Ở phần xét hỏi, đại diện CB Bank cho rằng khi các bên góp vốn vào ngân hàng để tăng vốn điều lệ nhưng tăng không thành công thì đây là quan hệ giao dịch dân sự. CB Bank cũng cho rằng việc sử dụng 4.500 tỷ đã hòa chung vào dòng tiền của CB nên không xác định được cụ thể việc sử dụng số tiền này nhưng tất cả các khoản tiền rút ra khỏi ngân hàng đều có chứng từ rõ ràng.
CB Bank cho rằng khi Phạm Công Danh nộp tiền vào ngân hàng và đã sử dụng hết; số tiền này ngân hàng dùng vào mục đích riêng, CB Bank sẽ trình bày cụ thể về vấn đề này trong phần tranh luận bắt đầu vào sáng thứ hai - 17/2.
Trong khi đó bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) không đồng ý với kết luận điều tra cho rằng số tiền 4.500 tỷ đồng đã hòa chung vào dòng tiền không thể tách ra được. Theo ông Khương, hệ thống kiểm toán ngân hàng rất rõ ràng, dễ dàng kiểm toán được. Ông Khương đề nghị xem xét trả lại số tiền 4.500 tỉ đồng cho Phạm Công Danh. Cũng theo ông Mai Hữu Khương, bản án sơ thẩm đã xác định khi tái cơ cấu thì ngân hàng âm 18.000 tỉ đồng, nhưng nên xác định ai, ông Phạm Công Danh hay bà Hứa Thị Phấn gây ra? Cũng liên quan tới bà Phấn, bị cáo Mai Hữu Khương cho rằng xét xử vụ Hứa Thị Phấn sau vụ Phạm Công Danh là gây bất lợi cho các bị cáo. Theo Khương, nếu giải quyết triệt để hậu quả do bà Phấn gây ra, lấy tiền giải ngân cho các khoản vay thì sẽ không âm vốn mà còn tạo lợi nhuận cho CB Bank.
Tại tòa, ông Phạm Công Danh cho rằng do áp lực muốn đưa ngân hàng đi lên nên tìm cách tăng vốn điều lệ nên phạm tội. Hậu quả là do bà Hứa Thị Phấn gây ra, ông và những đồng phạm chỉ là những người giải quyết hậu quả. Ông Danh “xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác vì đã quá tin tưởng vào chúng tôi, vào đề án tái cơ cấu".
Trước đó, trả lời phần xét hỏi trước tòa, bị cáo Phan Thành Mai - nguyên Tổng Giám đốc VNCB cho biết số tiền 4.500 tỉ này được các cổ đông (thực chất là của bị cáo Danh) chuyển vào Ngân hàng VNCB với mục đích tăng vốn điều lệ, nhưng không được Ngân hàng Nhà nước đồng ý, thì tiền đó vẫn là tiền của cổ đông và được quyền rút ra.
Bị cáo Phạm Công Danh yêu cầu thu hồi toàn bộ số tiền 4.500 tỉ này để khắc phục hậu quả. Trước HĐXX, bị cáo Danh cho biết bản thân hoàn toàn có khả năng khắc phục toàn bộ 100% hậu quả của vụ án. Khi được hỏi: “Bị cáo dựa trên cơ sở nào để nói như vậy?”. Bị cáo Danh nói: “Chỉ cần HĐXX tạo điều kiện cho bị cáo cơ chế thì bị cáo có thể khắc phục hoàn toàn”.
Ông Danh tiếp tục đề nghị thu hồi thêm các khoản tiền mà bị cáo này cho là vật chứng của vụ án nhưng chưa được thu hồi ở cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 để khắc phục hậu quả và xem đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho mình cũng như các bị cáo khác. Phần xét hỏi của tòa đã kết thúc, sáng nay phiên tòa sẽ bắt đầu phần tranh luận.