'Phải tổ chức lực lượng quản lý rừng mạnh để khắc phục những nhược tật hiện nay'

(PLO) - Theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNT), lực lượng làm công tác quản lý nhà nước ở rừng là một lực lượng chấp pháp ở khu vực rất quan trọng, không chỉ trước mắt mà còn rất lâu dài. “Chúng ta coi lực lượng chấp pháp này là rất đặc biệt”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Chiều nay, phát biểu trong cuộc thảo luận về Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN & PTNT cho biết: Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng được tiến hành trong một giai đoạn hết sức quan trọng.

“Một đất nước với 3/4 là núi, những thập niên 90 chúng ta có hệ số che phủ 28%, sau hơn 20 năm phát triển bằng sự nỗ lực cả hệ thống chính trị, bằng các chủ trương chính sách của một đất nước chưa giàu nhưng đến nay chúng ta đưa hệ số che phủ lên 41,19%, là một nước có hệ số che phủ khá trên thế giới và đứng đầu trong khu vực, đây là một cố gắng rất lớn của chúng ta. 

Thứ hai, từ một đất nước mà hàng năm khai thác từ rừng tới một triệu m3 chủ yếu làm củi, làm vật liệu chế biến, đến nay chúng ta hình thành công nghiệp chế biến gỗ và sản phẩm gỗ cho giá trị xuất khẩu tới 7,36 tỉ USD năm 2016, năm nay dự kiến vào khoảng xấp xỉ 8 tỉ USD. Từ chỗ một năm chúng ta nhập khẩu vài triệu m3 gỗ đến nay chúng ta tự chủ hoàn toàn. Năm ngoái chúng ta sản xuất ra lượng gỗ trồng là 17,3 triệu m3 và năm nay dự kiến gần 20 triệu m3. Chúng ta lo việc làm thường xuyên và bán thường xuyên cho 25 triệu đồng bào chúng ta làm nghề rừng này”, ông nói.   

Sau khi liệt kê một vài thành tựu vượt bậc, Bộ trưởng nhận định: Trong giai đoạn đòi hỏi cao hơn về quản lý phát triển rừng, với thách thức biến đổi khí hậu và đòi hỏi phát triển một ngành lâm nghiệp bền vững chiều sâu hơn, dự thảo luật ra đời nhằm đáp ứng những yêu cầu đó. 

Theo Bộ NN & PTNT, lực lượng làm công tác quản lý nhà nước ở rừng là một lực lượng chấp pháp ở một khu vực rất quan trọng, không chỉ trước mắt mà còn rất lâu dài. “Chúng ta coi lực lượng chấp pháp này là rất đặc biệt, vì hoạt động ở một khu vực rất dễ tổn thương, không chỉ là rừng thiêng núi độc, mà khu vực này còn nhiều vấn đề vì là miền núi, vùng sâu vùng xa”

Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, lực lượng chấp pháp này phải đủ mạnh. Các luật trước đã ghi nhận, thì Dự thảo lần này phải thể hiện cho rõ. Theo ý của Bộ trưởng, Luật chỉ quy định vấn đề chung thể hiện tinh thần coi trọng vai trò của lực lượng này. Còn những vấn đề cụ thể chi tiết sẽ cụ thể hóa ở những văn bản dưới luật.  

“Chúng ta cũng làm sao cố gắng trong cách thể hiện, nhưng quan trọng hơn là tổ chức lực lượng sau này đủ mạnh, khắc phục được những nhược tật hiện nay, đó là có lực lượng này mà vẫn để xảy ra những vi phạm.” – Bộ trưởng nói.

Về mối quan hệ của Dự thảo luật Bảo vệ và phát triển rừng với kiểm lâm, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Nguyễn Sơn) - Hà Tĩnh có thêm ý kiến: Việc phân định vẫn chưa rõ giữa quản lý nhà nước, giữa lực lượng kiểm lâm mang tính chất thực thi pháp luật về lâm nghiệp và so với các quy định trong hệ thống pháp luật, từ pháp lệnh của thường vụ Quốc hội năm 1972, Luật Bảo vệ phát triển rừng năm 1991, sửa đổi năm 2004 đến các nghị định của Chính phủ số 119 năm 2016, 117 năm 2010, cũng như trong các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2013. Theo đó, lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách nòng cốt để thực hiện bảo vệ rừng, lực lượng chấp pháp để bảo đảm cho việc thực thi thi hành luật về bảo vệ rừng. 

