"Phải xem cán bộ giàu có bất minh hay minh bạch"

"Có nhiều người trong số họ (người có chức quyền, giữ những vị trí "nhạy cảm") rất giàu có. Biết là giàu nhưng không ai có thẩm quyền nói về việc đó và không có cơ quan chức năng vào cuộc xem sự giàu có đó bất minh hay minh bạch. Minh bạch thì phải chứng minh tài sản do mồ hôi công sức của anh hay do ông cha để lại, nếu không phải xác định nguồn gốc tài sản...", Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị Lê Như Tiến nói.

Với những bài phát biểu làm “nóng” nghị trường về phòng chống tham nhũng (PCTN), Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH - chia sẻ, ông chỉ “nói lên tiếng nói của người dân”. Ông trao đổi thêm với PLVN:

đ
ĐB Lê Như Tiến
Muốn kiểm soát phải công khai
- Thưa ông, kê khai và công khai tài sản là những yếu tố rất quan trọng để PCTN, nhưng vì sao thực tế việc triển khai vẫn chưa đạt hiệu quả?
- Không phải đến bây giờ chúng ta mới có quy định về vấn đề này, tuy nhiên việc thực thi chưa hữu hiệu. Nhiều cán bộ, công chức nhà nước có nhiều tài sản khác nhau nhưng lại chuyển dịch cho người thân trong gia đình, thậm chí còn chuyển dịch cả tài sản ra nước ngoài. Các tài sản chuyển dịch có giá trị lớn như đất đai, nhà cửa, phương tiện đi lại... nhưng chúng ta không kiểm soát được. Vấn đề là muốn kiểm soát được phải công khai; công khai cho mọi người cùng biết chứ kê khai xong rồi cất trong tủ chỉ có người có thẩm quyền mới biết thì không gọi là công khai mà chỉ là kê khai.
Cần phân biệt công khai với kê khai là khác nhau. Vì thế, kiểm soát tham nhũng qua kê khai tài sản thì trước hết người kê khai phải trung thực, kê khai đúng tài sản vốn có của anh. Có 10 phải kê 10 chứ không phải chỉ kê 1. Đã gọi là minh bạch mà không thực hiện, kê khai không đúng, kê khai ít so với thực tế thì không thể nói là minh bạch, sẽ không đạt hiệu quả.
- Như ông vừa nói, quan trọng là ta phải kiểm soát. Nhưng làm thế nào để kiểm soát khi việc chuyển dịch tài sản là thiên biến vạn hóa?
- Không còn cách nào khác là các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Chúng ta không phải không có điều kiện để làm, để kiểm soát, giám sát nhưng tôi cho rằng hiện nay cơ quan bảo vệ pháp luật chưa vào cuộc một cách mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát quyền lực hiện cũng chưa rõ. Ai kiểm soát, kiểm soát như thế nào, cơ chế ra sao… những vấn đề đó Luật phải quy định, phải cho phép, nhất là đối với những cán bộ cao cấp.
Phải quy định rõ ra là cơ quan nào được vào hỏi, điều tra, thanh tra việc kê khai của những cán bộ cấp cao đó. Các cơ quan của Đảng, cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan giám sát của Quốc hội phải vào cuộc một cách đồng bộ và có sự đồng thuận cao. Nếu không có sự đồng bộ và đồng thuận cao thì mọi việc vẫn chỉ là hình thức. Có khi phát hiện ra tham nhũng nhưng xử lý cán bộ lại không thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra, thanh tra nên lại mắc ở đó.
Tôi từng phát biểu tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII rằng, một nguyên lý bất di bất dịch là ở đâu có quyền lực thì ở đó phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, vì những người có quyền thì dễ lộng quyền, lạm quyền và chuyên quyền. Cho nên, việc kiểm soát quyền lực phải làm với bất kỳ ai. Vụ việc xảy ra tại Vinashin, Vinalines… là những minh chứng hùng hồn và bài học đau xót.

“Tham nhũng, lãng phí là anh em sinh đôi, là hai kẻ đồng hành, đồng lõa, đồng phạm cùng hội, cùng thuyền gây nên những thất thoát lớn nguồn lực mà mỗi người dân đổ mồ hôi, sôi nước mắt, một nắng hai sương chắt chiu dành dụm từng ngày…

Nếu như tiết kiệm là quốc sách thì lãng phí là quốc nạn. Chúng ta thường lên án gay gắt, mạnh mẽ đối với hành vi tham nhũng, nhưng thất thoát do lãng phí đôi khi còn lớn hơn rất nhiều thì chúng ta lại nương tay, xem nhẹ.

Hầu như chưa có vụ án nào xét xử lãng phí, vì tham nhũng bị coi là tội phạm, còn lãng phí chỉ coi là khuyết điểm.”

(Trích phát biểu của ĐBQH Lê Như Tiến tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 30/10)

Riêng ở địa phương, hiện nay giao người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương rất nhiều quyền về đất đai công sản, ông có thể ký cấp đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng…

Trong điều kiện đất đai sinh lời như thế rất dễ làm người ta không thể từ bỏ lợi ích; nếu người ta giữ vững khí tiết thì lại bị tác động xung quanh, từ gia đình, người thân, cấp dưới…

Họ sẽ đặt dấu hỏi sao anh dại thế, một chữ ký sinh lợi hàng tỷ đồng sao không làm. Cho nên, quan trọng là người đứng đầu cơ quan quản lý hành chính nhà nước được giao nhiều quyền cũng phải gắn với kiểm soát quyền lực, gắn với thanh tra, kiểm tra, giám sát kịp thời thì việc thất thoát, lãng phí, tham nhũng sẽ giảm.

Tài sản không phải là cái kim sợi chỉ, muốn giấu là giấu được
- Theo ông việc công khai tài sản nên thực hiện thế nào cho đạt hiệu quả? Có cần thiết phải công khai tại nơi cư trú?
- Dự thảo Luật PCTN sửa đổi trình Quốc hội theo phương án công khai ở cơ quan nơi công tác chứ không buộc công khai ở nơi cư trú. Tuy nhiên, tôi ủng hộ công khai cả ở nơi cư trú. Có gì đâu mà không công khai, anh sống ở đó dân họ biết chứ. Anh có 1 cái nhà, cái ô tô, hay bất động sản  lớn thì không hà cớ gì mà người dân không biết, vì có phải cái kim, sợi chỉ đâu mà giấu được.
Nhưng với những trường hợp đứng tên người khác, để người khác sử dụng thì khó hơn, đòi hỏi  cơ quan chức năng phải vào cuộc xem có đúng tài sản đó của anh không. Ví dụ, chuyện 1 vị Chủ tịch UBND tỉnh nào đó, có con trai ở tuổi vị thành niên nhưng lại đứng tên 1 lâu đài giá trị thì phải làm rõ tài sản đó từ đâu ra, hay nói cách khác là phải chứng minh được nguồn gốc tài sản. Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn làm được, chỉ có điều muốn làm hay không.
- Dự thảo Luật PCTN sửa đổi quy định việc kê khai tài sản được thực hiện đến tận cán bộ, công chức, viên chức là Đảng viên. Như vậy có rộng quá không, thưa ông?
- Theo tôi thì nên khuôn vào đối tượng là những người có chức có quyền, giữ những vị trí nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng như người giữ vai trò về phân phối, quyết định tài sản đất đai, công sản, nhà cửa, người nắm những dự án đầu tư trong nước và ngoài nước, những vị trí quyết định về tổ chức cán bộ, hoặc người nắm huyết mạch trong kế hoạch đầu tư, trong phân bổ ngân sách nhà nước, phân bổ nguồn lực xã hội…
Có nhiều người trong số họ rất giàu có. Biết là giàu nhưng không ai có thẩm quyền nói về việc đó và không có cơ quan chức năng vào cuộc xem sự giàu có đó bất minh hay minh bạch. Minh bạch thì phải chứng minh tài sản do mồ hôi công sức của anh hay do ông cha để lại, nếu không phải xác định nguồn gốc tài sản. Do đó, khuôn lại thì sẽ thuận lợi hơn, bởi nếu không cẩn thận sẽ sa vào kê khai hàng loạt. Thực tế, nhiều Đảng viên là thương binh phải trông vào tiền trợ cấp thương tật hàng tháng của Nhà nước, bảo họ kê khai trong khi nhà chẳng có tài sản gì thì liệu có dàn trải quá không?.
- Vấn đề mà nhiều cử tri quan tâm hiện nay là việc thu hồi tài sản TN quá ít so với số tiền, tài sản bị TN. Việc này có phải do pháp luật còn bất cập?
- Khi cơ quan điều tra chứng minh được là tài sản bất minh, không có nguồn gốc thì bên cạnh tội danh về TN, điều quan trọng không kém là việc thu hồi tài sản. Hiện việc thu hồi chưa được nhiều là vì chưa có những quy định cụ thể để việc thu hồi thành hiện thực. Ta nói thu hồi nhưng phải rõ ra căn cứ nào để thu hồi. Vấn đề này cần quy định cụ thể trong BLHS và Luật PCTN sửa đổi và đặc biệt trong Nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ. 
Nên lập cơ quan PCTN độc lập
- Quá trình thảo luận ở tổ, nhiều ý kiến băn khoăn vì Dự thảo Luật đã không quy định về Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN mà cho rằng việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN sẽ do Đảng quy định, ông thấy sao?

