũng được quy hoạch. Tới đây nảy sinh chuyện trách nhiệm người tiến cử, cứ bảo phải chọn người có tâm, có tài nhưng cụ thể là ai thì không biết. Hàng loạt cán bộ cao cấp “dính chàm” vừa rồi là một minh chứng rất rõ ràng cho tình trạng này, họ còn có thể được cơ cấu vào đội ngũ cán bộ chiến lược. Vậy, trách nhiệm thuộc về ai khi mở rộng đường cho “lươn chạch” (từ dùng của Tổng Bí thư).

Như vậy, quy định rõ trách nhiệm, phân định rõ hành vi và đi kèm với một chế tài thích đáng, minh bạch mọi chuyện trong tuyển dụng và sử dụng biên chế, cán bộ thì mới có thể ngăn chặn được tình trạng “càng cắt, càng dài, càng giảm, càng phình to” như hiện tại.

Đọc thêm