“Chúng ta cũng đã có nhiều giải pháp và lực lượng kiểm lâm cũng có quyền được kiểm tra việc thi hành pháp luật bảo vệ rừng, xử lý vi phạm hành chính, khởi tố điều tra vụ án hình sự, khởi tố đối tượng phạm tội, bắt giữ, tạm giữ phương tiện và được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ sử dụng trong trường hợp pháp luật quy định khi thi hành công vụ. Do đó, những chức năng này chúng tôi cũng đề nghị tách rõ không làm chức năng quản lý nhà nước gắn lồng vào đây. “

Ông đề nghị luật sửa đổi lần này đưa ra các quy định pháp luật để có hiệu lực hơn về lực lượng kiểm lâm vào luật, khẳng định vai trò, trách nhiệm bảo vệ rừng và cần dành một chương riêng hoặc một mục trong chương, chứ không lẫn vào trong quản lý nhà nước về lực lượng kiểm lâm trong quản lý nhà nước về lâm nghiệp để việc thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật thành cơ quan chuyên trách.

Cũng tham gia thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng rừng tự nhiên ngày càng bị tàn phá, bị cháy, bị khai thác trái pháp luật diễn ra ở nhiều địa phương và dẫn đến hậu quả tai nạn nặng nề nghiêm trọng, lũ lụt tàn phá, đất đá lở gây thảm họa thương tâm cả về tính mạng và kinh tế.

Có nhiều nơi cán bộ kiểm lâm còn "tiếp tay" cho lâm tặc, chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm kiểm tra và thiếu những biện pháp xử lý hữu hiệu, nguyên nhân sâu xa là do hệ thống pháp luật và tài nguyên rừng của chúng ta còn nhiều hạn chế, trong đó có Luật Bảo vệ và phát triển rừng. 

Ông cũng góp ý cụm từ "rừng tín ngưỡng" tại khoản 8 Điều 2 nên đổi thành "rừng thiêng".

“Đây là một điểm tôi muốn Ban soạn thảo hết sức lưu ý vì dân gian có câu rừng thiêng nước độc, chưa ai nói đến rừng tín ngưỡng. Rừng thiêng là rừng mà niềm tin của người dân cho rằng rừng có một đấng siêu nhiên, mô hình nào đó cai quản, bảo vệ và nếu ai chặt phá, gây ô nhiễm hoặc làm thay đổi, biến dạng sẽ phải bị trừng phạt. Vì thế người dân có ý thức bảo vệ khác với tín ngưỡng, tín ngưỡng ở đây là niềm tin thờ cúng tổ tiên, ông bà, thành hoàng, các vị phật tổ, phật quan âm... Ở đây mình nói dùng từ tín ngưỡng cũng không đúng", ông nói. "Trong giải thích rừng tín ngưỡng là rừng gắn với niềm tin phong tục tập quán, cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng, cái này không chính xác. Ở Quảng Bình có một thôn ở Châu Hóa, rừng đó người ta cũng không sống dựa vào rừng gì cả nhưng cho rằng đó là rừng thiêng cho nên không ai chặt phá và bảo vệ từ đời này qua đời khác”.

Một số khác đề xuất nên đổi tên Luật thành Luật Lâm nghiệp. ĐB Tô Văn Tám - Kon Tum phân tích: “Trong điều kiện khi độ che phủ rừng được nâng cao, phát triển rừng đang đi vào bền vững, lâm nghiệp ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế thì cần tạo cơ sở pháp lý cho ngành lâm nghiệp, phạm vi điều chỉnh cần bổ sung cho toàn ngành lâm nghiệp chứ không chỉ rừng. Các nội dung của dự thảo luật  đã bao quát cả việc bảo vệ phát triển rừng, sử dụng rừng, chế biến thương mại lâm sản. Do vậy, việc lấy tên của luật là Luật Lâm nghiệp là phù hợp”. 

Đồng ý quan điểm gọi là Luật Lâm nghiệp, Thượng tọa Lý Minh Đức (Lý Đức) - Sóc Trăng cho rằng tên gọi Luật Lâm nghiệp là phù hợp với phạm vi điều chỉnh và nội dung của dự thảo luật khẳng định nông nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật gồm một chuỗi các hoạt động từ bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng đến chế biến thương mai, lâm sản, tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh việc chế biến thương mại, lâm sản, khai thác dịch vụ môi trường rừng. Bên cạnh giá trị ngành lâm nghiệp đóng góp cho nền kinh tế, vị thế của ngành lâm nghiệp ngày càng được khẳng định hơn với vai trò trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một trong những vấn đề cũng được các ĐB quan tâm đóng góp ý kiến là sự tương thích giữa Luật Bảo vệ và phát triển rừng với Luật Đất đai.

Đọc thêm