Phải xử thật nặng quảng cáo "láo" về thực phẩm

Nếu đúng như quảng cáo của sữa Cô gái Hà Lan, trẻ em không sử dụng sản phẩm này sẽ không thành người. Trong khi, thực chất đó chỉ là loại sữa bò bình thường. Trẻ em ăn quá nhiều còn bị quá tải thận, hư thận, không hấp thụ được...

 “Tôi thấy đau xót và lo ngại cho người dân!” - PGS.TS. Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng đã phải thốt lên như thế trước thực trạng thực phẩm nhiễm độc như hiện nay. Đặc biệt sau một loạt các độc chất được phát hiện có trong các sản phẩm, đồ uống trên thị trường gần đây.

PGS.TS. Trần Đáng

PGS.TS. Trần Đáng cho biết, ông cảm thấy thực sự đau xót và lo ngại cho người dân khi ngày ngày đi chợ, siêu thị mua đồ, họ không khỏi ái ngại, lo lắng thở than “ăn gì, mua gì bây giờ?”. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi theo ông Đáng, ở các nước phát triển, mọi thực phẩm đều phải đạt an toàn 100% mới được phép lưu hành ngoài thị trường. Ví dụ, đối với sản phẩm thịt lợn, khi tung ra thị trường, người ta được quyền biết nó đã được nuôi ở đâu? Thụ tinh ở trại giống nào?... Còn ở nước ta, mọi thứ đều bất ổn. Đến như thịt gà, thịt lợn được đóng cả dấu kiểm dịch cũng chưa thể mang lại sự yên tâm cho người tiêu dùng, kể cả các sản phẩm được đóng gói rồi vẫn khiến không ít người lo ngại.

Bộ mặt thật của phẩm màu E102

Việc tìm thấy phẩm màu tổng hợp E102 trong các sản phẩm mỳ tôm, nước uống đóng chai... vừa qua càng gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng mất ATVSTP. Xin ông cho biết mức độ độc hại của chất tạo màu này như thế nào? Tình trạng vi phạm trong việc sử dụng hóa chất độc hại này ở nước ta ra sao?

- Thực ra, E102 được người Đức phát hiện là hóa chất tổng hợp từ thế kỷ thứ 19. Người Anh cũng biết nó được tổng hợp từ than đá từ rất lâu rồi. Bởi vậy chắc chắn nó là một hóa chất chứ không phải là sản phẩm tự nhiên. Và tuyệt đối nó không giúp cải thiện được giá trị dinh dưỡng và ATVSTP, thậm chí nó còn gây chứng tăng động trẻ em, ung thư và ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể (khẳng định của Cơ quan Quản lý và Thực phẩm Hoa Kỳ - FDA). Tuy nhiên, với các ưu điểm: Tạo màu bắt mắt (xanh, vàng, đỏ, chanh...); độ bền cao và giá thành rất rẻ, hóa chất độc hại này vẫn được các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm ưa dùng.

Về tác hại, không chỉ gây chứng tăng động trẻ em, phẩm màu tổng hợp E102 còn có khả năng gây dị ứng; gây độc và ảnh hưởng rất lớn đến niêm mạc dạ dày, gan, thận, làm tăng bạch cầu; gây lên chứng lãnh cảm ở phụ nữ, ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng và kích cỡ dương vật ở nam giới...

Trước những tác hại của hóa chất này, Ủy ban Tiêu chuẩn hóa Quốc tế và một số tổ chức khác vẫn cho phép sử dụng E102 trong thực phẩm nhưng: 1. Sử dụng với liều lượng chấp nhận được và phải công bố rõ ràng; 2. Được sử dụng trong loại thực phẩm cụ thể nào?; 3. Công bố rõ ràng hàm lượng tối đa trong 1 lít, hay kg thực phẩm; 4. Dán nhãn theo đúng quy định, trong đó phải có các thông tin cảnh báo về an toàn, sức khỏe; 5. Đảm bảo các nguyên tắc: Đánh giá độc tính, môi trường, tích lũy thải trừ... trước khi ra thị trường. Thậm chí, khi ra thị trường rồi vẫn phải đánh giá và xem xét lại xem có đảm bảo an toàn cho người sử dụng không, nếu không bảo đảm thì phải điều chỉnh lại.

