“Thời đại sân sau”

(PLO) -Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp Quốc hội sáng qua, vấn đề các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra các “nhóm lợi ích”, hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của Nhà nước, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng lại được nói đậm nét trong báo cáo.
Hình minh họa
Hình minh họa

Một số cá nhân, doanh nghiệp đã móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại một số địa phương để tạo nhóm lợi ích hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ để tạo các tổ chức bình phong nhằm tạo ảnh hưởng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý nhà nước tại địa phương, sự lành mạnh trong môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, có một số vụ việc liên quan đến một số sĩ quan công an, quân đội đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới bị phát hiện, xử lý.

Tình trạng mua bán, chuyển nhượng tài sản công, nhất là đất đai với giá rẻ cho tư nhân không thông qua bán đấu giá, không đúng thẩm quyền xảy ra tại một số địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố lớn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát lớn cho tài sản, đất đai của Nhà nước.

Nguy không? Rất nguy! Mới không? Không mới!  Dẫu cấp độ bây giờ đã khác ngày xưa.

Nhờ nhờ Đảng, Nhà nước tiển khai quyết liệt các biện pháp nên tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm nhưng thực tế đó không thể không công nhận.

Số vụ việc vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ được phát hiện tăng 27,03% chỉ mới nói lên kết quả đấu tranh, chưa nói lên được kết quả “phòng tham nhũng”.

Có một thực tế, ai cũng nhận ra là khi chưa làm cán bộ ai cũng nghèo, làm cán bộ một thời gian đều “thoát nghèo” nhưng khi “kê khai tài sản” ai cũng kê khai nghèo. Làm cán bộ, ai cũng kêu lương thấp nhưng đã là cán bộ, nhà ở, xe cộ đều khác biệt so với dân; không ít cán bộ có nhà lầu xe hơi, con cái du học, biệt phủ, trang trại, khu sinh thái... Đáng tiếc, chứng minh “tiền sạch” thì không ai chứng minh được.

Câu chuyện về tài sản “bất minh” của cán bộ đang được giải thích loanh quanh nhờ tiết kiệm, buôn chổi đót, chạy xe ôm, hoặc được thừa kế từ bố mẹ... Câu chuyện thực tế này đang “đè nặng” lên vai những người làm luật.

Tháng 4 vừa rồi, khi Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) thấy nhiều ý kiến rất mông lung. “Đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, nên việc xử lý theo phương án nào, cần được cân nhắc rất kỹ, thận trọng để vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân, vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng“, lãnh đạo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội mới “chốt” được như thế. Khổ, cơ chế giám sát không hiệu quả thì “chạy theo” tham nhũng còn dài, dài!