Phương pháp cũ trong một xã hội mới?
Theo nghiên cứu của MSD United Way Việt Nam năm 2024 cho thấy, có tới 88% trẻ em được khảo sát cho biết đã từng bị mắng, chửi trong gia đình; 54% đã từng bị đánh trong gia đình; 54% bị kiểm soát trong các mối quan hệ xã hội (kết bạn, tình yêu).
Cho tới nay, mặc dù các phương pháp giáo dục theo xu hướng cởi mở, hiện đại hơn, việc dùng đến lời nói nặng nề hay đòn roi được các nhà nghiên cứu tâm lý và chuyên gia giáo dục khuyến cáo cần loại bỏ khỏi các phương pháp dạy con, thế nhưng rất nhiều bậc phụ huynh vẫn giữ thói quen xưa cũ là dùng đánh, mắng để đưa con vào “khuôn khổ”.
Một số câu chuyện, clip thịnh hành trên mạng cũng cho thấy, không ít bậc cha mẹ dùng cách thức chửi bới, đánh đập để dạy con và không ít trường hợp quá tay, trở thành bạo hành, để lại thương tổn cho trẻ.
Truyền thống giáo dục bằng đòn roi xuất phát từ quan niệm xưa rằng “yêu cho roi cho vọt”. Với cha mẹ, đó là cách thể hiện tình thương nghiêm khắc. Nhưng trong xã hội hiện đại, trẻ em được tiếp cận nhiều nguồn thông tin và chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố ngoài gia đình. Tâm lý của trẻ ngày nay nhạy cảm và phức tạp hơn, vì vậy, việc áp dụng những phương pháp răn đe cứng rắn này có thể dẫn đến các tác động tiêu cực.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, nhiều người thường nghĩ “bạo hành gia đình” là cái gì đó rất ghê gớm, trên thực tế, cha mẹ lạm dụng cách mắng chửi, đánh con, dù nhân danh “dạy dỗ” thì vẫn là hành vi bạo hành con trẻ. Các nghiên cứu cho thấy, hậu quả khi trẻ bị đánh, mắng thường xuyên sẽ là rất nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến sự phát triển tâm, sinh lý lâu dài của trẻ. Khi bị đánh mắng, trẻ sẽ bị tổn thương lòng tự trọng, dễ trở nên mất tự tin hoặc trở nên chống đối cha mẹ, dẫn đến sự mất kết nối giữa cha mẹ và con. Ngoài ra, trẻ sẽ vô thức học theo cách ứng xử mà cha mẹ đối với trẻ, sau đó áp dụng hành vi này với người khác, nuôi dưỡng mầm mống của bạo lực ngôn ngữ và bạo lực hành vi. Đó là chưa kể đến đứa trẻ bị đánh đập, mắng chửi lâu dài có thể trở nên khép kín, thu mình trong thế giới riêng, rơi vào trầm cảm.
Kỷ luật tích cực thay cho đòn roi
Theo một nghiên cứu từ Đại học Yale, Mỹ cho thấy, việc cha mẹ đánh mắng con hầu hết đều xuất phát từ những nguyên nhân không tốt: Mong muốn ép trẻ vào “khuôn” theo ý mình, hoặc đó là cách cha mẹ thể hiện sự thất vọng vì những kì vọng không được đáp ứng. Thậm chí, nhiều cha mẹ đánh, mắng con không phải vì muốn tốt cho con, mà đơn giản là để trút những bực dọc, ẩn ức mà bản thân đang gặp phải trong cuộc sống. Điều này rất nguy hại, vì từ những lời mắng, là sự bạo hành ở mức độ “nhẹ”, một khi các bậc cha mẹ quen với phương pháp này, thì mọi thứ càng lúc càng đi xa, những lời chửi bới sẽ ngày một nặng nề hơn, cũng như đòn roi ngày một nặng tay hơn.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, để bạo hành không diễn ra trong gia đình, tốt hơn hết các bậc cha mẹ nên “nói không” với phương pháp giáo dục bằng bạo lực từ đầu. Nhiều bậc cha mẹ vẫn lo lắng nếu không nghiêm, con sẽ dễ hư, nhưng thực chất vẫn có nhiều phương pháp dạy con nghiêm túc, hiệu quả mà không dùng cần đến lời chửi mắng hay đòn roi, đó gọi là “kỉ luật tích cực”. Đây là phương pháp giáo dục hiện đại được khuyến khích, phương pháp này không sử dụng bạo lực, thay vào đó giúp trẻ hiểu và chịu trách nhiệm cho hành động của mình thông qua sự thấu hiểu và hướng dẫn. Một số nguyên tắc của “kỉ luật tích cực” sẽ bao gồm việc đưa ra và tuân thủ những quy tắc hợp lý trong gia đình, thay mắng chửi bằng giải thích, khuyến khích thay vì áp đặt và lắng nghe, tạo điều kiện để con trẻ nói ra suy nghĩ, nỗi niềm trong lòng, để con thấy được tôn trọng.
Để từ bỏ thói quen mắng mỏ, đánh đòn, cha mẹ cũng cần học cách kiểm soát cảm xúc và tìm hiểu tâm lý trẻ em. Xã hội hiện đại đòi hỏi những kỹ năng làm cha mẹ mới, trong đó yêu thương và kiên nhẫn là những giá trị cốt lõi. Một xã hội phát triển là một xã hội cần những đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương, sự thấu hiểu và sự hướng dẫn đúng đắn. Đây không chỉ là cách chúng ta nuôi dạy trẻ em, mà còn là cách xây dựng một thế hệ tương lai lành mạnh hơn.