Việt Nam cũng đã ban hành ngưỡng sử dụng của hóa chất này từ năm 2001. Cụ thể là Quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT, trong đó cho phép sử dụng chất E102 trong 26 nhóm thực phẩm, với những quy định và nguyên tắc rất cụ thể. Tóm lại, về mặt lý thuyết là ổn. Thế nhưng, trong thực tế lại vô cùng “bất ổn”. Cụ thể, theo quyết định trên, hóa chất E102 không được phép sử dụng trong mỳ tôm nhưng trong quá trình kiểm tra lại phát hiện hóa chất này trong đó. Đây là một việc không thể chấp nhận được.

Thiếu sót lớn hơn là, chúng ta cũng chưa điều tra được liều lượng sử dụng thực tế của hóa chất này trong các sản phẩm (bao nhiêu loại thực phẩm bị nhiễm chất độc này? Mỗi loại chứa bao nhiêu/kg thể trọng...). Bên cạnh đó, hiện chúng ta còn tồn tại một thực trạng rất lộn xộn trong việc ghi nhãn sản phẩm, đặc biệt là ghi các thông tin, công bố trên các sản phẩm thực phẩm.

Đối với sản phẩm mỳ tôm cũng vậy. Việc mỳ tôm không có trong danh mục các sản phẩm được phép sử dụng chất E102 đã sai. Càng sai hơn khi hàm lượng E102 có trong kg mỳ tôm, rồi những thông tin, cảnh báo đối với sức khỏe của hóa chất này cũng không có nốt.

Trước thực trạng rất đáng lo ngại như vậy, PGS.TS có khuyến cáo gì đối với cơ quan quản lý cũng như người dân khi sử dụng các sản phẩm bị nhiễm độc?

- Trước hết, theo tôi thì các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này phải nên xem xét lại các thông tin khoa học về các hóa chất độc hại được tìm thấy trong các sản phẩm, từ đó quy định các giải pháp giải quyết, khắc phục tình trạng này. Thứ hai, phải áp dụng đúng các quy định của quốc tế. Cùng với đó, phải tiến hành các điều tra cần thiết về sản phẩm; xử lý nghiêm khắc và dứt điểm các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm; chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở thực hiện đúng các quy định...

Đối với người tiêu dùng, lời khuyên muôn đời là: “Hãy trở thành nhà tiêu dùng thông thái trong việc mua và lựa chọn sản phẩm”. Đặc biệt, đối với trẻ em và người có tiền sử bị dị ứng, không nên sử dụng các sản phẩm có chất tạo màu tổng hợp E102.

Phải xử lý thật nặng đơn vị quảng cáo láo

Có một thực trạng chúng ta phải thừa nhận là: Một trong những “thủ phạm” tiếp tay cho loại “tội phạm” này là các nhà quảng cáo. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Những chương trình quảng cáo “gây sốc”, quảng cáo không đúng sự thật là hành vi “lừa dối khách hàng” và không thể chấp nhận được. Những việc làm không đúng chuẩn mực đó phải bị xử lý thật nặng.

Tôi lấy ví dụ: Chương trình quảng cáo sữa Cô gái Hà Lan trên Đài Truyền hình Việt Nam. Nếu đúng như những lời quảng cáo đó, trẻ em Việt Nam nếu không sử dụng sản phẩm này sẽ không thành người. Trong khi, thực chất đó chỉ là một loại sữa bò bình thường. Trẻ em nếu ăn quá nhiều còn bị quá tải thận, hư thận, không hấp thụ được. Mặt khác, sản phẩm này cũng chứa rất nhiều hocmon sinh trưởng, nhưng nó chỉ tập trung ở cơ bắp, xương khớp, chứ không có ở não bộ. Các phòng khám Đông Y Trung Quốc thì đua nhau quảng cáo chữa tận gốc bách bệnh, nhưng thực tế chưa chuyên gia y tế, bác sỹ nào dám khẳng định chữa khỏi hoàn toàn một loại bệnh nào trong số đó.

Ngoài ra, loại hình “Shopping TV”  với những chiêu quảng cáo đầy hấp dẫn về đồ dùng phụ nữ, đồ dùng gia dụng trong gia đình... cũng phải nên chấn chỉnh lại, nếu không sẽ loạn quảng cáo, thậm chí trở thành “dịch bệnh quảng cáo”.

Xin cảm ơn PGS.TS!

Trà Long 

Đọc thêm