Phản cảm: Công an xã vào tận trường 'dẫn giải' học sinh ngay trước giờ khai giảng

(PLO) -Đang đứng tập trung ở sân trường chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng năm học mới, cháu Nguyễn Ngọc Trung (SN 2002 - Học sinh lớp 9B, Trường THCS Dray Bhăng, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) bất ngờ bị phó công an xã đưa về trụ sở làm việc.
Trường THCS Dray Bhăng
Trường THCS Dray Bhăng

Dấu hiệu vi phạm pháp luật

Theo đơn tố cáo gửi tới Báo PLVN,anh Nguyễn Ngọc Nam (SN 1978, cha ruột của cháu Trung): Ngày 5/9/2016 vừa qua, con trai anh đến trường để tham dự buổi lễ khai giảng năm học mới 2016-2017.

Trong khi Trung đang cầm biển lớp đứng giữa sân trường thì bất ngờ có một người mặc sắc phục công an tiến tới hỏi: “Em có phải là Trung không? Ra đây anh nói cái này tý”. 

Quá sợ hãi, Trung không chịu đi theo thì bị người mặc sắc phục công an kia “áp giải” ra phía cổng trường. Thấy Trung vẫn không chịu đi theo, người công an mở cốp xe lấy còng số 8 ra hù dọa và gọi một công an khác tới “bắt” cháu Trung lên xe máy để chở đi. 

Khi thấy học sinh của mình bị công an áp giải đi, cô giáo chủ nhiệm liền hỏi có chuyện gì vậy? Thì một công an trả lời: “Không có gì đâu, em chở ra đây tý”.

Tiếp đó, cô chủ nhiệm tiến lại chỗ Trung hỏi “số điện thoại của bố em là gì?” thì người mặc sắc phục công an trả lời “không cần đâu”, rồi chở cháu Trung về trụ sở UBND xã, bất chấp sự can ngăn của mọi người.

Trao đổi với phóng viên, cháu Trung sợ sệt kể lại: “Cháu không chịu đi, chú công an chửi “D.m mày, mày lỳ nhở, mày tin tao còng tay mày lại không?”, “mày tưởng mày là đại ca, đại bàng ở đây à, tao mới là đại ca này!”. Cháu nói: “Cháu không đi, cháu gọi bố đã” thì chú công an nói: “Có bố mẹ mày và cô Hạnh (cô của Trung - PV) đang ở đấy rồi!”.

Theo đơn, tại trụ sở UBND xã, công an này đưa cháu Trung vào phòng làm việc, lớn tiếng: “Ai cho mày đánh thằng Hiệp? Mày có biết vườn nhà ca sĩ không? Ngày hôm đó, mày làm gì, có cầm dao không bà ca sĩ nhìn thấy hết”. Quá hoảng sợ, Trung chỉ biết trả lời “cháu không đánh, cháu không biết gì cả”, rồi khóc mếu máo.

Tiếp đó, người công an kia còn chỉ mặt cháu Trung quát: “Mày lo viết đi, mày không viết tao cho mày qua huyện để họ đánh một trận bây giờ”,… “mày ghi đi, tao đọc cho”. Đúng lúc đó, có điện thoại gọi tới, người này sau khi nghe điện thoại xong liền quay lại quát: “Mày câm mồm, tao chở mày về trường khai giảng”.

Điều đáng nói, trước khi cháu Trung bị công an đưa ra khỏi khu vực trường học, gia đình anh Nam không hề nhận được bất cứ văn bản nào từ phía công an xã Dray Bhăng. Chỉ khi nhận được điện thoại cô giáo chủ nhiệm báo xuống ngay trụ sở UBND xã, có hai chú công an mới bắt cháu Trung đi rồi thì vợ chồng anh Nam mới hớt hải chạy xe hơn 10km để tìm con. 

Đến trụ sở UBND xã anh Nam được biết con mình đã được chở đi đâu không rõ. Sau đó, hai vợ chồng anh Nam chạy thẳng tới trường để tìm con. Tới nơi, cũng là lúc cháu Trung được đưa đến cổng trường.

Thấy con khóc, anh Nam hỏi người công an viên: “Lý do vì sao lại bắt con tôi?”, thì nhận được câu trả lời: “Không phải là bắt mà là mời”. Sau đó, thầy hiệu trưởng mời tất cả mọi người vào phòng làm việc để giải quyết. Nhưng người công an không nói gì mà đi ra ngoài nghe điện thoại.

Hai ngày sau, vợ chồng anh Nam có đến trụ sở UBND xã yêu cầu gặp trực tiếp người công an đó để trao đổi nhưng không được đáp ứng vì lý do “anh ta đi học”. Quá bức xúc với cách làm việc từ phía công an xã, gia đình anh Nam đã làm đơn tố cáo gửi lên các cơ quan pháp luật. 

Em Trung sợ hãi kể lại việc mình bị bắt
 Em Trung sợ hãi kể lại việc mình bị bắt

Bắt người trái pháp luật

Trả lời phóng viên về sự việc trên, ông Nguyễn Trọng Nhiên, Chủ tịch UBND xã Dray Bhăng cho biết: “Người trực tiếp xuống đưa cháu Trung lên trụ sở công an là đồng chí Trần Tuấn- Phó Trưởng công an xã Dray Bhăng”. 

