Đề xuất sỹ quan Quân đội, Công an cũng phải kê khai
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) cho biết: Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập , nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai như quy định của dự thảo Luật; ý kiến khác đề nghị bổ sung đối tượng có nghĩa vụ kê khai là sĩ quan quân đội nhân dân và sĩ quan công an nhân dân. Một số ý kiến ĐBQH đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tập trung vào các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao để phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập.
Theo đó, người giữ chức vụ từ Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm với mục đích nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn. Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm...
Đồng thời, dự thảo Luật quy định thu hẹp đầu mối các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, chủ yếu giao cho hệ thống thanh tra cấp tỉnh, Thanh tra Chính phủ để bảo đảm tính chuyên nghiệp; bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc... Theo bà Nga, các quy định này cơ bản đáp ứng yêu cầu tập trung kiểm soát tài sản, thu nhập của những người đứng đầu hoặc công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, bảo đảm phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập.
Phiên họp của Uỷ ban Tư pháp |
Bỗng dưng sở hữu hàng chục tỉ đồng, biệt phủ, xe sang
Cho ý kiến dự thảo luật, ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai), cho rằng, đối tượng kê khai tài sản thu nhập (Điều 35) là mấu chốt về kiểm soát tài sản, vì trước đây nhiều năm, năm nào chúng ta cũng kê khai nhưng không giải quyết được vấn đề gì trong đấu tranh PCTN. Ông đồng ý với các nhóm đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập và đề nghị Luật sửa đổi phải quy định nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ, chồng, con cái vị thành niên, cha mẹ, ông bà. Vì theo ông, việc quá thu hẹp như dự thảo là chưa thực sự xoáy vào "tảng băng chìm", hang ổ tham nhũng, tài sản tham nhũng.
“Nhân dân sẽ vẫn hoài nghi và tâm tư về tiến trình, phong trào diệt "giặc nội xâm" này. Theo ý kiến cử tri là phải mở rộng diện kê khai cha mẹ, con ruột, ông, bà bởi các minh chứng từ thực tiễn làm cho dư luận "dậy sóng" suốt thời gian qua”, ĐB Vượt nói và cho biết thực tiễn hiện nay tại nhiều tỉnh, thành, nhân dân, cán bộ đều biết việc bố mẹ, ông bà của quan chức bỗng nhiên hoặc sau một thời gian ngắn đã thấy sở hữu nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp, nhiều tài sản hàng chục tỉ đồng, biệt phủ, xe sang... "Thậm chí những dự án “đất kim cương, đất vàng”, biệt phủ, xe sang được cho là của các thái tử, phò mã, cậu ấm cô chiêu dù trẻ, còn rất trẻ nhưng vẫn bất chấp dư luận, trơ trơ thách thức dư luận".
Đồng quan điểm, ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, đây là vấn đề nhiều cử tri, ĐBQH quan tâm và là lỗ hổng trong Luật PCTN trước đây mà luật này cần sửa đổi. Theo ĐB Diến, trong thực tiễn truyền thông nói rất nhiều về việc một cô gái trẻ công tác bình thường, nhà nghèo, nhưng là “hotgirt”, tự nhiên có một tài sản lớn nhưng không ai kết luận được tài sản của cô đó ở đâu ra. Mà người dân ai cũng biết nguồn gốc từ đâu trong khi cơ quan chức năng bó tay. “Do vậy trường hợp kê khai lần đầu phải kê khai cả tài sản của bố, mẹ, con thành niên và sau này nếu có bất thường đột biến tài sản, cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ trước khi bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn”, ĐB Diến đề nghị.
Tuy nhiên, ĐB Tô Văn Tám (Kom Tum) lại băn khoăn về tính khả thi nếu luật đưa vào quá nhiều đối tượng kê khai sẽ hình thức và khó khả thi. “Thực trạng ông con chưa làm gì cả có mà lại tài sản khổng lồ đã có trên thực tế và dư luận cũng băn khoăn, bàn tán. Nhưng nếu ta mở rộng thế thì tính khả thi có không? Làm luật cần có tính khả thi, nếu không có tính khả thi trong thự tế thì không có ý nghĩa gì cả mặc dù đáp ứng được một phần tâm lý của người dân. Nếu mở rộng như vậy, cha mẹ rồi, con cái rồi, ông bà, cháu nội…thì sao - là vẫn cứ lọt”, ông Tám nói.
Băn khoăn một điều nữa, ĐB Tám cho rằng: việc cơ quan chức năng yêu cầu con chưa thành niên (của đối tượng kê khai –PV) giải trình và họ giải trình không được thì sẽ xử lý như thế nào? Vì họ không thuộc đối tượng tham nhũng. “Như vậy xử lý như thế nào và ai xử lý? Nên chăng lần này ta tạm thời chưa quy định và tiếp tục hoàn thiện thêm”, ĐB Tám đề xuất.
Đưa ra câu chuyện Ủy ban Tư pháp thông tin hiện nay có 1,1 triệu bản kê khai tài sản nhưng chỉ phát hiện được một vài trường hợp tham nhũng, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng nếu mở rộng thêm các đối tượng thì sẽ kê khai gần như cả họ của đối tượng cần kê khai. Như vậy sẽ thiếu tính khả thi. “Chúng ta đấu tranh chống tham nhũng bằng cả một hệ thống pháp luật chứ nếu dựa vào một mình luật PCTN này có lẽ là khó khả thi”, ĐB Nguyễn Tiến Sinh nhìn nhận.
Liên quan đến cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, nên thành lập cơ quan chuyên trách để quản lý, kiểm soát tài sản. Vì một số cơ quan như cơ quan đảng, mặt trận, tòa án, công an… là do các cơ quan tự thành lập cơ quan kiểm soát tài sản thì rất khó. “Tôi không nghi ngờ gì nhưng sẽ khó khách quan vì thời gian qua đã có trường hợp đề bạt cân nhắc ứng cử, đề cử có giấy tờ kê khai tài sản bị đổi để bỏ bớt tài sản nhằm hợp thức hóa. Đây có thể không phải hối lộ tham ô gì nhưng là tình cảm người cùng cơ quan du”, ĐB Phạm Văn Hòa nói và cho biết nếu thành lập cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản thì cơ quan này sẽ sử dụng những người đang có mà không làm phát sinh biên chế. Trong khi nếu cần phát sinh biên chế chúng ta cũng nên đồng ý vì đây là sự thể hiện quyết tâm PCTNcủa Đảng và Nhà nước