Về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo Chính phủ trước mắt nên thực hiện việc công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc.

Sau một thời gian nhất định sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả của việc công khai này rồi mới thực hiện việc công khai tại nơi cư trú. Mặt khác, việc công khai tại nơi cư trú cần phải được quy định rất chặt chẽ, tránh lạm dụng vào các mục đích tiêu cực. 

- Theo tôi, cần xây dựng một mô hình cơ quan nhà nước mang tính tổng hợp, bộ máy tổ chức trong đó bao gồm có Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các cơ quan Tư pháp sẽ hiệu quả hơn vì các cơ quan đó có bộ máy còn Đảng thì không có cơ quan chuyên về PCTN. Vì vậy, ý kiến của tôi như một số Đại biểu Quốc hội đã nói trên diễn đàn là nên có một cơ quan PCTN độc lập, có đầy đủ sức mạnh tổng hợp.

Hiện nay, Quốc hội nhiều nước trên thế giới có cả cơ quan điều tra đặc biệt đối với từng vụ việc nhưng họ  không làm thay cơ quan xét xử. Họ có quyền năng đặc biệt, rất lớn để điều tra những vụ quy mô lớn, liên quan đến người có chức vụ quyền hạn rất lớn.  Có 3 cơ quan  hỗ trợ  cho Quốc hội trong PCTN đó là Kiểm toán Nhà nước nằm trong Quốc hội, Cơ quan Thanh tra Quốc hội và Ủy ban Kiểm tra đặc biệt. Ta cũng nên tham khảo những mô hình này.

- Với yêu cầu công tác PCTN trong giai đoạn hiện nay, ông có cho rằng phải sửa đổi toàn diện các quy định của luật?
- Lần này ta chưa có điều kiện sửa toàn diện, chỉ nên sửa 1 số điều nhất là những điều Hội nghị TW đã kết luận, qua thực tiễn hoạt động cần được điều chỉnh như vấn đề về cơ quan chỉ đạo TW PCTN, đặc biệt kê khai minh bạch hóa tài sản…
- Xin cảm ơn ông!
Thu Hằng (thực hiện) 

Đọc thêm