Ông Nhiên cũng khẳng định: “Thời gian vừa qua tôi nghỉ phép, vừa đi làm lại nên không nắm rõ nội tình. Qua điện thoại, tôi đã chỉ đạo cho anh em thực hiện theo đúng pháp luật, không thiên vị bên nào, ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo quan điểm riêng của cá nhân tôi, nếu sự việc đặc biệt nghiêm trọng thì hãy nên làm như vậy. Đối với học sinh thì nên tạo điều kiện nhẹ nhàng cho các em. Tôi sẽ trực tiếp xác minh lại sự việc, và sẽ có trách nhiệm trong công tác chỉ đạo giải quyết vấn đề”.

Còn ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng Công an xã Dray Bhăng cho hay: “Trước đó, vì Trung có liên quan đến vụ xảy ra xô xát nên chúng tôi đã giao đồng chí Trần Tuấn triệu tập Trung đến cơ quan để xác minh làm rõ. Nhưng do còn thiếu kinh nghiệm nên đồng chí Tuấn có để xảy ra sai sót trong quy trình làm việc.

Sự việc không đến nỗi phải làm gấp gáp và vào tận trường để mời học sinh gây hoang mang dư luận. Phía cơ quan cũng đã có biên bản kiểm điểm, nhắc nhở đồng chí Tuấn rút kinh nghiệm không tái phạm và công khai xin lỗi gia đình, nhà trường về việc làm của mình”.

Theo tìm hiểu, vụ xô xát có liên quan đến cháu Trung xảy ra vào ngày 31/8 giữa hai anh em Trung với Hiệp, Hải có xảy ra xích mích. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc Hiệp từng nói với Trung “Chúc sức khỏe mày lên Y Jút” (tức trường THPT Y Jút). Cho rằng Hiệp có ý đem anh chị lớp trên ra dằn mặt mình nên Trung đáp lại “sao mày chửi tao, mày nhỏ mà bố láo vậy?”. 

Sau đó, hai bên có xảy ra xô xát, làm mắt kính của Hiệp rớt xuống và bị bể. Tuy nhiên, sau đó, phụ huynh giữa các gia đình đã tiến hành hòa giải, đền mắt kính cho cháu Hiệp và còn đưa cả ba em bắt tay giảng hòa.

Được biết, ngày 10/9/2016, công an xã Dray Bhăng đã gửi thông báo trả lời về sự việc đến gia đình anh Nam. Tuy nhiên, trong đó có nhiều chỗ chưa đúng sự thật khiến gia đình anh không khỏi bức xúc. 

Theo phản ánh của gia đình, việc “đồng chí Tuấn nói là “mời” về trụ sở làm việc là sai, ở đây rõ ràng có sự dọa dẫm, bắt ép”. Hơn nữa, không phải công an chỉ bắt giữ 2 phút như trong thông báo đã đề cập. 

Mặt khác, từ sau khi bị bắt đến trụ sở làm việc, Trung đã vô cùng hoảng sợ, tâm lý hoang mang cho đến nay vẫn chưa dám đến trường học chứ không chỉ đơn giản như trong thông báo “cháu Trung về lại trường để khai giảng và vào lớp học bình thường mà không có chuyện gì xảy ra”. 

“Gia đình đã phải vận động cháu rất nhiều, thậm chí hôm nào bố mẹ trực tiếp chở cháu đến trường thì cháu mới dám đi học. Tâm lý lúc nào cũng cảm thấy như mọi người đang nói xấu, dè chừng bản thân mình. Cháu luôn cảm thấy xấu hổ với bạn bè, không dám tiếp xúc với ai thậm chí đòi bỏ học vì trong tờ thông báo còn ghi rõ “sẽ tiếp tục xác minh mời làm việc”.

Anh Nam bức xúc: “Việc kiểm điểm, nhắc nhở đồng chí Tuấn ra sao phía gia đình chúng tôi hoàn toàn không biết. Hơn nữa, việc trong thông báo có ghi rằng đồng chí Tuấn đã công khai xin lỗi gia đình, nhà trường về việc làm của mình và động viên cháu đi học là hoàn toàn chỉ trên văn bản giấy tờ.

Điều gia đình ông Nam mong mỏi là anh Tuấn phải chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm bằng cách công khai xin lỗi trước toàn trường để em Trung được trả lại sự trong sạch để cháu yên tâm đến trường.

Theo luật sư Phan Ngọc Nhàn (Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk): “Đây rõ ràng là hành vi trái pháp luật, công an muốn bắt ai phải có lệnh hoặc có giấy triệu tập (đối với giấy triệu tập phải cho đối tượng thời gian), khi bắt phải có sự chứng kiến của chính quyền địa phương.
Đặc biệt, trong trường hợp trẻ vị thành niên cần phải có người giám hộ chứng kiến, chứ không thể coi thường pháp luật muốn bắt ai là bắt vậy được. Tội danh và khung hình phạt đã được quy định rõ tại điều 123 BLHS”.

Đọc thêm