Như PLVN từng đăng tải, đến thời điểm này vẫn chưa có quy định cụ thể hoặc một định nghĩa chi tiết thế nào là hàng Việt, ngoài những nội dung được đề cập trong “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.
Bộ Công Thương cũng khẳng định, với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào, nhập khẩu và sau đó lưu thông trong nước, hiện vẫn chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”.
Do đó, trong Dự thảo Thông tư về cách xác định hàng hóa Việt Nam đang được triển khai lấy ý kiến gần đây, Bộ này đã đặt vấn đề nêu rõ cách xác định thế nào là hàng Việt. Theo đó, Dự thảo quy định hàng Việt Nam là hàng hóa có xuất xứ thuần túy (ví dụ như cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam; Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam…) hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam.
Trong trường hợp hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam và làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa thì sẽ được coi là hàng Việt Nam. Đây là vấn đề mà PLVN từng đề cập thông qua ý kiến của một số cán bộ có thẩm quyền, giới doanh nhân trong loạt bài “Đi tìm hàng Việt cho người Việt” hồi tháng 7/2019.
Trong loạt bài này, Báo PLVN đã dẫn ý kiến của doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, người sẵn sàng cho thuê miễn phí 5 tầng trung tâm thương mại V+ đối với các thương hiệu là hàng Việt. Trả lời PLVN, ông Đường nhấn mạnh, hàng Việt chính là các loại hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam, do người Việt làm chủ, không thể là các thương hiệu Việt nhưng lại xuất xứ từ các nước khác, Việt Nam chỉ tham gia công đoạn gia công gắn mác.
Một số vấn đề mà PLVN ghi nhận và đăng tải cũng được đề cập tại một số điều khoản được quy định trong Dự thảo Thông tư mà Bộ Công Thương đang cho lấy ý kiến. Cụ thể, Dự thảo văn bản này quy định hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam, nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn như thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác; Dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự; Lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh… sẽ không được coi là hàng hóa của Việt Nam.
Cụ thể hơn, để tránh các trường hợp chỉ “thuê gia công, gắn mác”, Dự thảo của Bộ Công Thương quy định, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam sẽ được coi là hàng hóa của Việt Nam nếu đáp ứng tiêu chí Chuyển đổi mã số hàng hóa (tức là linh kiện nhập khẩu mang một mã HS nhưng đến khi hoàn thành thì sản phẩm lại mang một mã HS khác) hoặc hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 30% trở lên.
Bộ Công Thương khẳng định, với Thông tư này, các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư khi có hiệu lực cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua.