Phẩm chất quan trọng hàng đầu

(PLVN) - Ngày 2/10, Hội nghị Trung ương Đảng 8 (khóa 13) đã quyết định thi hành kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng với một Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh phía Nam.
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc sáng 2/10/2023 tại Thủ đô Hà Nội.
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc sáng 2/10/2023 tại Thủ đô Hà Nội.

Theo thông tin được công bố công khai thì cán bộ này “đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định”.

Có thể nói rằng, đây là lần đầu tiên một cán bộ cao cấp, chiến lược bị xử lý về việc kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực, một trong những hành vi được coi là tiêu cực theo quy định của Đảng.

Trước đây, một số người từng hoài nghi biện pháp “kê khai tài sản”, với những cán bộ thuộc diện phải kê khai. Việc Trung ương kỷ luật cán bộ trên cho thấy biện pháp này đã đi vào thực chất. Trung thực là một phẩm chất quan trọng của cán bộ, đảng viên. Phẩm chất này, thời nào cũng quan trọng, thời này càng quan trọng.

Trung thực là thật thà, thẳng thắn, không dối trá. Trung thực có các biểu hiện như có quan điểm vững vàng, giữ lời hứa, tuân thủ quy tắc, trung thành, chính trực trong công việc và trách nhiệm cao. Người sống trung thực là người luôn tôn trọng lẽ phải, nói đúng sự thật, dũng cảm nhận lỗi.

Đối với cán bộ, đảng viên, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đức tính trung thực. Trung thực và trách nhiệm là phẩm chất của đảng viên. Theo quan niệm của Hồ Chí Minh, giữa trung thực và trách nhiệm có mối quan hệ khăng khít với nhau. Người có cương vị càng lớn thì càng có trách nhiệm cao. Chỉ khi một người trung thực với chính mình, với người khác, trung thực với tổ chức và với Đảng thì họ mới tự nhận thức rõ được trách nhiệm của mình với chính mình, với người khác, với tổ chức, với xã hội và với Đảng.

Chính vì thế, phê bình và tự phê bình trở thành nguyên tắc sinh hoạt Đảng và là quy luật phát triển của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của tổ chức Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trung thực, suy cho cùng đó là cuộc đấu tranh vì cái đẹp, vì văn hóa trong Đảng và trong xã hội.

Đọc thêm